.

Không lãng quên tiền nhân

Thứ Sáu, 11/03/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà sử học Dương Trung Quốc coi Quảng Bình là vùng đất chịu đựng nhiều thử thách nhất trong lịch sử dân tộc. Chính những thách thức khắc nghiệt ấy đã tạo nên cho Quảng Bình “một biên lực sinh tồn” và đất anh hùng đã sản sinh ra những người con anh hùng.

Làm gì để bảo tồn và phát huy những giá trị thiêng liêng của bậc tiền nhân-những danh nhân Quảng Bình trong suốt chiều dài lịch sử, trở thành trách nhiệm của bao thế hệ hậu sinh.

Đất danh nhân

Trong một bài viết của mình, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái đã khẳng định: “Thực tế lịch sử đã cho thấy ở đâu có thử thách, ở đâu có sự đối mặt quyết liệt giữa con người với những biến động khôn lường của lịch sử, ở đấy sẽ có những con người vượt lên số phận để gánh vác những trọng trách của cộng đồng trong cuộc chiến để tồn tại và phát triển. Quảng Bình là một mảnh đất như vậy”.

 Du khách tham quan tại Khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Lệ Thủy).
Du khách tham quan tại Khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Lệ Thủy).

Chính những thách thức khắc nghiệt của cuộc sinh tồn đã đặt bao thế hệ con người Quảng Bình trước những thử thách, buộc họ phải tranh đấu và vươn lên không ngừng. Và cũng chính trong những hoàn cảnh dị thường ấy đã sản sinh ra cho mảnh đất này những con người anh hùng. Đất “địa linh” đã sinh ra “nhân kiệt”.

Nói như Tiến sỹ Dương Văn An cách đây hàng trăm năm trước: “Có trời đất mới có núi sông này, nhân vật này... Núi sông ổn định thì nhân vật sinh, nếu không có núi sông thì lấy gì để thấy rõ công tạo lập của trời đất. Nếu không có nhân vật thì lấy gì để thấy rõ khí un đúc của núi sông”.

Trải theo chiều dọc của vùng quê Quảng Bình, nơi đâu cũng lưu dấu bóng dáng những bậc tiền nhân vang danh sử sách. Trên lĩnh vực khai khẩn, mở mang vùng đất có Hồ Cưỡng, quê ở Nghệ An, làm quan dưới triều nhà Hồ, là người khai mở vùng đất phía đông Bố Trạch; Trần Bang Cẩn, làm quan dưới triều Trần Minh Tông, có công mở mang vùng đất lưu vực sông Gianh; Phan Phúc Duyện, quê Quảng Nam, có công mở mang vùng đất phía tây bắc Lệ Thủy; Hoàng Hối Khanh quê Thanh Hóa có công mở đất di dân lập điền trang ở huyện Lệ Thủy. Đặc biệt là Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông có công lớn trong việc khai mở vùng đất phương Nam của đất nước.

Trên lĩnh vực thi cử, đỗ đạt thành danh có Trương Xán là người Quảng Bình đầu tiên đỗ Trạng Nguyên; Huỳnh Côn, làm quan Thượng thư dưới thời Tự Đức triều Nguyễn; Nguyễn Duy Thiệu và dòng họ quê Bố Trạch học rộng, có nhiều người đỗ đạt cao; Võ Xuân Cẩn làm quan Thượng thư dưới triều vua Gia Long đến triều vua Tự Đức; Võ Trọng Bình làm quan dưới triều vua Thiệu Trị; Hoàng Kim Xán là Thượng thư triều Nguyễn...

Trên lĩnh vực bảo vệ quê hương, đất nước còn lưu dấu công lao của Đào Duy Từ với công trình kiến trúc Lũy Thầy nổi tiếng; các danh tướng Lê Sĩ, Hoàng Kế Viêm có công lớn trong thời kỳ đầu chống Pháp; các danh sỹ làm quan dưới triều Nguyễn hưởng ứng và tham gia phong trào Cần Vương như Nguyễn Phạm Tuân, Lê Trực, Lê Mô Khởi...

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, phải kể đến những đóng góp to lớn của Tiến sỹ Dương Văn An, tác giả bộ Dư địa chí đầu tiên về vùng đất Quảng Bình “Ô châu cận lục”; Danh nhân Nguyễn Đăng Tuân và gia tộc quê Lệ Thủy với tài cao, học rộng, nhà có nhiều đời nối dõi đỗ đại khoa, làm quan có công lớn; Trần Mạnh Đàn, Nguyễn Hàm Ninh, Hàn Mạc Tử; Lưu Trọng Lư...

Trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ác liệt, mảnh đất lửa Quảng Bình đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những người anh hùng như Quách Xuân Kỳ, Nguyễn Thị Suốt...

