.

Ngày và đêm trên Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20-Bài II: Đêm của huyền thoại

Thứ Sáu, 20/11/2015, 08:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Đêm trở mình buông nhanh xuống đường 20- Quyết Thắng, hơi núi sà xuống thấp la đà trước cửa Hang Tám TNXP và Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ. Những người khách cuối cùng đã về xuôi. Công việc một ngày tất bật của cán bộ Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng phụ trách tại khu di tích cũng vừa kết thúc... Tôi thắp nén hương nơi Hang Tám TNXP và Đền tưởng niệm... xin các anh, các chị cho ở lại một đêm. Đêm giữa núi rừng Trường Sơn huyền hoặc, tâm linh và nặng nghĩa nặng tình. 

>> Ngày và đêm trên Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20-Bài I: Ngày của tri ân 

Trên đường 20 huyền thoại, không phải chỉ với tôi mà còn cả với những ai từng đặt chân đến đây đều ám ảnh bởi con số 8 và những câu chuyện ray rứt lòng người: hang Tám Cô, buồng chuối trước cửa hang mỗi lần diễn ra sự kiện trọng đại liên quan đến đường 20 đều nở ra 8 nải, tổ thằn lằn trong đền tưởng niệm có 8 quả trứng... rồi cả chuyện 8 tập thể, 8 cá nhân của Binh trạm 14 chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường 20 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân...

Đường vào Khu di tích đường 20.
Đường vào Khu di tích đường 20.

Một ngày với cán bộ Trung tâm Du lịch Phong Nha- Kẻ Bàng tại khu di tích bắt đầu từ tờ mờ sáng. Nhớ cách đây 3 năm về trước, tôi cũng một lần ở lại nơi vùng đất thiêng này, khi tiếng gà rừng mới te te gáy sâu trong rừng già là đã nghe những nhát chổi khua nhè nhẹ trước sân. Sau khi quét lá cây xong, theo sự phân công, người xuống Hang Tám TNXP, người vào Hang Y tá, người lên Đền tưởng niệm thay hương hoa, nước trắng trên bàn thờ các anh các chị. Mùa này hoa rừng nở nhiều nên bên cạnh hoa trồng mua từ dưới xuôi lên, mọi người còn dành riêng cho các anh chị những nụ hoa dại hái từ sớm, lúc còn đẫm sương đêm tinh khiết. Công việc một ngày kết thúc khi Nguyễn Tứ Vỹ, phụ trách Ban quản lý khu di tích, trong bóng đêm nhập nhoạng tiếp tục đi thắp những nén nhang đầu hôm cho những người đã khuất.

Từ đường 20, Nguyễn Tứ Vỹ điện thoại về khoe: “Anh ơi! Buồng chuối hôm nay đã tròn 8 nải rồi. 8 nải rồi dừng lại. Em dám chắc, các anh các chị linh thiêng hiểu được tấm lòng người đang sống, đúng không anh?”

Tôi theo chân Nguyễn Tứ Vỹ xuống Hang Tám TNXP, đêm cuốn lấy những câu chuyện tâm linh từ trong quá khứ dội về. Lại nhớ cây chuối mọc ra 8 nải trước cửa hang, quả chuông nhỏ treo phía vách đá tay trái nhìn ngoài vào. Hai ngọn đèn bão đứng gác hai bên cửa hang, như năm nào “những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt” soi sáng cho từng chuyến xe qua trên cung đường 20 bất tử. Vỹ hỏi tôi có sợ không? Trong đêm tôi thở ra nhè nhẹ: “Không, chỉ thấy tâm thanh thản, thì về với các anh, các chị với cả tấm lòng thành kính thì mình sợ chi!”... Thi thoảng, những cơn gió lựa chiều dội vào lòng hang làm những nén hương bùng cháy, hoa lửa bay lên... bay lên. Trong hư ảo, khoảng khắc giao nhau giữa ngày và đêm, giữa hư và thực ấy, tôi kịp nhận ra cây chuối đang bung nở ra buồng chuối nhỏ, đếm vẫn chưa tròn 8 nải.

