.

Đại tướng và những người làm báo Quảng Bình

Thứ Bảy, 20/06/2015, 15:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ trước đến nay, Đại tướng và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành nhiều tình cảm yêu thương, gắn bó với những người làm báo tỉnh nhà, xem họ như người thân trong gia đình, đầy chân thành và cảm mến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình trong dịp về quê nhà.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc Báo Quảng Bình trong dịp về quê nhà.

Nhà báo Nguyễn Thế Tường, nguyên công tác tại Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, tự nhận mình là người có nhiều “cơ duyên” với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Kể từ lần gặp gỡ đầu tiên vào những năm 90  của thế kỷ trước cho đến khi Đại tướng qua đời, ông khó có thể nhớ hết những lần được gặp Đại tướng, phỏng vấn có, trò chuyện chia sẻ, tâm tình có. Không ít lần ông được chính cố GS.TS Hồng Anh, con gái Đại tướng, gọi riêng đến gặp “ông Cụ”.

Trầm ngâm bên ly cà phê buổi sớm, hoài niệm về những ký ức đã qua, nhà báo Nguyễn Thế Tường vẫn vẹn nguyên sự trân trọng, yêu thương trong từng câu, từng chữ kể về Đại tướng với sự xúc động trào dâng. Ông tâm sự, kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là lần được “ôm Đại tướng” trên đỉnh đèo Ngang lộng gió vào năm 1992, khi chỉ còn một vài bước chân nữa thôi, Đại tướng sẽ xa quê về lại với Thủ đô. Không hiểu lấy tinh thần ở đâu, mà anh phóng viên “nhỏ bé” đài tỉnh bỗng “bạo gan” để “xin được ôm Đại tướng một cái” và chẳng đợi sự đồng ý mà vội vàng ôm chầm lấy Đại tướng.

Nhà báo Thế Tường rưng rưng nước mắt khi nhớ về nụ cười ấm áp, đôn hậu của Đại tướng và cả cái nhìn đầy yêu thương, che chở khi chia sẻ: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”. Một lần ở nhà Đại tướng trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội, nhà báo Thế Tường đi cùng đoàn lãnh đạo huyện Lệ Thủy ra thăm mừng thọ Đại tướng và thực hiện một cuộc phỏng vấn ngắn. Và mặc cho nhà báo hỏi nhiều vấn đề trong khi sức khỏe của Đại tướng còn yếu, và mặc cho vị thư ký riêng nhiều lần ra dấu nhắc nhở, Đại tướng vẫn ân cần trả lời từng câu hỏi với sự tỉ mỉ, quan tâm. Đại tướng là như thế đó, luôn dành cho những người làm báo sự sẻ chia, đồng cảm nhất.

Để rồi mỗi lần, bất kỳ ai có cơ hội được gặp gỡ, tiếp xúc với Đại tướng, đúng như nhà báo Thế Tường tự ngẫm: “luôn cảm thấy ấm áp, tươi mát, nhẹ nhàng, như được tưới tắm bởi ánh sáng của các bậc tiền nhân và thấy ta như hướng thiện thêm ra”.

Đối với nữ nhà báo Hồng Hiếu, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình, tình cảm Đại tướng dành cho đội ngũ người làm báo ở quê hương được ví như tình thương của một người ông dành cho những người cháu của mình. Chính vì vậy, mỗi lần được dịp gặp gỡ, phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chị Hồng Hiếu đều cảm thấy sự ấm áp, bình dị, thân thương từ người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong lần ra Bắc đến căn nhà 30 Hoàng Diệu quay những thước phim tài liệu đầu tiên “Nơi ấy có ngôi nhà xưa”, chị trầm ngâm kể, chắc chắn chẳng có vị anh hùng nào trên thế giới lại có thể gần gũi, hóm hỉnh như Đại tướng khi được báo chí phỏng vấn. Đại tướng thường xuyên bảo: “Đạo diễn nói làm như thế nào thì bác làm theo như thế!”, rồi: “Đạo diễn muốn bác làm thêm gì nữa không?”.

Và đặc biệt nhất, sau khi quay xong, Đại tướng dắt tay chị Hồng Hiếu và anh Sĩ Hùng, mỗi người một bên, đến cuối góc vườn để chỉ cho một thứ rất mới mẻ. Đó là căn hầm trú ẩn đơn sơ được gia đình Đại tướng sử dụng khi còn chiến tranh. Chị xúc động chia sẻ, lúc đó, chị có cảm giác vô cùng thân thuộc, Đại tướng giống như một người ông, một lão nông ở thôn quê dẫn người cháu xa nhà lâu ngày để chỉ cho một điều mới, thú vị, sợ cháu mình chưa biết.

