.
Quê hương-Đất nước-Con người:

Cổng Trời huyền thoại

Thứ Sáu, 20/11/2015, 13:04 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở phía tây bắc Quảng Bình, giáp với Hà Tĩnh và Lào là dãy núi non hùng vỹ, trong đó có dãy Giăng Màn kéo dài sang tận Lào, còn gọi là dãy Phu Ác thuộc sơn hệ Trường Sơn với những ngọn núi cao, trong đó có đỉnh Phu Copi cao 2.017 mét, là “trấn sơn” (tức núi chủ) của vùng và cũng là của tỉnh.

Dãy Giăng Màn chiếm phần lớn lãnh thổ của huyện Minh Hóa, Bố Trạch, cấu thành bởi các trầm tích lục nguyên: diệp thạch, sa thạch và một ít đá granit (hoa cương) ở phần tây bắc còn ở phần đông nam là đá vôi, đá đolomit. Đường sống núi của dãy Giăng Màn sắc nhọn, sườn dốc 30-45 độ, cheo leo, hiểm trở, cây rừng to cao, rậm rạp. Dọc theo đường sống núi ở phía tây là biên giới Việt-Lào, đi lại khó khăn, chỉ có một cửa ngõ độc nhất là một khúc đèo yên ngựa mang tên “Mụ Giạ”.

Ảnh: P.V
Cổng trời. Ảnh: P.V

Hệ núi Giăng Màn điệp trùng, hiểm trở, nhấp nhô, sông suối chằng chịt, có cả những con sông ngầm dài hàng chục cây số ở trong núi đá vôi, chứa đựng một hệ thống núi đá vôi rộng lớn với hàng trăm hang động đẹp và lớn, đa dạng sinh học rất cao, đó là Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng-Di sản thiên nhiên thế giới.

Chân núi dãy Giăng Màn ở phía đông có con đường Quốc lộ 15A, nay là đường Hồ Chí Minh. Ở ngã ba Khe Ve là đường 12A đi Lào, con đường này theo hướng tây nam, chạy dọc theo một nhánh suối lớn đổ ra sông Rào Nậy, thượng nguồn sông Gianh. Do đi trong địa hình hiểm trở nên đường 12A cũng cong queo uốn khúc. Đặc biệt ở cây số 29 có một con đèo quanh co nhiều khúc như cái ruột gà, dài đến hơn 6 cây số, gọi là “đèo Lò Xo”.

Thời trước năm 1945, người Pháp đã thiết kế ở đây một đường cáp treo cho khách đi qua Ba Na Phào nước Lào, gọi là “không trung thiết lộ” (đường sắt trên không). Đến cây số 45 là đèo Mụ Giạ, biên giới Việt-Lào, lùi về cây số 34,500, sẽ gặp một kỳ quan thiên nhiên mang đậm một huyền thoại về một mối tình chung thủy. Đến đây, chúng ta sẽ có cảm giác như lên đến tận trời xanh vậy, đó là “Cổng Trời” với một cửa vòm đủ cho một xe tải cỡ lớn lọt qua.

Cổng Trời là hai khối đá lớn chụm đầu vào nhau như một đôi tình nhân ôm nhau chụm lại thành cái cửa vòm lớn vậy. Cổng Trời, bên phía trái là vách núi đá vôi sừng sững, cheo leo, bên phải là vực thẳm hun hút đến rợn cả người.

Truyền thuyết về kỳ quan này được các già làng ở đây kể rằng: “Ngày xưa, đây là vùng đất bằng phẳng, làng bản sầm uất. Sông Rào Cái chảy qua thung lũng chia thành năm nhánh như con rồng uốn lượn, đưa nước lên tưới cho dải đất phì nhiêu này quanh năm ngô lúa tốt tươi. Dạo đó, gặp năm trời đất tốt lành, Chúa đất Khăm Ta tổ chức lễ cưới Đăm Khơi (tức là lễ cưới rể). Nàng I Leng nắn búi tóc, sửa lại “xa giêng” (váy áo) có nhiều tua nạm bạc lấp lánh, dạo ra bờ sông đón người chồng yêu quý của mình.

Bên kia bờ, họ nhà trai, người ôm ché rượu, người đội mâm xôi, kèn trống nổi lên inh ỏi chuẩn bị xuống bè qua sông. Chàng rể Thông Ma trong chiếc khố đỏ như hoa chuối rừng, ngẩng đầu nhìn nàng I Leng đang đứng đợi. Bỗng nhiên, chiếc bè Thông Ma đang đứng bị trùng triềng, Thông Ma lỡ đà bị ngã chúi xuống. Bên kia bờ sông, nàng I Leng trông thấy, hoảng hốt nhào ra. Thấy vậy, Thông Ma cũng lao ngay xuống nước cứu người yêu của mình. Nhưng nàng đã mất hút. Lặn lội suốt ba ngày, Thông Ma không gặp được I Leng, thẫn thờ như người mất hồn.

