.

Nhớ tiền nhân qua những thư tịch cổ - Bài 2: Khi tinh hoa dễ mất

Thứ Hai, 28/03/2016, 08:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Tinh hoa tiền nhân là điều thiêng liêng cần gìn giữ nhưng tiếc rằng “lưỡi hái” thời gian đã làm cho một số sắc phong, tư liệu cổ bị ố màu, hư hỏng. Nếu không có biện pháp kịp thời để bảo tồn và gìn giữ, thì tinh hoa cũng dễ dàng biến thành bụi trong một thời gian ngắn và hẳn nhiên sẽ xóa sạch một mảng ký ức về lịch sử.

>> Bài 1: Tinh hoa tiên tổ

Một thực tế phũ phàng rằng dù bản thân những chủ nhân của di sản giữ gìn bằng tất cả tấm lòng và trách nhiệm thì những biện pháp bảo quản thủ công cũng không thể chống lại được sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian.

Bức văn bia ghi chép cụ thể về nguyên do, quá trình xây dựng cho đến khi “đá gạch cứ dần dần từ biệt cổ lũy để dùng vào việc xây cất các dinh thự quan trọng và ích lợi cho đương thời và theo thời gian, ruộng dâu hóa bể, Trường lũy Đồng Hới nay chỉ còn là một cái tên không”.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh cho hay, qua nhiều cuộc khảo sát thực tế, mặc dù số lượng thư tịch cổ đang tản mát trong nhân dân còn khá lớn nhưng thực trạng chung là những di sản này đều đang bị hư hại nghiêm trọng. Hầu hết giấy đã ố màu, nét chữ nhạt nhòa, một số khác bị mối mọt, ẩm mốc làm cho rách, nát.

Với những địa phương mà các sắc phong được coi trọng, bảo quản, lưu giữ cẩn mật, được cất trong ống quyển và đặt vào hộp sơn son thiếp vàng, vẽ hoa văn đẹp đẽ thì màu giấy và nét chữ vẫn còn rất tươi nguyên, nhưng bốn phía đã bắt đầu sờn góc.

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: Thư tịch cổ là những sản phẩm vật chất rất dễ bị xâm hại và hư hỏng, cho dù chúng có được cấu thành từ bất cứ chất liệu gì đi nữa thì các yếu tố khách quan như ánh sáng, tia cực tím, nhiệt độ và độ ẩm, sự xâm nhập của côn trùng, nấm mốc, thời tiết, các tác nhân hoá học đều có thể gây hư hại đến tài liệu. Bên cạnh đó, các yếu tố chủ quan như việc sử dụng, di chuyển tài liệu chưa đúng cách, bảo quản tài liệu không hợp lí cũng đều ảnh hưởng xấu đến tài liệu.

Ông Trương Quang Phúc, chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh cho chúng tôi xem một cuốn gia phả cổ dày hàng trăm trang mà ông đang dịch. Có một điều đặc biệt, trên những trang giấy đã sờn màu, những nét chữ còn rất đều đặn và sắc sảo.

Theo ông Phúc, đây là một trong những cuốn gia phả của dòng họ đầy đủ và viết hay nhất từ trước đến nay ông được tiếp cận. Thế nhưng, điều đáng buồn là các mép giấy đã bị hư hỏng nghiêm trọng, rách nát vì mối mọt. “Có lẽ khi thấy gia phả hư hại, không cứu vãn được nữa thì con cháu trong dòng họ này mới bắt đầu nỗ lực để dịch thuật, tìm hiểu gốc gác của mình. Dù sao muộn còn hơn không”, ông chủ nhiệm CLB Hán Nôm tỉnh cho biết thêm.

Sắc phong vẫn được bảo quản bằng cách truyền thống: cuộn tròn, bỏ hộp kín rồi đặt lên ban thờ.
Sắc phong vẫn được bảo quản bằng cách truyền thống: cuộn tròn, bỏ hộp kín rồi đặt lên ban thờ.

Cũng theo ông Phúc, việc các tài liệu Hán Nôm bị hư hại, mối mọt gần hết là thực trạng chung của hầu hết những văn bản mà ông được tiếp cận. Điều đó đã và đang gióng lên một hồi chuông báo động để níu giữ, bảo tồn di sản vô giá của cha ông.

