.

Đình Kim Bảng nơi diễn ra Đại hội lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Quảng Bình

Thứ Hai, 25/01/2016, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1949, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang vào giai đoạn quyết liệt thì một sự kiện lịch sử đã được diễn ra tại Minh Hóa và đây cũng chính là bước ngoặt quan trọng của phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Đó là Đại hội lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã được tổ chức tại đình Kim Bảng thuộc xã Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa (nay là xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa).

Đại hội đại biểu lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Quảng Bình diễn ra tại đình Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Tuyên Hóa (cũ), từ ngày 16 đến ngày 19-5-1949 .

Đình Kim Bảng là ngôi đình không rộng lắm nhưng nằm ở vị trí thuận lợi giữa một vùng đất khá rộng và bằng phẳng. Từ Kim Bảng, theo các con đường bí mật xuyên rừng có thể tỏa về các ngả, vì vậy, các đại biểu có thể đến dự đại hội mà vẫn được bảo đảm bí mật, an toàn. Cạnh đình Kim Bảng còn có các hang lèn như hang Quýt, hang Diêm rộng và sâu, có thể tổ chức cho vài trăm người hội họp phòng khi bất trắc.

Với điều kiện đó, Huyện ủy Tuyên Hóa đã bố trí lấy lèn đá phía ngoài hang Diêm làm nơi đặt vọng gác bảo vệ vòng ngoài, đồng thời bố trí lực lượng dân quân du kích canh gác suốt ngày đêm trong thời gian diễn ra đại hội. Còn hang Quýt được chọn làm nơi trú ẩn hoặc có thể làm nơi tổ chức đại hội khi có sự cố xảy ra. Địa đã lợi, lòng dân lại rất hòa. Đồng bào Minh Hóa luôn hết lòng ủng hộ cách mạng, nhiệt tình tham gia kháng chiến.

Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, 4 ngôi nhà dã chiến bằng gỗ, tranh, tre, nứa,...đã được dựng lên quanh đình Kim Bảng để phục vụ cho đại hội. Đồng bào Minh Hóa không chỉ góp công mà còn dốc hết của từ trâu bò, lợn, gà đến ngô, sắn, rau quả...ủng hộ cho đại hội. Hàng chục cán bộ, du kích và nhân dân được cử đến phục vụ đại hội trong suốt 12 ngày (đại hội diễn ra trong 9 ngày và 3 ngày cho công tác chuẩn bị).

Ảnh 8 : Đình Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa)
Đình Kim Bảng (xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa).

Quanh khu vực đình Kim Bảng, 8 vọng gác được đặt trên điểm cao và cắt cử người canh giữ nghiêm ngặt. Nhờ đó, đại hội đã được bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối, thậm chí đến 7 ngày sau khi đại hội bế mạc thì thực dân Pháp mới biết được, chúng điên cuồng cho máy bay đến thả bom, đốt cháy đình.

Đại hội lần thứ hai Đảng bộ tỉnh Quảng Bình có 90 đại biểu thay mặt cho gần 5 ngìn đảng viên trong toàn tỉnh đã về dự đại hội. Chủ trương của đại hội là thực hiện “Hạ sơn, dời chuyển chiến khu về đồng bằng, bám dân, bám đất để kháng chiến”. Khẩu hiệu được đưa ra trong đại hội lần này là: “miền Nam mạnh là Quảng Bình mạnh” (miền Nam ở đây chỉ hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy).

Tại đại hội, một phong trào kháng chiến được phát động mạnh mẽ, đó là phong trào “Quảng Bình quật khởi”. Đại hội cũng quyết định chuyển cơ quan lãnh đạo của tỉnh vào hai huyện phía Nam để trực tiếp lãnh đạo phong trào. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ gồm 20 đồng chí, đồng chí Võ Thúc Đồng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy.

Từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ hai, phong trào cách mạng ở Quảng Bình đã có bước chuyển mạnh mẽ. Tỉnh ủy đã mở hội nghị bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết và chủ trương phát động tuần lễ: “Tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, đồng thời lấy ngày 15-7-1949 làm ngày phát động chung của toàn tỉnh. Phong trào “Hạ sơn, về đồng bằng” được phát động và nhanh chóng phát triển rộng rãi. Cán bộ hăng hái tiến về đồng bằng gây dựng cơ sở trong vùng địch hậu. Lực lượng già yếu ở lại chiến khu vừa làm hậu cứ, vừa tăng gia sản xuất để kịp thời chi viện cho tiền tuyến.

Từ sau Đại hội II Đảng bộ tỉnh Quảng Bình, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã quán triệt sâu sắc tinh thần nghị quyết của Đại hội, đưa phong trào kháng chiến của tỉnh nhà tiến lên mạnh mẽ. Chỉ trong một tuần lễ (từ ngày 15-7- 22-7-1949), quân và dân trong tỉnh đã đồng loạt nổi dậy tấn công đồn địch, tiêu diệt địch khắp nơi, quần chúng phấn khởi trở về quê hương làm ăn, vùng tự do được mở rộng. Đặc biệt, phong trào kháng chiến ở các huyện phía Nam được phát triển, tiến kịp với phong trào chung.

Với quyết định hết sức sáng suốt, nhạy bén, kịp thời tại Đại hội, Tỉnh ủy đã xoay chuyển tình thế cách mạng của tỉnh từ chỗ bị động, lúng túng chuyển sang thế “Lội ngược dòng”: chủ động, phản công vây hãm địch, đẩy địch vào thế bị động và cuối cùng bị tấn công, tiêu diệt. Chính vì lẽ đó, Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh Quảng Bình được coi là “bước ngoặt” có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Bình, góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến mau đến ngày thắng lợi.

67 năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã trải qua 16 kỳ Đại hội, mỗi Đại hội là một dấu mốc về sự phát triển đi lên của tỉnh nhà. Tuy nhiên, Đại hội lần thứ hai tại đình Kim Bảng, huyện Minh Hóa là Đại hội ghi đậm dấu ấn về những tháng ngày cam go gian khổ và cả hy sinh của nhân dân Quảng Bình quyết tâm đứng lên đánh giặc giữ nước.

Từ trong gian khó, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã táo bạo, sáng suốt, kịp thời đưa ra những kế sách và đã xoay chuyển được tình thế, đưa cuộc kháng chiến rẽ sang bước ngoặt mới và cuối cùng tiến lên giành thắng lợi. Đình Kim Bảng- nơi diễn ra Đại hội lần thứ hai của Đảng bộ tỉnh Quảng Bình - ngày nay đã trở thành di tích lịch sử cách mạng, trở thành niềm tự hào của nhân dân Minh Hóa và nhân dân Quảng Bình.

Hải Yến