.

Nhớ tiền nhân qua những thư tịch cổ - Bài 3: Níu lại thời gian

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi tinh hoa vốn đã dễ dàng mất đi thì càng cần lắm chính sách cấp thiết để níu giữ và bảo tồn. Níu giữ để những sắc phong thấm đẫm hồn quê lâu nay ngủ yên trong những hòm bộ sẽ cùng thức dậy thao thiết chảy trong chính mạch ngầm văn hóa quê hương và sống mãi trong tâm hồn của mỗi người dân Quảng Bình.

>> Bài 2: Khi tinh hoa dễ mất

>> Bài 1: Tinh hoa tiên tổ

Tiếp sức cho làng

Đã từng có hàng chục cuộc du ngoạn qua nhiều làng quê trên dải đất nắng gió Quảng Bình, ông Tạ Đình Hà khẳng định, có lẽ không một làng quê nào như làng Vĩnh Lộc (Quảng Lộc, Ba Đồn), trải qua hàng trăm năm lịch sử, đến nay, dân làng vẫn còn giữ nguyên vẹn 30 sắc phong qua các triều đại. Hơn thế nữa, có những vị thần được phong sắc nhiều lần.

Trong 23 đạo sắc các vị thần các dòng họ của làng Vĩnh Lộc có hai vị là tước công, bốn vị tước hầu, một vị tước bá, một vị tước tử, với trung đẳng thần, thượng đẳng thần, tôn thần... có một sắc phong vào loại sớm, năm Cảnh Hưng thứ 15 (1785).

 Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc, nơi lưu giữ 7 sắc phong quý.
Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc, nơi lưu giữ 7 sắc phong quý.

Riêng tại Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc (Đông Đoài-Hai Giáp)-di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia hiện đang lưu giữ 7 sắc phong cho Thượng thư Đại Hành Khiển Trần Bang Cẩn-người có công lớn dẹp giặc Lồi (Chiêm Thành), được dân làng lập điện thờ và tôn ngài là thần Thành hoàng từ thời Hồng.

Hằng trăm năm đã trôi qua, cùng với sự tồn tại linh thiêng của Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc là 7 sắc phong đã và đang được người dân làng Vĩnh Lộc gìn giữ cẩn thận. Hằng năm, chỉ vào những ngày tế thần, các chức sắc trong làng mới đưa sắc ra đọc, mỗi lần như vậy đều có tế lễ cẩn trọng. Nhiều bản sắc phong đã hàng trăm năm nay vẫn còn giữ được nét tươi đẹp, ánh màu vàng bạc lấp lánh hình rồng phượng và hoa văn mây, tinh tú trên giấy lụa.

Người Vĩnh Lộc hãnh diện, tự hào với những tinh hoa mà tổ tiên đã để lại bao nhiêu thì càng “ứng xử” với tinh hoa ấy trách nhiệm và trân trọng bấy nhiêu. Năm 1995, khi Điện Thành hoàng làng Vĩnh Lộc được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia, ban Truyền thống làng Vĩnh Lộc ra đời với trách nhiệm chăm sóc, thờ tự Điện Thành hoàng, trong đó có việc bảo quản các sắc phong hằng trăm năm tuổi.

Trong khi tấm bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia mới tròn 20 năm đã bị ẩm mốc, mối mọt phá hủy hoàn toàn thì việc những sắc phong quý vẫn được gìn giữ cho đến hôm nay là một nỗ lực đáng trân trọng của bao thế hệ con cháu làng Vĩnh Lộc.

Thế nhưng, ông Nguyễn Duy Kháng, Trưởng ban Truyền thống làng Vĩnh Lộc vẫn khẳng định: dù đã rất cẩn thận trong bảo quản và chỉ khai sắc trong các dịp Tết Nguyên đán, lễ Khai hạ, lễ Kỳ phúc và lễ Tảo mộ nhưng các sắc phong cũng không thể tránh khỏi bị hư hỏng ít nhiều. Có lẽ, nếu không có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chuyên môn mà chỉ có cách bảo quản thủ công như thế này thì khó lòng gìn giữ những sắc phong này vẹn nguyên mãi mãi được.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho hay: điều kiện chung để bảo quản các tài liệu cổ vốn đã rất dễ dàng hư tổn này là cần được đặt trong phòng có điều hòa, duy trì ở một nhiệt độ ổn định, được diệt khuẩn mới không bị bay màu. Đó là điều kiện lý tưởng nhưng rõ ràng không phải gia đình, họ tộc nào cũng có thể làm được điều đó.