Lần thứ hai, chị may mắn được gặp Đại tướng là vào năm 2004, khi làm phim về 50 năm giải phóng Quảng Bình. Lúc này, sức khỏe Đại tướng đã ít nhiều giảm sút. Bác sĩ riêng chỉ cho phép nhà báo gặp trong vòng 20 phút. Trước khi đến gặp Đại tướng, chị Hồng Hiếu được cố GS.TS Võ Hồng Anh, con gái Đại tướng, chia sẻ rằng Đại tướng thường xuyên cập nhật thông tin quê nhà từ báo chí. Do đó, ngay khi gặp Đại tướng, phần vì chủ quan, phần vì lo lắng thời gian eo hẹp, chị hỏi ngay về suy nghĩ của Đại tướng về những đổi thay ở quê nhà trong thời gian qua.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm cùng những người làm báo Quảng Bình
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm cùng những người làm báo Quảng Bình.

Đại tướng bất chợt hỏi: “Bác đã biết gì về Quảng Bình đâu, cháu phải giới thiệu cho bác”. Vậy là từ người đi phỏng vấn, chị Hồng Hiếu bỗng trở thành người được phỏng vấn. Đại tướng hỏi vô cùng cặn kẽ tình hình quê hương, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về kinh tế, xã hội, du lịch và nhất là giáo dục. Mặc dù vị bác sĩ luôn thông báo hết giờ, nhưng Đại tướng vẫn xua tay, tiếp tục cho cuộc phỏng vấn, thể hiện sự ưu ái của ông dành cho những người làm báo. Cuối cùng, Đại tướng hỏi: “Cháu còn gì để nói với bác nữa không?” và “Đến lượt cháu phỏng vấn bác”. Đối với chị Hồng Hiếu, đó là những bài học quý giá trong nghề báo mà mãi mãi chị luôn khắc cốt ghi tâm.

Nhà báo Đỗ Trọng Thái, Báo Quảng Bình, đã may mắn có cơ hội hơn 10 lần được tháp tùng Đại tướng trong những chuyến về quê và ra Hà Nội chúc Tết, chúc thọ Đại tướng cùng lãnh đạo tỉnh. Dù trong chuyến đi nào, đặc thù công việc ra sao, Đại tướng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những người làm báo Quảng Bình. Mỗi lần kết thúc chuyến đi, Đại tướng đều gọi anh em báo chí đến chụp một tấm hình làm kỷ niệm. Và cũng nhiều lần, Đại tướng đã chỉ cho anh em những bài học làm nghề quý báu như khi chụp ảnh, chọn khung hình, cách viết tin, bài...

Đặc biệt, Đại tướng dành sự tình cảm quan tâm với Báo Quảng Bình. Đại tướng đã hai lần dành thời gian ghé thăm tòa soạn báo, từ những ngày đầu sơ khai, vất vả, khó khăn cho đến giai đoạn sau này đang nỗ lực, phát triển. Đại tướng dặn dò, tờ báo địa phương cần đổi mới cách viết, viết ngắn gọn để dân hiểu, cần trình bày bằng khổ nhỏ, nhiều trang cho dân dễ đọc, cần chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến... Trong một lần cùng đoàn đại biểu tỉnh ra thăm Tết Đại tướng, khi được biết trong đoàn có phóng viên Báo Quảng Bình và được tặng một tờ báo Tết của Báo Quảng Bình, Đại tướng đón đọc rất say sưa và đề nghị chụp ảnh chung cùng phóng viên.

Dường như, với bất cứ một nhà báo nào từng có “cơ duyên” được gặp gỡ Đại tướng, đều chung một cảm nhận. Đó là một con người uyên thâm, trí tuệ với phong thái, nhân cách của một anh hùng, nhưng lại vô cùng gần gũi, thân thương, ân cần như một người ông dành tình cảm cho người cháu xa quê lâu ngày gặp lại. Chính vì vậy, những cuộc trò chuyện, phỏng vấn Đại tướng, được các nhà báo Quảng Bình xem như động lực quý giá để không ngừng nỗ lực, vươn lên trong cuộc sống, công việc và cũng là những kỷ niệm “vàng” để lưu giữ mãi hình ảnh của một người con ưu tú đất Quảng Bình.   

Mai Nhân