.
Quê hương-Đất nước-Con người:

Di tích lịch sử cách mạng chùa Ngọa Cương

Thứ Sáu, 27/11/2015, 14:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Tọa lạc trên một ngọn đồi khá cao phía Tây của xã Cảnh Hóa (Quảng Trạch), cách đường Quốc lộ 12A chỉ khoảng vài trăm mét, chùa Ngọa Cương còn được gọi là Ngọa Linh tự. Được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, lúc đầu chỉ bằng tranh tre nứa lá đơn sơ.

Đến năm 1860, chùa được nhân dân trong vùng góp công, góp của xây lại bằng gạch chắc chắn, vững chãi. Chùa là nơi để người dân trong vùng gửi gắm tâm linh, khát vọng về một cuộc sống no ấm, bình yên, tươi đẹp.

So với các ngôi chùa khác trong vùng thì chùa Ngọa Cương tuy không lớn nhưng kiên cố với những bức tường được ghép rất dày, có chỗ hơn 1m. Mái chùa hình vòm, bên trong được khắc vẽ nhiều họa tiết độc đáo. Cổng chùa có 2 phần: cổng và lầu. Mái cổng uốn cong, xung quanh cổng và lầu được đắp nổi hình rồng, phụng vờn mây... Khuôn viên chùa khá rộng, có hàng rào bao quanh nhưng hiện nay nhiều đoạn đã bị gãy đổ.

Chùa Ngọa Cương được xây kiên cố là vậy nhưng do thời gian, thiên nhiên và chiến tranh tàn phá nên hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng, nếu không được đầu tư tôn tạo kịp thời thì chắc chắn chỉ một thời gian không lâu nữa, chùa sẽ bị sập hoàn hoàn.

Chùa Ngọa Cương là di tích lịch sử cách mạng khá tiêu biểu. Chùa gắn bó với hoạt động của Chi bộ Đảng Thanh Thủy- Ngọa Cương trong suốt thời gian dài. Từ ngôi chùa này, các đồng chí cán bộ đầu tiên trong vùng như Cao Văn Toàn, Nguyễn Văn Huyên, Lê An, Trần Diên... đã bí mật nhen nhóm phong trào cách mạng, từ đó phát triển lan rộng và lớn mạnh dần, hòa chung làn sóng cách mạng ở Quảng Bình, góp phần làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu năm 1945.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là địa bàn quan trọng nằm trên lòng máng sông Gianh lại có đường 12A đi qua nên Cảnh Hóa trở thành  một trong những mục tiêu bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Hơn nữa, địa bàn xã có nhiều nơi giấu hàng, giấu xe, giấu phà an toàn, bí mật.

Chính vì vậy, khi đánh hơi được địa điểm này, đế quốc Mỹ đã liên tục cho máy bay đến oanh tạc, cày xới suốt ngày đêm. Đảng bộ và nhân dân xã Cảnh Hóa quyết tâm bám làng vừa sản xuất vừa chiến đấu. Các lực lượng dân quân, du kích của xã đã chủ động xây dựng trận địa, phối hợp với trận địa các xã lân cận như Tiến Hóa, Châu Hóa, Mai Hóa... bắn rơi 2 máy bay F4H của giặc Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác.

Với những sự kiện lịch sử tiêu biểu trên, năm 2003, chùa Ngọa Cương đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền để nhân dân hiểu thêm về di tích đồng thời kêu gọi mọi người cùng nhau bảo vệ vốn di sản quý báu của quê hương.

Đặc biệt gần đây, với tinh thần xã hội hóa trong toàn dân, phát huy tinh truyền thống cách mạng và truyền thống văn hóa của quê hương, chính quyền xã Cảnh Hóa đã quyết tâm giải phóng mặt bằng, thi công đoạn đường nối từ đường 12A vào di tích. Sau một thời gian khởi công và xây dựng, đoạn đường đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Từ ngoài đường 12A nhìn vào, lối lên chùa nổi bật với hai bên là hai con rồng lớn được xây bằng xi măng phủ sơn vàng. Các bậc tam cấp dẫn lên chùa được lát gạch vừa đẹp, vừa dễ đi. Hai bên cổng chùa cũng được trồng nhiều loại cây như sứ, bồ quân... Con đường này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách đến viếng chùa.

Từ con đường, hy vọng một ngày không xa nữa, chùa Ngọa Cương sẽ được đầu tư chống xuống cấp đối với các hạng mục tiếp theo, để di tích lịch sử cách mạng chùa Ngọa Cương không chỉ được bảo vệ, phát huy giá trị, để người dân gần, xa có nơi gửi gắm tinh thần, ước vọng mà đó còn là việc làm thiết thực của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng nên vốn di sản cho muôn đời sau.

Hải Yến