Khi chưa có bất kỳ một sự tiếp sức nào từ phía các cơ quan chuyên môn, nhiều làng xã, dòng họ như họ Nguyễn Duy (Hải Trạch, Bố Trạch), họ Trần (Vạn Ninh, Quảng Ninh)... đã tự tìm cách bảo quản, níu giữ các di sản trăm tuổi này bằng cách khá phổ thông như sao chép, ép prastic... và chủ động tạo lập cơ chế bảo vệ, bảo quản an toàn những thư tịch cổ có giá trị.

Đánh thức giá trị

Có lẽ phải đến thời điểm này, các cơ quan chuyên môn của tỉnh ta mới bắt đầu có một kế hoạch bài bản, chuyên sâu để bảo tồn, phát huy giá trị các thư tịch cổ. Đó là đề án “Nghiên cứu, sưu tầm và dịch một số tư liệu Hán Nôm quan trọng liên quan đến tỉnh Quảng Bình” do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh và CLB Hán Nôm tỉnh phối hợp thực hiện.

Các sắc phong vẫn luôn được nhiều thế hệ dân làng Vĩnh Lộc giữ gìn cẩn thận.
Các sắc phong vẫn luôn được nhiều thế hệ dân làng Vĩnh Lộc giữ gìn cẩn thận.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh khẳng định: Quảng Bình là vùng đất có bề dày truyền thống, các tài liệu, thư tịch cổ rất phong phú, quý giá. Hiện nhiều thư tịch chưa được nghiên cứu đánh giá, phân loại, dịch thuật, phổ biến rộng rãi để phát huy giá trị. Nên chúng tôi xác định, sau khi đề án được phê duyệt, chúng tôi sẽ đi về các địa phương tiến hành sưu tầm, dịch thuật. Trước mắt, nếu chưa có điều kiện mang về trưng bày tại Bảo tàng thì sẽ hướng dẫn người dân cách bảo quản hợp lý, khoa học, tránh hư hỏng.

Cũng theo ông Tuấn, công tác sưu tầm này sẽ không tiến hành tràn lan mà chỉ tập trung vào các thư tịch cổ quan trọng có liên quan đến 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Quảng Bình. Bởi hiện tại, ngoài các văn bản viết về Quảng Bình được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam, Bảo tàng tỉnh chỉ mới lưu trữ gần 60 cuốn sách cổ quý hiếm, còn phần lớn các tư liệu cổ vẫn còn tản mát trong dân gian.

Từ trước đến nay, tại tỉnh ta, bảo tồn thư tịch cổ theo cách cổ điển là đưa các tài liệu chữ Hán Nôm vào thư viện hay kho tập trung và hạn chế số người tiếp cận để khỏi hỏng tài liệu gốc. Tuy nhiên, tình hình đang ngày càng khó khăn khi số người biết chữ Hán Nôm ngày càng ít đi và không nhiều người có điều kiện truy nhập được vào kho tư liệu đã cất giữ.

Công tác bảo quản mà đề án hướng đến là bảo tồn tư liệu dưới dạng hiện đại, số hóa tất cả tài liệu, đồng thời đưa lên mạng internet các tài liệu và công trình nghiên cứu để nhiều người có thể cùng truy nhập và các học giả có thể cùng nghiên cứu.

“Đây sẽ là nguồn tư liệu quý để quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Quảng Bình đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Đánh thức giá trị, tiềm năng của di sản, đó mới là mục tiêu mà những người thực hiện đề án như chúng tôi muốn hướng đến”, ông Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho biết thêm.

Sưu tầm, dịch nghĩa rồi khóa kín cửa, lưu giữ cẩn thận thì những di sản ấy chỉ đơn giản là những tài liệu khô cứng. Và gìn giữ, bảo tồn để các thư tịch cổ trường tồn mãi với hậu thế mới chỉ thực hiện một nửa sứ mệnh mà lịch sử đã khoác lên vai các di sản quý giá này. Đánh thức giá trị và phát huy những giá trị của di sản trong chính đời sống hôm nay mới là cái đích trọn vẹn mà cả di sản và chủ nhân của di sản muốn chạm đến.

Câu chuyện xã hội hóa bảo tồn di sản lại một lần nữa được nhắc đến cấp thiết hơn bao giờ hết, đòi hỏi trách nhiệm của cả một cồng đồng chứ không riêng gì các ban, ngành chuyên môn. Bởi một lẽ thường tình, thời gian vốn tàn nhẫn, không chờ đợi bất cứ ai và bất kỳ điều gì!

Diệu Hương