.

Đất học La Hà

Thứ Năm, 11/02/2016, 10:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Là doi đất nổi lên giữa 2 nguồn của sông Gianh, làng La Hà (nay là xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) được ví như nét chấm phá đặc biệt của thiên nhiên, là "địa linh" sinh ra các "nhân kiệt" để nơi đây trở thành làng văn vật nức tiếng. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng niềm tự hào về một vùng đất học vẫn luôn ăn sâu vào tâm khảm các thế hệ người dân La Hà, là nguồn sinh lực để họ tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống hiếu học. 

Đình làng La Hà, một trong những công trình có kiến trúc nghệ thuật tinh xảo bậc nhất của tỉnh Quảng Bình
Đình làng La Hà, một trong những công trình có kiến trúc nghệ thuật tinh xảo bậc nhất của tỉnh Quảng Bình.

Trong hệ thống các cồn bãi giữa sông Gianh thì làng La Hà lớn nhất và có dân cư sinh sống sầm uất. Từ thế kỷ XVIII, làng La Hà đã có 6 xóm gồm: Đình, Voi, Tây, Bắc, Đông và Trung. Địa giới của xóm phụ thuộc vào dòng chảy của 2 con hói: Mã Phượng và Ao Bù. Hai con hói này được ví như 2 con rồng giao nhau tại giếng Ngọt và chảy xuống cửa mương.

Theo lời kể của các cụ cao niên trong xã Quảng Văn, xưa có ông thầy người Tàu đi qua La Hà, khi xem thế đất đã thốt lên rằng: "Tam bút nghiên châu" (nghĩa là 3 cây bút chụm vào nghiên mực). Thì ra, phía Tây làng La Hà có 3 cồn đất nối giữa sông, đó là: cồn Bông, cồn Giáp Tam và doi Phú Trịch như 3 cây bút đang chụm vào "nghiên mực" La Hà. Vị trí và cảnh quan địa lý của La Hà được ví như nét chấm phá đặc biệt của thiên nhiên, là "địa linh" sinh ra các "nhân kiệt" và trở thành 1 trong 8 làng nổi tiếng về truyền thống khoa cử. 

Lật lại những trang sử ghi chép về La Hà, chúng tôi cảm nhận rằng, truyền thống hiếu học đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người dân nơi đây. Việc dùi mài kinh sử đã trở thành bắt buộc đối với các nam giới trong làng. Vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 17, mặc dù trong làng La Hà không có trường, lớp học nhưng một số gia đình đã tự thuê thầy ở nơi khác về dạy, hoặc cho con em mình đi học ở địa phương khác. Nhờ vậy, lúc này con em La Hà đã có một số người dự thi hương và đậu tú tài, cử nhân.

Đến cuối thế kỷ 18 và hết thế kỷ 19, việc học hành và thi cử của con em La Hà phát triển rực rỡ. Dẫu trong điều kiện học hành rất khó khăn, nhưng con em ở làng La Hà vẫn luôn tìm mọi cách để học như: tự học, học ở bạn, học từ thầy đồ... Mỗi khi phát hiện có cháu nào học giỏi, có triển vọng, các trưởng họ hoặc trưởng tộc đều biểu dương và khen thưởng kịp thời. Việc học tập, thi cử và chế độ khen thưởng đã được quy định thành các điều khoản trong hương ước của làng.

Trong các kỳ thi của triều Nguyễn, huyện Quảng Trạch có 15 vị đại khoa, riêng La Hà có 6 vị, chiếm nhiều nhất huyện. Tại các kỳ thi Hương (từ năm 1813 đến 1918), huyện Quảng Trạch có 113 vị đỗ cử nhân, trong đó La Hà có 32 vị, cũng chiếm số lượng nhiều nhất so với các địa phương khác. Việc đỗ đạt trong thi cử của con em La Hà không những làm rạng danh cho người dân trong làng mà còn khiến người đời thán phục bởi tinh thần vượt qua nghèo khó để học tập.