Đêm, canh giấc ngủ cho các anh hùng liệt sỹ đường 20- Quyết Thắng ngay dãy nhà phía phải Đền tưởng niệm, tôi bảo Nguyễn Tứ Vỹ, Phạm Văn Duật, những người gắn bó với vùng đất thiêng từ nhiều năm nay: “Ngày lo cho khách hành hương đến tri ân. Chừ đêm... mọi người kể những câu chuyện về các anh, các chị đi. Những câu chuyện tâm linh trôi vào huyền thoại, như chính hàng nghìn đêm không ngủ của bộ đội, TNXP, dân công hỏa tuyến... dệt nên những huyền thoại suốt một chiều dài quãng đường nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn.

Phạm Văn Duật, người Quảng Trị, biết tôi khi đường 20 đang còn ngồn ngộn đá, sỏi, bùn lầy. Duật bảo: “Thì nhà báo cũng có khác chi bọn em, thậm chí nhắm mắt lại vẫn mường tượng rõ mồn một từng khúc cua, dốc đứng, vực sâu. Những câu chuyện về huyền thoại hang Tám Cô, về Hang Y tá nơi chị Nguyễn Thị Sặng nằm... chắc anh đều biết?”- Duật kể- “Cây đèn bão nơi Hang Tám Cô, chuyện anh Lê Thanh Lương kể lại, lúc anh ấy mới vào làm Trưởng ban quản lý khu di tích. Thời gian đó chưa có điện đâu. Anh Lương thấy có cây đèn thừa ra nên đưa lên thắp trên nhà cho bớt hiu quạnh. Vừa thắp xong, đèn tắt phụt. Anh châm lại, trời không gió, đèn tiếp tục tắt. Nhiều lần như thế, anh đâm hoảng, rồi chợt nhớ ra lấy đèn mà chưa xin phép các anh các chị dưới đó. Anh vùng dậy, trở xuống hang thắp hương vọng bái. Lạ! từ lúc đó trở đi, ngọn đèn dầu cháy cho đến sáng”.

Buồng chuối 8 nải
Buồng chuối 8 nải

Nguyễn Tứ Vỹ tiếp tục lời Duật kể thêm câu chuyện ngỡ như không có thật: “Đơn vị có nuôi đàn chó, trong đó có một con chó mẹ. Ngày trở dạ, hắn lên lót ổ trong Hang Tám TNXP đẻ, mẹ tròn con vuông. Những chú cún con sinh ra lớn nhanh như thổi, rất ngoan. Bỗng một hôm, mọi người trong Ban quản lý phát hiện ra thiếu một con, tưởng đi lạc ở đâu giữa rừng già không tìm thấy đường về. Ba ngày sau, có người từ thành phố Đồng Hới mang lên trả, thắp hương tạ lỗi cùng các anh chị vì bắt cún con mà không xin phép. Câu chuyện vì sao phải mang cún con lên trả lại, tất nhiên có thêm sự thêu dệt đằng sau anh ạ! Nhưng ở đây chúng em phải nhớ và tâm niệm một điều, làm cái gì cũng xuất phát từ tâm, đừng trái với linh hồn người đã khuất”.

Đêm đi vào chiều sâu, trước khi ngủ, chúng tôi lại thêm một lần thắp hương tại Hang Tám TNXP và Đền tưởng niệm. Chỉ còn ít thời gian nữa thôi là đến ngày giỗ lần thứ 43 của 8 liệt sỹ hy sinh tại Hang Tám TNXP. Các anh, các chị ra đi cùng quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa), tuy không sinh cùng ngày nhưng thác cùng lúc, rồi nằm lại trên đường 20-Quyết Thắng, nằm lại với quê hương Quảng Bình. Một nén tâm nhang thay muôn lời muốn nói: an lòng các anh, các chị, thế hệ trẻ chúng tôi, quê hương, đất nước không bao giờ quên tấm gương hy sinh liệt oanh của các anh, các chị.

Ngô Thanh Long