.

Dòng họ hiếu học

Thứ Năm, 11/02/2016, 11:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa, xã Hải Trạch (Bố Trạch) từ xưa đã nổi tiếng về truyền thống hiếu học với nhiều vị tiến sĩ, khoa bảng thời phong kiến. Như mạch nguồn chảy mãi, con cháu dòng họ này hiện tại vẫn tiếp nối, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông. Hiện tại, dòng họ Nguyễn Duy có 10 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.

 

Trưởng họ Nguyễn Duy Ánh giới thiệu về văn bia của năm vị đại khoa dòng họ Nguyễn Duy đang được đặt ở Văn miếu Huế.
Trưởng họ Nguyễn Duy Ánh giới thiệu về văn bia của năm vị đại khoa dòng họ Nguyễn Duy đang được đặt ở Văn miếu Huế.

“Nhất Sơn Ngũ Quế Hương”

Trong cái se lạnh của một chiều cuối đông, chúng tôi đến tìm nhà thờ họ Nguyễn Duy, tại làng Lý Hòa bởi những thông tin về một dòng họ hiện có rất nhiều tiến sĩ đang làm việc cả trong và ngoài nước. Nhưng đến đây mới biết, truyền thống hiếu học của dòng họ này đã bắt đầu từ xa xưa.

Cuốn gia phả dòng họ được xem là “bảo vật” được cụ ông Nguyễn Duy Ánh, trưởng họ nâng niu lần giở từng trang như mở ra từng giai đoạn lịch sử của dòng họ này.

Theo cụ Ánh, dòng họ Nguyễn Duy có tổ tiên từ làng Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Gần 400 năm trước, một nhánh của dòng họ này đã vượt biển vào đất Lý Hòa để lập nghiệp.

Theo sử sách chép lại, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần là người mở đầu khoa bảng đỗ đạt vinh hiển của dòng họ Nguyễn Duy ở làng Lý Hòa. Với sự thông minh xuất chúng, tài trí hơn người, ông được người đời ca tụng là bậc tôn sư vì đã đào tạo ra một thế hệ trí thức yêu nước, những bậc hiền tài của quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần có người con thứ hai là Nguyễn Duy Miễn, tư chất thông minh, đậu cử nhân năm 1878 (đời vua Tự Đức).

Noi gương cha, Nguyễn Duy Miễn ban đầu đảm nhận vị trí học quan, sau được tin tưởng giao đến chức Tế tửu Quốc Tử giám. Được một thời gian, ông cáo lão về quê chuyên dạy học cho con cháu và học trò trong vùng.

Gian thờ chính của nhà thờ họ Nguyễn Duy được bài trí khá đơn giản với một bàn thờ ở chính giữa. Nhưng cụ Ánh cứ níu chúng tôi qua bức hình lớn được đóng khung ở bên tường. “Với chúng tôi đây chính là niềm tự hào”, cụ Ánh bắt đầu câu chuyện theo cách không thể đơn giản hơn.

Cụ Ánh kể để có được tấm hình này những bậc cao niên trong dòng họ phải lặn lội vào tận Văn Miếu Huế để chụp lại và đưa về thờ. Đây là bức hình chụp năm tấm bia vinh danh do triều đình nhà Nguyễn sắc phong. Hóa ra, đây chính là năm người con của cụ Nguyễn Duy Miễn, cả năm người đều đỗ đạt khoa bảng.

Gia phả dòng họ Nguyễn Duy có ghi rõ: Người con thứ nhất của cụ Nguyễn Duy Miễn là Nguyễn Duy Thắng, sinh năm 1872, đỗ Phó bảng năm Mậu Tuất, đời vua Thành Thái thứ 10, làm quan đến chức Tả Trực kỳ chưởng ấn.

Người thứ hai là Nguyễn Duy Đồng, đậu cử nhân năm Đinh Dậu, đời vua Thành Thái thứ 9, không tham gia thi hội, ở nhà phụng dưỡng bố mẹ nhưng về trình độ văn chương, học vấn không kém Tiến sĩ, Hoàng giáp.

Nguyễn Hồ Tây trong ngày tốt nghiệp học. Em là thế hệ tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Duy.
Nguyễn Hồ Tây trong ngày tốt nghiệp học. Em là thế hệ tiếp nối truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Duy.

Người thứ ba là Nguyễn Duy Tích, sinh năm 1879, đỗ Tiến sĩ năm Tân Sửu, đời vua Thành Thái thứ 13. Ông làm quan đến chức Tham tri Bộ Binh, mất năm 40 tuổi và được truy tặng hàm Thượng Thư.