Thiên tai, thời tiết và mối mọt đã đành, nhưng những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ chính những chủ nhân của di sản cũng “góp sức” làm thư tịch cổ bị hư hại hoặc vĩnh viễn mất đi. Tại nhiều làng quê chúng tôi  đặt chân đến, hầu hết những sắc phong, gia phả cổ đều được cất giữ khá cẩn trọng, đó là cuộn tròn, đặt trong một hộp kín rồi để ở góc trang trọng nhất của ban thờ. Họ trân trọng tinh hoa của tổ tiên nên có một số làng chỉ khai sắc vào những dịp quan trọng trong năm.

Cũng chính những nguyên do này đã vô tình “tiếp tay” cho tác nhân gây hại đến những văn bản cổ, bởi đặt lên ban thờ nghi ngút khói hương, lâu lâu mới mang ra xem càng dễ gây hư hại cho những trang giấy vốn mỏng manh, dễ rách. Để tránh thất lạc, mất cắp, nhiều gia đình cẩn thận cất kỹ các thư tịch cổ trong tủ, hòm, dưới nhiều lớp sách báo. Nhiều năm sau mang ra thì các loại giấy tờ ấy đã bị hư hỏng hoàn toàn. Nỗ lực cứu vãn chúng chỉ còn trong vô vọng.

Ông Trương Quang Phúc cho hay, Quảng Bình vốn tồn tại rất nhiều các loại hình thư tịch cổ như văn bia, sắc phong, gia phả... nhưng trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, việc các tư liệu cổ bị tịch thu, phá hủy để phục vụ cho mục đích chính trị đã khiến một số lượng lớn di sản này bị mất đi.

Hơn nữa chữ Hán-Nôm là ngôn ngữ khó học, khó hiểu, người biết đọc, viết và dịch các tài liệu ấy tại tỉnh ta không nhiều. Khi các gia đình, dòng họ không hiểu được những giá trị của di sản, không có ý thức để tìm hiểu về chúng thì việc họ bỏ quên di sản ấy là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Ông Phúc cho hay: nhiều năm trước, còn xảy ra tình trạng các gia đình mang sách cổ ra... hút thuốc lào. Vì giấy gió dùng để viết gia phả thường rất đượm, nên nhiều người hút thuốc rất... chuộng. Một số lượng không ít gia phả, sách cổ mặc nhiên tan theo khói thuốc. Và một phần của lịch sử cũng vì thế chìm vào quên lãng.

Tại cầu Dài (Đồng Hới), xưa kia có một văn bia vốn được vua Thiệu Trị dựng năm 1842. Trên đó chép về việc Đào Duy Từ xây dựng hai chiến lũy Trường Dục và lũy Nhật Lệ. Bức văn bia ghi chép cụ thể về nguyên do, quá trình xây dựng cho đến khi “đá gạch cứ dần dần từ biệt cổ lũy để dùng vào việc xây cất các dinh thự quan trọng và ích lợi cho đương thời và theo thời gian, ruộng dâu hóa bể, Trường lũy Đồng Hới nay chỉ còn là một cái tên không”.

Văn bia mang ý nghĩa lịch sử là vậy nhưng đến nay, trải qua hàng trăm năm lịch sử, đã bị hư hỏng rất nhiều. Phần văn bia còn sót lại hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. “Trăm năm bia đá cũng mòn”, huống hồ lại chịu thử thách của bom đạn chiến tranh thì việc văn bia lịch sử bị hư hỏng theo thời gian cũng là điều dễ hiểu.

Giá bức văn bia kia vẫn đứng “hiên ngang cùng tuế nguyệt” thì biết đâu đấy, cầu Dài sẽ trở thành điểm tham quan thú vị cho những khách thập phương ghé lại. Và nếu không được phục dựng và đặt về đúng vị trí nguyên sơ của nó thì thật tiếc khi lớp trẻ về sau sẽ không có điều kiện hiểu hơn về lịch sử cha ông.

Có những di sản đã mất đi là đồng nghĩa với việc sẽ hẳn nhiên xóa sạch một mảng ký ức lịch sử. “Mất gia phả, coi như mất đi nguồn gốc, nhất là khi con cháu chưa kịp hiểu những điều tổ tiên, ông cha lưu dấu lại”, ông Nguyễn Văn Khoác, trưởng dòng họ Nguyễn Văn ở Hạ Trạch (Bố Trạch) băn khoăn. Điều trăn trở ấy của ông trưởng tộc cũng là trăn trở chung của những người yêu vốn cổ, muốn giữ gìn vốn cổ cho lớp lớp thế hệ con cháu mai sau.

Diệu Hương

Bài 3: Níu lại thời gian