Người làng Pa Loóc khuyên chàng: “Rào Cái có con thuồng luồng to lắm, nó ở trên núi Xi Pay, con trâu, con bò nó còn nuốt được nữa là con người! Thôi, vợ mày đã bị nó ăn thịt rồi...”

Thông Ma phần thì thương vợ, phần tự trách mình, quyết chí diệt cho được con thuồng luồng độc ác đó. Hình như con vật nọ từ khi bắt được nàng I Leng rồi thì không dám xuất hiện nữa, trốn hẵn trong hang sâu.

Tìm mãi không thấy dấu vết con vật, Thông Ma quyết định lấp cửa hang con vật đang trốn ẩn. Chàng vào rừng chọn một cây gỗ thật to, đẵn làm đòn gánh, lại đi qua một quả núi đá chọn hai hòn đá thật lớn, dự trù có thể bít cửa hang làm cho thuồng luồng bị chết ngạt. Chàng cố vận dụng hết sức mạnh trời cho, gánh hai hòn đá từ đỉnh núi cao cheo leo về đến đây thì đòn gánh gãy đôi, hai hòn đá rơi xuống, nặng quá, cụng phải nhau rồi dính đầu mãi mãi không rời ra nữa, trở thành cái cửa vòm lớn mà về sau, người làng Tà Rắp đặt tên cho nó là “Cổng Trời”.

Chàng Thông Ma thất vọng và cũng đã kiệt sức, ôm mối hận trong lòng, buồn rầu rồi chết. Cái tên Cổng Trời là sự thể hiện lòng kính mến chàng thanh niên khỏe mạnh như Trời, có lòng chung thủy như Đất, cái tên nghe thật thiêng liêng. Ở địa thế cao gần 1.000 mét so với mặt biển, cái cổng này thật giống như cái cửa đi lên trời vậy. Cảnh sắc ở đây có sự hùng vỹ của chốn “sơn cùng thủy tận” đồng thời cũng có những nét mềm mại, nên thơ như chốn thần tiên có thể ví với cảnh sắc của động Tam Thanh, Nhị Thanh ở Lạng Sơn vậy.

Cổng Trời còn nổi tiếng là di tích lịch sử thời chống Pháp, chống Mỹ. Những năm chiến tranh, giặc Mỹ đã dội xuống đây hàng nghìn tấn bom đạn để ngăn chặn các đoàn xe vận tải vào Nam, nhưng Cổng Trời vẫn thi gan cùng kẻ địch, vẫn sừng sững hiên ngang, nghiêng lưng che chở từng đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến đánh Mỹ, xứng đáng với cái tên “Cổng Trời” thực sự, bất khuất, hiên ngang chiến thắng quân thù. Nếu bạn đến đây, bạn sẽ gặp rất nhiều kỷ niệm: một dòng chữ viết bằng đá xanh nhắn gửi đồng đội, một chữ ký hoặc ký hiệu khắc vội trên đá,...

Ở bên trái đường có một hang động không sâu lắm, là nơi làm lễ “truy điệu sống” các chiến sỹ Tiểu đoàn 12 Công binh trước đêm ra mặt trận làm nhiệm vụ. Cách đó không xa là Trạm kiểm soát biên phòng thuộc Đồn Cha Lo. Những năm 1967 - 1972, chiến tranh ác liệt nhưng Cổng Trời vẫn sừng sững với khẩu hiệu khắc trên đá của một chiến sỹ vô danh: “Tim còn đập, đường không tắc”. Ở đây cũng là nơi hội thụ các đơn vị anh hùng: đồn Cha Lo, Tiểu đoàn Công binh 12, đơn vị Thanh niên xung phong 759 là ba đơn vị vinh dự được Quốc hội tuyên dương “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày nay, Cổng Trời không còn cảnh nhộn nhịp, khẩn trương như thời bom đạn chiến tranh hồi trước mà là sự vui tươi, nhộn nhịp của thời đại kinh tế mới, giao lưu, buôn bán, thăm viếng, du lịch với bạn Lào qua Cửa khẩu Cha Lo. Đường 12A đã được nâng cấp, cải tạo, bảo đảm giao thông tốt, thuận lợi. Các chiến sỹ đồn Biên phòng Cha Lo anh hùng vẫn tích cực bảo vệ an ninh cho biên giới Tổ quốc...

N.H.H
 (Sưu tầm và biên soạn)