.

Xuôi ngược chợ quê Lệ Thủy

Thứ Sáu, 12/02/2016, 17:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Lệ Thủy được mệnh danh là vựa lúa của tỉnh với những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và chắc có lẽ, nhiều người không biết rằng ở Lệ Thủy, hầu hết các chợ đều không được đặt theo tên địa danh mà được gọi bằng nhiều tên rất lạ, độc đáo.

Xuôi ngược những chợ quê xưa và nay

Từ mũi Viết, chúng tôi theo đò ngược dòng Kiến Giang ghé thăm chợ Trạm, thuộc làng Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy. Đây là một trong những chợ sầm uất và có lịch sử khá lâu đời của vùng “hai huyện” ngày xưa và Lệ Thủy ngày nay. Lúc đầu chợ họp theo phiên, sau chuyển sang họp hàng ngày, vào buổi chiều nên gọi là chợ hôm Trạm.

Theo truyền khẩu dân gian thì chợ Trạm có từ thời Trịnh- Nguyễn phân tranh. Vùng đất An Trạch (xã Mỹ Thủy bây giờ) lúc ấy gọi là trạm (một điểm trong hệ tuyến hành chính- quân sự thời phong kiến), tụ hợp khá đông dân binh nên chợ được hình thành theo yêu cầu đời sống và có tên gọi là chợ Trạm. Từ năm 1957 trở về sau, chợ chuyển sang họp buổi sáng để thuận tiện cho khách đường xa, chợ hôm Trạm lại được gọi trở lại tên khởi đầu là chợ Trạm. Năm 2003, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí xây dựng và di dời chợ Trạm xuống bãi bồi sát mép sông Kiến Giang, cách chợ cũ vài trăm mét, diện tích thoáng, rộng thuận lợi giao thông thủy, bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển chợ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, thu hút khách hàng...

Nhiều sản vật của làng, gia đình được bày bán tại chợ quê Lệ Thủy.
Nhiều sản vật của làng, gia đình được bày bán tại chợ quê Lệ Thủy.

Rời chợ Trạm chúng tôi lại xuôi dòng Kiến Giang ghé vào thăm chợ Tréo, một trong những ngôi chợ sầm uất, thu hút khách phương xa khi ghé thăm Lệ Thủy. Vì sao có tên chợ Tréo? Theo các bậc cao niên thì bờ hữu ngạn Kiến Giang đoạn nguồn Trạm-Hà Thanh có thế đất vòng cung không vuông vắn, đình chợ ngày xưa dựng lệch so với thuật phong thủy nên gọi chợ Tréo. Nhưng theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu dân tộc học, ngôn ngữ học thì danh từ chợ Tréo là tiếng thuần Việt, trong quá trình biến đổi và phát triển, đất này theo tiếng Việt cổ gọi “là K, Leo” trở thành “Tréo”.

Chợ Tréo có từ bao giờ? chưa có một tài liệu nào ghi lại nhưng có lẽ do ở đâu quần tụ dân cư là có chợ. Chợ Tréo họp thường ngày, đông vào buổi sáng, thu hút khách tứ xứ,  trở thành trung tâm thương mại về nông phẩm, đặc biệt là lúa gạo và lâm thổ sản của hai huyện Lệ Thủy - Khang Lộc thời xưa. Chợ Tréo bây giờ đã được xây dựng lại, quy mô, hàng hóa cực kỳ phong phú.

