.

Đình làng Vịnh Sơn

Thứ Ba, 23/02/2016, 09:27 [GMT+7]

(QBĐT) - Nằm dưới chân núi Hoành Sơn, đình làng Vịnh Sơn là một công trình văn hóa tâm linh của người dân xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, người dân nơi đây vẫn coi đình Vịnh Sơn như một báu vật để giáo dục cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa của một vùng đất lịch sử...

Được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX, đình Vịnh Sơn tọa lạc trên một khu đất cao ráo, địa thế sơn thủy hữu tình, tiền đường hướng Tây, nơi có cái giếng Chăm cổ, quanh năm nước đầy và trông ra xa thẳng lên đỉnh núi cao của dãy Hoành Sơn, trên đó có một giếng nước trong như ngọc. Vì vậy, địa thế để xây đình có thế “Tụ linh”, “Tụ thủy”, rất hợp với thuyết phong thủy của người xưa. Đình gồm có tam quan, bình phong, sân đình, tòa đại đình và hậu cung.

Đình Vịnh Sơn.
Đình Vịnh Sơn.

Theo các cụ cao niên ở làng Vịnh Sơn kể lại, đình Vịnh Sơn xưa là trung tâm văn hóa của cả vùng. Nhìn từ xa, những trụ tam quan cao vút, vươn khỏi lũy tre làng, đến gần càng thấy uy nghi. Tam quan có 4 cột hình vuông, thân các cột đều đắp nổi rồng tung bờm ẩn hiện trong mây, trên đỉnh các trụ có bốn con lân ốp sứ màu lam, tượng trưng cho trí tuệ trong sáng, đồng thời kiểm soát người hành hương đến ngưỡng vọng thần linh.

Bình phong đình Vịnh Sơn cũng được cuốn thư và kỳ lân với đường nét rất tinh xảo... Hai bên tả hữu của sân đình đặt 2 cặp tượng “voi phục” và “ngựa chầu”. Kết cấu kiến trúc đình Vịnh Sơn được làm bằng gỗ gõ chịu lực, gồm 3 gian. Gian giữa là trung đình, dùng làm nơi tế tự và là nơi bằng an cho các vị chức sắc trong làng và cũng là nơi thực hiện các nghi thức lễ hội.

Nhìn chung, kiến trúc đình làng Vịnh Sơn đã tiếp thu một số yếu tố kiến trúc và nghệ thuật Phật giáo với những nét chạm trổ công phu và đầy sức hấp dẫn. Những hình ảnh chạm nổi trên các cấu kiện của đình Vịnh Sơn đề cập đến các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), chim muông, hoa lá, mây, lửa, sóng nước, hình mặt trời, nhiều hoa văn họa tiết phong phú mang các nét sinh hoạt của đời sống dân gian. Các bao lam, cửa võng ở cửa chính điện  đều chạm lộng rất tinh xảo.

Chính điện trang trí nhiều hoành phi, câu đối và chạm nổi nhiều phù điêu. Các hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng. Đồ thờ trong đình, ngoài các bộ tam sự, ngũ sự, còn có bộ bát kích (long đao, mác trượng, chùy, kiếm, câu liêm, đinh ba, tay thước, nắm tay), lọng che và nhiều đồ thờ khác.

Đình làng Vịnh Sơn được tạo dựng theo kiểu kiến trúc dân gian truyền thống, đó là mô thức nhà rường với kết cấu một bộ khung gỗ chịu lực, được liên kết bởi các thành phần cấu kiện với nhau; họa tiết trang trí theo mô thức chạm trổ trên gỗ và ghép mảnh sành sứ ở mái đình, cổng trụ, bình phong. Đây là phong cách trang trí đình phổ biến vào thời Nguyễn, đề tài trang trí xoay quanh triết lý nhân sinh quan, vũ trụ quan theo quan điểm Nho giáo, đồng thời gửi gắm ước muốn cầu cho vật thịnh, dân an, ấm no hạnh phúc cho người dân nơi đây.

Đình làng Vịnh Sơn không chỉ là công trình văn hóa tâm linh mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của xã Quảng Đông. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, khi điều kiện về cơ sở hạ tầng còn khó khăn, đình Vịnh Sơn trở thành trường học cho các em học sinh. Sau Cách mạng Tháng Tám, khi thực dân Pháp mở cuộc càn vào thôn Thọ Sơn (một ngôi làng nằm sát Vịnh Sơn), sân đình Vịnh Sơn trở thành địa điểm để dân quân du kích ngày đêm luyện tập võ nghệ, động viên toàn dân lao động sản xuất và chiến đấu.

Kết cấu bên trong đình.
Kết cấu bên trong đình.

Đặc biệt, đình Vịnh Sơn cũng là nơi tiến hành các Đại hội Đảng bộ xã Quảng Đông lần thứ VI, VII, VIII, IX, XII và Đại hội Chi bộ Đảng thôn Vịnh Sơn... Trong chiến dịch Đường Hồ Chí Minh trên biển năm 1972, đình chính là nơi tập kết gạo từ tàu Hồng Kỳ, để từ đây gạo được chuyển tải vào phục vụ chiến trường miền Nam. Tuy nhiên, trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đình Vịnh Sơn đã hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, nay chỉ còn lại nét kiến trúc điêu khắc tinh xảo, tài hoa thể hiện ở phần gỗ của đình.

Ông Võ Viết Vầy, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Đông cho biết, đình làng Vịnh Sơn là một công trình có giá trị văn hóa, giá trị kiến trúc, mỹ thuật được kết tinh từ những bàn tay tài hoa của người Vịnh Sơn xưa. Đình được xây dựng dưới chân núi Hoành Sơn hội tụ nhiều linh khí, thế đất vượng. Đình là nơi thờ 12 vị thần Thành hoàng làng được sắc phong dưới thời vua Nguyễn.

Cùng với các công trình như Đền thờ Công chúa Liễu Hạnh, chùa Thọ Sơn, chùa Vịnh Sơn, đền Thánh, miếu Việc Làng, miếu Cửa Ông, miếu Tạ Phủ... đã trở thành một hệ thống thờ thần linh rất đa dạng, mang đậm màu sắc tín ngưỡng thờ đa thần của cư dân làng Vịnh Sơn. Nguyện vọng của bà con nhân dân và chính quyền địa phương xã Quảng Đông mong muốn trùng tu lại đình làng Vịnh Sơn để giữ lại nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó để nhắc nhở, giáo dục cho thế hệ trẻ về bản sắc văn hóa của một vùng đất lịch sử.

X.Phú