Con cháu họ Trần trong làng nay vẫn lưu truyền và động viên nhau phát huy đức tính hiếu học của cha ông là các bậc cử nhân như: Trần Khắc Mẫn, Trần Khắc Thận, Trần Khắc Khoan. Anh em họ Trần nhà quá nghèo không có tiền mua giấy, dầu mà chỉ đứng nghe trộm thầy giáo giảng bài và tìm cách nhớ, hoặc lấy mo nang tre làm giấy viết. Đêm thì bắt đom đóm bỏ vào bong bóng lớn để thay đèn ngồi học. Nghèo khó đến vậy, nhưng họ Trần vẫn có người đỗ cử nhân và được bổ làm tri huyện.

Tiếp tục hành trình tìm hiểu về truyền thống hiếu học của làng La Hà, chúng tôi được người dân xã Quảng Văn giới thiệu về một gia đình trong dòng họ Tạ. Theo gia phả của gia đình này, ông Tạ Kim Thành sinh được 6 người con trai và cả 6 người con này đều đỗ đạt; trong đó có 1 phó bảng, 2 cử nhân và 3 tú tài. Trong truyền thống giáo dục và khoa cử của La Hà, họ Tạ có nhiều người đỗ đạt nhất. Chỉ tính riêng trong triều Nguyễn đã có 1 tiến sỹ, 1 phó bảng, 5 cử nhân và hàng chục người đỗ tú tài.

Ngoài ra còn có các trường hợp hy hữu như trong 1 gia đình có 2 bác cháu đỗ đại khoa và đều làm quan, 2 thầy trò đỗ tiến sỹ cùng 1 khoa và đều làm quan. "Tôn sư trọng đạo" đã trở thành truyền thống quý báu, ăn sâu vào tâm trí người dân La Hà với nhiều câu chuyện cảm động lưu truyền mãi trong dân gian như: chuyện "Lạy bụi hóp" kể về ông tiến sỹ Tạ Hàm, chuyện "Xin kiệu mình được đi sau" kể về 2 thầy trò Phạm Nhật Tân và Trần Văn Hệ...

Phát thưởng cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.
Phát thưởng cho các học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập.

Những tấm gương về đạo lý thầy trò, về tinh thần vượt khó học thành tài đã trở thành niềm tự hào của dân làng trong việc giáo dục các thế hệ con cháu kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Kiều, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Văn cho biết: Thời gian qua, phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể và nhân dân xã Quảng Văn đã chung tay thực hiện và đẩy mạnh các phong trào khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Nhờ vậy, công tác giáo dục-đào tạo trên địa bàn xã ngày càng khởi sắc, chất lượng và hiệu quả giáo dục ở cả 3 cấp học được nâng lên. Giai đoạn 2010-2015, toàn xã có 70 học sinh đậu vào các trường đại học chính quy, 4 học sinh đạt giải tại các kỳ thi cấp quốc gia (trong đó có 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích), 20 học sinh đạt giải tại các kỳ thi cấp tỉnh (trong đó có 4 giải nhì, 6 giải 3 và 10 giải khuyến khích).

Trên địa bàn xã hiện có 14 chi hội và hội liên gia khuyến học, thu hút 736 hội viên. Riêng trong năm 2015, Hội Khuyến học xã đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức 2 đợt phát thưởng cho học sinh đạt giải tại các kỳ thi với tổng số tiền trên 5 triệu đồng, xét duyệt và trao 20 suất học bổng "Vì em hiếu học" với tổng số tiền 20 triệu đồng.

Với thành tựu khoa cử có 5 vị tiến sỹ, hàng loạt phó bảng xuất thân, hàng trăm tú tài và cử nhân, những thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục-đào tạo, phong trào khuyến học và khuyến tài thời gian qua, nói La Hà hay xã Quảng Văn ngày nay là nơi "địa linh" sinh "nhân kiệt" quả không ngoa. Và có lẽ, chính yếu tố địa lý có 5 nhánh sông tụ về tạo ra thế "ngũ long tranh châu" đã làm nên điều diệu kỳ, đưa La Hà trở thành thôn đứng đầu khoa bảng của tỉnh Quảng Bình trong triều Nguyễn.

"Bao giờ hết cát Mỹ Hoà, sông Gianh hết nước, La Hà mới hết quan". Lời truyền đó luôn là niềm tự hào, là nguồn sinh lực để mỗi một người dân nơi đây vươn tới khát vọng viết tiếp truyền thống bảng vàng khoa cử trên đất học La Hà trong mùa xuân mới này.

Hiền Chi