Chúng tôi lại tiếp tục xuôi dòng Kiến Giang ghé thăm một ngôi chợ mang cái tên rất lạ: “chợ Thùi” ở xã An Thủy. Người Lệ Thủy vẫn thường hỏi nhau: Thùi là gì, nhưng chưa có ai có cách lý giải thỏa đáng. Tuy nhiên, theo một tài liệu, thì chữ “Thùi” được lý giải là quán lợp lá. Từ đó có thể suy ra, chợ Thùi có nghĩa là  những cái quán lợp bằng lá. Điều này phù hợp với thực tế, bởi chợ Thùi tuy tồn tại khá lâu nhưng chỉ là những quán lá san sát nhau, không có đình chợ như các chợ khác trong vùng. Chợ Thùi xưa ở địa phận làng Thạch Bàn, tọa lạc trên một khuôn viên cạnh bờ sông Kiến Giang. Tuy là chợ làng nhưng có nhiều người ở các địa phương xung quanh đến mua bán, kinh doanh. Năm 1960, chợ Thùi được di dời sang Phú Thọ, cách chợ cũ khoảng 200m. Đến địa điểm mới nhưng chợ Thùi vẫn mang tên cũ và đặc sản, hàng hóa vốn có từ trước vẫn không thay đổi. Ít ai biết rằng chợ nhỏ này đã có tuổi đời trên dưới 700 năm và đang được bảo tồn cho đến ngày hôm nay.

Nơi lưu giữ sản vật quê hương

Người ta thường bảo, muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa, tập tục của một vùng đất, một làng quê nào đó thì cứ đến... chợ. Bởi vậy, không biết từ bao giờ ở Lệ Thủy đã lưu truyền vè dân gian giới thiệu những sản vật tiêu biểu của các làng quê trong huyện thông qua các chợ:

Trước đây chợ ở Lệ Thủy chỉ họp vào buổi sáng, đến trưa thì vãn. Nhưng bây giờ chợ chiều là sự lựa chọn của không ít người dân trên địa bàn. Chợ chiều dành cho thương lái, tiểu thương cũng là nơi để người dân có thể lựa chọn những mặt hàng tươi sống, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

Trâu, chè, thơm, mít: chợ Động
Tôm, cua, cá bống: chợ Chè
Cam, quýt, đậu, mè: chợ Trạm
Chim, ốc, hến, rạm: chợ Thùi
Bún, thịt heo, tràn đầy: chợ Tréo
Cá biển khắp nẻo: chợ Tuy
Thu, ngừ, mực, nuốt, chi chi: chợ Cưởi
Sắn, khoai, mật ong, thị, ổi: chợ Mỹ Đức
Ai về Lệ Thủy mặc sức tiêu tiền.

Bài vè đã thể hiện được đặc điểm của từng ngôi chợ. Đến chợ Tréo, ngoài việc mua sắm, trao đổi hàng hóa, vật dụng, khó có thể bỏ qua món bún thịt; không quên đem về cho con trẻ mấy tấm bánh tráng, bánh đúc và mua thêm vài chiếc nón lá Quy Hậu tặng người thân.  

Rồi đặc trưng của chợ Thùi là các loại thủy hải sản như: ốc, cua, cá, hến... Ẩm thực ở chợ Thùi là những món ăn dân dã được nhiều người thích dùng như: bánh đúc, bánh bèo, bánh ít, bánh bột lọc, cháo bánh canh...

Người bán, người mua chợ quê ở Lệ Thủy cứ thong dong, không tranh giành hàng hóa. Họ đi chợ buổi sáng, để trao đổi, mua bán hàng hóa, cũng là nơi để giao lưu. Đi chợ đã trở thành một nét văn hóa đẹp, không thể thiếu của người xứ Lệ...

Theo ông Nguyễn Dương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lệ Thủy thì, chợ quê Lệ Thủy có phong cách, lề lối riêng. Đây là nơi phản ánh nhịp sống của làng quê đồng thời để người dân buôn bán những sản vật của làng, gia đình mình. Tại Lệ Thủy, hoạt động giao thương, buôn bán qua hình thức họp chợ cũng trải qua bao biến động của nền kinh tế đất nước và của địa phương. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, ngoài duy trì bày bán một số mặt hàng truyền thống của địa phương, các tiểu thương còn kinh doanh buôn bán hàng trăm chủng loại hàng hóa của mọi miền đất nước. Vào những dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên đán các chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn.

Ngọc Hải