Phát huy giá trị di sản bằng du lịch

Khó có thể thống kê hết những đóng góp của các danh nhân Quảng Bình trong tiến trình lịch sử phát triển của mảnh đất quê hương và lịch sử dân tộc. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh, dẫu qua bao biến thiên, thăng trầm, trải qua bao mất mát, thương đau, di sản to lớn về giá trị tinh thần mà các danh nhân Quảng Bình để lại là động lực quan trọng trong mọi nguồn lực của sự phát triển.

Theo số liệu từ Ban Quản lý di tích và danh thắng, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh 52 di tích cấp Quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh, trong đó có gần 20 di tích gắn với các danh nhân lịch sử, văn hóa. Nhiều năm qua, các đơn vị kinh doanh du lịch đã xây dựng các tour, tuyến du lịch đi đến các di tích, khu lưu niệm danh nhân Quảng Bình đưa vào khai thác du lịch, đồng thời kết hợp tour “Du lịch danh nhân Quảng Bình” này với các tour, tuyến du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch khám phá, mạo hiểm để phục vụ du khách.

Những nỗ lực của thế hệ hậu sinh này nhằm góp phần kích cầu du lịch, đồng thời quảng bá, tôn vinh danh nhân Quảng Bình đối với du khách đến thăm mảnh đất gió Lào, cát trắng. Thế nhưng, ngoài việc viếng thăm Khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, việc khai thác các di tích, khu lưu niệm danh nhân Quảng Bình khác để phục vụ du lịch ở Quảng Bình còn khá khiêm tốn. Đó là thực tế khách quan trong điều kiện cơ sở hạ tầng và những sản phẩm du lịch văn hóa danh nhân còn nhiều hạn chế như hiện nay.

Tiến trình phát triển của lịch sử đã cho thấy, trên lĩnh vực nào của tỉnh ta cũng đều gắn với tên tuổi của các danh nhân tiêu biểu. Từ việc phân vùng không gian sản sinh, gắn bó tên tuổi các danh nhân là cơ sở tiến hành xác định các trung tâm, loại hình, tuyến điểm để tổ chức các hoạt động du lịch. Và lẽ đương nhiên, thời gian tới, việc xây dựng các sản phẩm du lịch cần gắn bó chặt chẽ với việc tu bổ, tôn tạo di tích gắn với danh nhân Quảng Bình.

Gắn với giáo dục truyền thống

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào: “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó nhấn mạnh đến việc chăm sóc di sản gắn với tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa. Từ đó, những hoạt động giáo dục văn hóa truyền thống thông qua hệ thống di tích cho thế hệ trẻ được ngành Giáo dục tỉnh ta quan tâm.

Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức cho học sinh đi tham quan, thường xuyên chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh các địa điểm di tích, qua đó, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tâm hồn cho các em.

Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới) tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Học sinh Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới) tham quan Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trường tiểu học Chu Văn An (Đồng Hới) cũng thường xuyên tổ chức cho học sinh các chuyến tham quan, dã ngoại đến những địa chỉ đỏ như: Nhà lưu niệm và mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bến đò Mẹ Suốt...

Từ những bài học thực tế ấy, nhà trường mong muốn giáo dục cho các em hiểu sâu sắc hơn truyền thống lịch sử, những danh nhân của quê hương Quảng Bình. Đó là những bài học bên ngoài trang sách có sức lay động to lớn đối với nhận thức và tâm hồn các em.

Thế nhưng, thiết nghĩ, việc tổ chức các chuyến đi thực tế tại các địa chỉ đỏ ấy cần gắn với việc giáo dục lịch sử địa phương lồng ghép trong chương trình học. Và điều đặt ra là nên chăng, ngành Giáo dục tỉnh nhà cần xây dựng một chương trình, giáo án bảo đảm tính khoa học và có hệ thống về các danh nhân Quảng Bình truyền đạt đến cho các thế hệ học sinh một cách thu hút nhất? 

“Báo cáo tổng hợp quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025” dành sự quan tâm đặc biệt đến các dự án liên quan đến di tích lưu niệm danh nhân như dự án “Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp mộ Nguyễn Hữu Cảnh”, dự án “Bảo tồn, tôn tạo, nâng cấp khu tưởng niệm Hoàng Hối Khanh”... Điều đó thể hiện nỗ lực to lớn của toàn xã hội trong việc chăm lo và bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa lưu niệm danh nhân nhằm tôn vinh và phát huy giá trị di sản.

Suy cho cùng, mỗi di tích chỉ thực sự phát huy giá trị trong đời sống thực tiễn khi được bảo tồn, trân trọng và được “đánh thức” những tiềm năng vốn có của mình. Và rõ ràng, việc phát huy những giá trị vật chất và tinh thần thiêng liêng mà các bậc danh nhân đã để lại cũng là cách để bao thế hệ hậu sinh tưởng nhớ quá khứ, sống tốt cho hiện tại và góp sức xây dựng tương lai. 

Diệu Hương