Người thứ tư là Nguyễn Duy Phiên, sinh năm 1885, đỗ Hoàng giáp năm Đinh Mùi, đời vua Duy Tân thứ 1, làm quan tới hàm Thị Lang và người thứ năm là Nguyễn Duy Thiệu, sinh năm 1886, đỗ Phó bảng năm Canh Tuất, đời vua Duy Tân thứ 4, làm quan đến hàm Thị Lang.

“Năm người con cùng một nhà đều đỗ khoa bảng. Đây là thành tích học tập hiếm thấy vào thời điểm cuối thế kỷ 19 ở Quảng Bình. Gia phả của dòng  họ còn ghi vua Duy Tân đã từng có lời khen dành cho gia đình này là “Nhất sơn ngũ quế hương” (một ngọn núi có năm gốc quế thơm). Đó cũng chính là niềm tự hào làm tiền đề cho con cháu đời sau của dòng họ tiếp tục phấn đấu”, cụ Ánh chia sẻ.

Viết tiếp những bảng vàng...

Truyền thống hiếu học của dòng họ Nguyễn Duy ở Lý Hòa như suối nguồn chảy mãi. Mỗi thế hệ sau lại nối tiếp thế hệ trước ghi tên mình lên bảng vàng truyền thống như một ngọn lửa không bao giờ tắt. Đang dở câu chuyện thì cụ Ánh có điện thoại. Đó là cháu của cụ từ TP. Hồ Chí Minh gọi về. Cháu cụ tên Nguyễn Hồ Tây được xem là người kế thừa truyền thống hiếu học của dòng họ này hiện tại. Từ nhỏ Tây đã là một cậu bé chăm ngoan học giỏi.

Lớn lên, Tây trở thành niềm tự hào của gia đình bởi thành tích học tập đáng nể, năm học cấp hai em đạt giải nhì cấp tỉnh môn giải Toán trên máy tính và đạt giải nhất cấp tỉnh môn Toán năm lớp 11. Tây vào học Trường đại học FPT Đà Nẵng với chuyên ngành công nghệ thông tin.

Vừa ra trường, Tây đã được nhận vào làm việc tại EastAgile, một công ty phần mềm của Mỹ với công việc lập trình viên. Em trai của Tây là Nguyễn Hồ Phương, hiện đang học lớp 10 tại Trường THPT số 1 Bố Trạch cũng là niềm tự hào của gia đình, bạn bè và thầy cô.

Trao thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập tại nhà thờ họ Nguyễn Duy.
Trao thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập tại nhà thờ họ Nguyễn Duy.

Từ nhỏ Phương luôn là học sinh giỏi của trường. Càng lớn em càng thể hiện được năng khiếu của mình khi học ngoại ngữ rất rốt. Không chỉ dẫn đầu toàn trường về thành tích môn Tiếng Anh mà nhiều năm liền Phương luôn đạt giải cao trong các cuộc thi của huyện, tỉnh.

Tuy nhiên, theo cụ Ánh, Tây vẫn chưa phải là người học hành đỗ đạt cao nhất trong dòng họ này của thời điểm hiện tại. Đỉnh cao của dòng họ Nguyễn Duy thế hệ hiện đại có đến 10 tiến sĩ, hàng chục thạc sĩ và hàng trăm cử nhân đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước. Không chỉ cống hiến tài năng cho đất nước mà rất nhiều con cháu của dòng họ đã khẳng định được bản thân và làm rạng danh tên tuổi ở nước ngoài.

Tiêu biểu như Tiến sĩ Kiến trúc Nguyễn Duy Tân, đang làm việc tại Mỹ; Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Duy Trân, đang sống và làm việc tại Pháp; Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Duy Hà, Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Duy Đương (cùng đang làm việc ở Mỹ); Tiến sĩ Y khoa Nguyễn Duy Chi (đang làm việc tại Pháp); Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Duy Tuấn (làm việc tại Mỹ); Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Thị Lan (đang làm việc tại Na Uy)...

“Điều đáng mừng nhất là những người con này của dòng họ Nguyễn Duy vẫn không quên nguồn cội. Một vài năm đều về quê thắp hương cho tổ tiên. Như Tiến sĩ Trân thi thoảng được các trường đại học trong nước mời về giảng dạy cũng đều tranh thủ thời gian về thăm nhà thờ họ ở Lý Hòa. Đó cũng là cách để con cháu đời sau trong họ nhìn vào mà học tập”, cụ Ánh tâm tình.

Rời mảnh đất hiếu học Lý Hòa trong không khí rộn rã, tưng bừng, nhà nhà náo nức chuẩn bị để đón xuân mới, chúng tôi tin rằng, truyền thống “khoa bảng” còn tiếp tục chắp thêm đôi cánh cho những người con dòng họ Nguyễn Duy ngày càng bay cao, bay xa hơn nữa, đóng góp công sức và trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Lan Chi