.

Gặp lại đội quân của mẹ Nghèng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 10:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân kỷ niệm 50 năm Quang Phú anh hùng, tôi được Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Thơ và Chủ tịch UBND xã Phạm Thanh Bình dành hẳn cho một buổi để hàn huyên. Chuyện Phú Hội xưa, Quang Phú bây giờ qua nửa thế kỷ vẫn chảy tràn không bao giờ cạn. “Xã anh hùng, có những người con anh hùng” - Bí thư Thơ trao cho tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú giai đoạn 1930 - 2015, bảo - “Trong đó có khá đầy đủ tư liệu anh cần, kể cả chuyện bà mẹ Phạm Thị Nghèng cùng đội trồng cây 45 năm miệt mài gây rừng, chắn cát”.

Một thời chân trần cát bỏng... trồng rừng

Nhưng trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú giai đoạn 1930- 2015 viết về đội trồng cây trên cát do Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng phụ trách lại ẩn khuất đâu đó giữa những chiến công của quân và dân HTX Phú Hội xưa và xã Quang Phú hiện tại. Năm 1964, sau sự kiện Vịnh Bắc bộ, đế quốc Mỹ bắt đầu mở rộng chiến tranh ra toàn miền Bắc. Quang Phú - mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió cùng với quân dân Quảng Bình chuyển dần sang chế độ thời chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm mẹ Phạm Thị Nghèng và đội trồng rừng chắn cát năm 1999. Ảnh: Cao Trường Sơn
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm mẹ Phạm Thị Nghèng và đội trồng rừng chắn cát năm 1999. Ảnh: Cao Trường Sơn

Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhân dân Quang Phú trên tinh thần “Lặng đánh cá, động phá hoang” hăng hái thi đua lao động sản xuất. Đội trồng rừng của mẹ Phạm Thị Nghèng hình thành trong bối cảnh đó, lực lượng chính là chị em phụ nữ. Họ tự ươm lấy giống, đến mùa mưa thì trồng xuống cát. Địa bàn đội trồng cây phụ trách trải dài từ khu vực Bàu Tró (giáp Hải Thành) ra đến Nhân Trạch (Bố Trạch). Trồng cây trên cát không dễ, chỉ có thể trồng vào mùa mưa, cát ẩm nước cây mới dễ bám rễ đâm chồi.

Mùa hè, thương cây, các chị, các mẹ gánh hàng trăm gánh nước chạy trên cát bỏng, tưới cho từng gốc, mong cây được sống. Thức khuya, dậy sớm chăm bẵm cây từ khi nảy mầm, vào bầu, đem trồng, đến khi cây sống bám rễ sâu vào cát... thời gian mất cả năm trời.

Đó là lúc trời yên biển lặng, máy bay Mỹ thôi đánh phá, gặp mùa cát chạy, cát bay, bom Mỹ ngút ngàn, rừng phi lao đang hồi sinh trưởng tốt bị vùi sâu trong cát. Không nản lòng... những cô gái miền biển bắt tay và kiến thiết, trồng lại từ đầu.

Vừa trồng cây gây rừng, các chị, các mẹ vừa vận động toàn dân tham gia bảo vệ rừng, hễ thấy nhà nào đốt củi dương thì ngăn chặn. Khẩu hiệu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phi lao chắn cát có khắp đầu làng, cuối xóm, in sâu trong lòng dân: “Hỡi ai đi đến nơi này, chớ nên chặt phá những cây đã trồng”. Cứ thế, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác công sức, mồ hôi của các chị đổ xuống cát trắng cho rừng phi lao xanh tốt phủ kín hàng trăm ha đồi cát dọc bờ biển từ Bàu Tró ra đến Nhân Trạch.

Sau hơn 45 năm (1964-2009), rừng phi lao chắn cát Quang Phú đi vào tâm thức người dân Quảng  Bình và cả nước với cái tên gọi chân chất, bình dị, thân thương: Rừng cây mẹ Nghèng. Tháng 11-2000, mẹ Phạm Thị Nghèng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Năm 2002, mẹ Nghèng mất, hưởng thọ 74 tuổi.

Mệ Xót, mệ Dành, những đội viên đội trồng rừng năm xưa.
Mệ Xót, mệ Dành, những đội viên đội trồng rừng năm xưa.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn cơ duyên cùng Quang Phú, với mẹ Phạm Thị Nghèng, ông từng hai lần về thăm Quang Phú. Lần thứ nhất vào ngày mùng một Tết Đinh Mùi, năm 1967, sau khi Hợp tác xã Quang Phú được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 1966.

Nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Quang Phú, Đại tướng biểu dương: “Vừa qua Quốc hội, Chính phủ tặng cho Hợp tác xã Quang Phú danh hiệu Anh hùng. Các đồng chí và bà con xã viên đã sản xuất tốt nhưng phải sản xuất tốt hơn nữa; phòng không nhân dân, chiến đấu chống Mỹ, vận tải và một số công tác tốt nhưng phải tốt hơn nữa. Hiện nay đã anh hùng rồi nhưng làm thế nào giữ và anh hùng lần thứ hai nữa...”

Năm 1999, Đại tướng trở lại Quang Phú. Giữa mênh mông cát, dưới tán rừng phi lao già non nửa đời người, bên chân sóng biển Đông, Đại tướng dành nhiều thời gian để trò chuyện với mẹ Nghèng. Hai mái đầu tóc bạc, vị Đại tướng đánh thắng hai đế quốc to và người mẹ Anh hùng 45 năm trồng rừng chắn cát.

Đại tướng hỏi thăm chuyện làng, chuyện xã, Người dặn dò: “Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người” nên chúng ta phải trồng nhiều rừng hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát. Trồng rừng cho con cháu đời sau hưởng lợi, hiệu quả của rừng phi lao chắn cát không phải ngày một ngày hai mà mãi mãi”.

Tiếc thay... vào thời điểm tôi đi tìm những đồng đội của mẹ Nghèng năm xưa sát cánh, chân trần cát bỏng, trồng cây gây rừng với mẹ thì rừng phi lao với cái tên dung dị: Rừng mẹ Nghèng đang bị thu hẹp dần. Trên 200 ha rừng dương bên chân sóng, theo tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt ở Quang Phú, chỉ còn lại một ít về phía đông bắc giáp với Nhân Trạch.

Những bà mẹ trồng rừng ngày ấy... bây giờ

Người đầu tiên tôi gặp là mệ Nguyễn Thị Đoàn, sinh năm 1952 ở thôn Tây Phú, nguyên kỹ thuật viên kiêm đội phó đội trồng rừng phía bắc. Hỏi: “Vì sao lại chia thành đội trồng rừng phía nam và phía bắc?”. Mệ Đoàn ngược dòng ký ức: “Sau khi hình thành đội trồng rừng chắn cát, trong quá trình phát triển, đội viên tham gia ngày càng nhiều hơn. Để nhanh chóng phủ xanh đồi cát, chủ trương của trên cho tách làm hai.

Rừng mẹ Nghèng còn khá nguyên vẹn ở phía đông bắc xã Quang Phú.
Rừng mẹ Nghèng còn khá nguyên vẹn ở phía đông bắc xã Quang Phú.

Đội trồng rừng phía nam do mẹ Phạm Thị Nghèng làm đội trưởng. Đội trồng rừng phía bắc do mẹ Phạm Thị Men phụ trách. Tuy chia làm hai nhưng vẫn như người một nhà, tôi lúc đó làm kỹ thuật viên thường xuyên chi viện cho đội phía nam về các công đoạn: chọn giống, ươm cây, vào bầu, kỹ thuật trồng...”. Mệ Đoàn cho biết toàn đội trồng rừng phía bắc có 32 người, đến khi giải thể (năm 2009) chỉ còn lại 12 người.

Từ nhà mệ Nguyễn Thị Đoàn, tôi ghé nhà mệ Hoàng Thị Xót, sinh năm 1939, đội phó đội trồng rừng phía nam, hạt nhân trồng rừng hiếm hoi còn sót lại kể từ khi hình thành đội trồng rừng chắn cát đầu tiên của HTX Phú Hội. “Thời đó chị em chúng tôi đi trồng rừng vô tư lắm, như đi trẩy hội, lao động không kể thời gian, mưa nắng mô! Chân trần cứ chạy khắp triền cát, chăm cho từng gốc phi lao, xem cây như con. Máy bay Mỹ kéo đến cắt bom, toàn đội chạy nhanh vào trú ẩn ở các hầm hào, công sự dọc biển. Hết bom lại ra tiếp tục công việc”.

Đang ngồi trò chuyện với mệ Xót thì mệ Nguyễn Thị Dành, một đội viên khác của đội trồng rừng năm xưa ghé vào thăm. Mệ Xót tâm sự: “Già rồi, chị em ngày xưa giờ còn sống thêm mấy tuổi nữa đâu. Rảnh rỗi là tìm đến nhau, động viên, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, khó khăn, hoạn nạn”.

Qua lời tâm sự của các mệ, những người một thời lăn lộn với cát, trên bom dưới đạn trồng rừng chắn cát, tôi biết họ phần lớn chẳng có một chế độ gì khi đội trồng rừng chắn cát tự giải thể vào năm 2009.

Tôi chuyển những tâm tư của các mệ đến cho Chủ tịch UBND xã Quang Phú Phạm Thanh Bình, anh trăn trở: “Trong cái chung có cái riêng, mệ Phạm Thị Nghèng đã được nhà nước tôn vinh Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhưng thành tích trồng rừng chắn cát là của cả một tập thể các o, các mẹ, cần phải tri ân. Nhớ đến công lao của họ, chúng tôi chỉ biết thăm hỏi, động viên là chính. Giá như Nhà nước có một chế độ gì cho các mẹ, các o xứng với mấy chục năm lăn lộn trên cát, trồng cây chắn cát”.

Ngô Thanh Long