.

Nữ pháo thủ Trường Sơn nhiều lần gặp Bác

Thứ Ba, 19/05/2015, 13:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Qua một trận chiến sinh tử với kẻ thù, nữ thanh niên xung phong Đinh Thị Thu Ngà đã được nhiều người dân Quảng Bình thời đó yêu mến đặt cho biệt danh "nữ pháo thủ Trường Sơn". Sau đó, chị được đi báo công nhiều nơi và vinh dự nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những lời dạy của Người năm xưa chính là hành trang để chị mang theo đi suốt cuộc đời.

 

Di tích lịch sử cầu Ka Tang đã từng gắn bó với chiến công của chị Đinh Thị Ngà.
Di tích lịch sử cầu Ka Tang đã từng gắn bó với chiến công của chị Đinh Thị Ngà.

Trận chiến sinh tử

Sinh năm 1943 ở quê hương Minh Hoá anh hùng, tuổi thơ Đinh Thị Thu Ngà (tiểu khu 4, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hoá) đã trải qua nhiều cơ cực. Năm 16 tuổi, chị tham gia đội dân quân tự vệ địa phương rồi thanh niên xung phong. Lúc đó, đơn vị chị đóng quân ở Hạt 4, cung 2, phụ trách đoạn đường từ Hương Khê (Hà Tĩnh) đến La Trọng (Minh Hoá), có trụ sở tại Khe Núng, Khe Tang do đồng chí Nguyễn Ngọc Ninh làm cung trưởng.

Nhiệm vụ của đơn vị là bảo vệ cầu Khe Núng, Khe Tang nhằm bảo đảm mạch máu giao thông trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thông suốt. Đó cũng là nơi giao nhau giữa hai tuyến đường chiến lược Quốc lộ 15 và 12A. Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ đã điên cuồng dùng không quân đánh phá nhằm ngăn chặn sự chi viện cho tiền tuyến. Hai chiếc cầu mà đơn vị bảo vệ đã trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt.

Đúng 8 giờ sáng, ngày 16-4-1965, từ các phía, “lũ quạ sắt” ập tới lồng lộn trên bầu trời rồi trút bom đánh phá gần cầu Khe Tang. Đơn vị chia thành một trung đội súng trung liên, hai đơn vị súng trường, phối hợp với các đơn vị pháo cao xạ. Một số đồng chí của ta đã bị thương.

Đến 10 giờ trưa, chiến trường càng khốc liệt, một số đồng chí của ta tiếp tục bị thương và hi sinh. Riêng anh Hoàng - người lắp đạn vào pháo cùng chị trúng đạn và hy sinh. Toàn thân dính máu, người mệt lừ nhưng chị vẫn tiếp tục chiến đấu nên hai chiếc cầu vẫn được bảo vệ nguyên vẹn.

Về trưa, giặc Mỹ càng điên cuồng bắn phá. Chúng tăng thêm nhiều máy bay hiện đại liên tục oanh tạc khiến cuộc chiến đấu càng thêm ác liệt. Địch tập trung đánh thẳng vào trận địa từ bốn hướng, nhưng chị vẫn kiên cường chỉnh pháo theo từng hướng để đánh trả.

Anh Đậu Văn Vị - người chỉ đạo tầm ngắm hi sinh, một đồng chí khác lên thay thế. Đồng chí hô to: “Đồng chí Ngà! Sống chiến đấu anh dũng, chết vinh quang”, chị Ngà kể. Bom nổ dữ dội khiến chị long cả đầu, người chiến sĩ tiếp đạn cùng chị bị hi sinh, máu ướt đẫm người, sức chị như bị vắt kiệt, nhưng tinh thần chiến đấu ở chị càng dâng cao. Hai tay không đủ sức quay pháo, chị phải dùng thêm hai chân để đạp.

Lúc này, vị trí lắp đạn của khẩu đội bị bỏ trống, chị liền nhảy lên thay thế luôn, một mình làm hai nhiệm vụ: vừa tiếp đạn lên mâm, vừa lắp đạn vào pháo.

Về chiều, máy bay càng nhiều hơn. Từng tốp, từng tốp theo hướng mặt trời cứ lao nhào xuống trận địa thả bom. Đồng chí chỉ huy hướng ngắm bị thương nặng, chị liền dìu anh xuống và thay thế luôn vị trí đó. Nhờ tinh ý nên chị Ngà nắm rất rõ các vị trí chiến đấu của khẩu đội. Khi máy bay tới, chị vẫn cố gắng dõng dạc: “Hướng 12... máy bay bổ nhào, bắn!”. Khẩu đội chị còn lại ba người nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Mãi đến 18 giờ 30 phút, máy bay Mỹ mới chịu rút lui. Chiến trường xung quanh bị cày xới, đồng đội người mất, người còn, toàn thân chị Ngà dính đầy máu, hai tai ù đặc nhưng vẫn cố gắng thu dọn chiến trường. Vừa lúc đó, nhân dân các địa phương kịp thời đến động viên, tiếp ứng.

Trong trận quyết chiến đó, đơn vị của chị cùng các đơn vị pháo cao xạ đã bắn hạ 14 chiếc máy bay của giặc Mỹ. Cũng sau trận đánh đó, cả nhân dân miền Tây Quảng Bình yêu mến gọi chị là "nữ pháo thủ Trường Sơn".

Nữ pháo thủ trong cuộc sống đời thường.
Nữ pháo thủ trong cuộc sống đời thường.

Những khoảnh khắc gặp Bác

Với chiến công trên, chị được đi báo cáo thành tích ở các địa phương. Ngày 6 - 9 - 1965, trước khi đi dự Đại hội Công đoàn thế giới tại Ba Lan, tham quan các nước XHCN ở Đông Âu, chị Ngà vinh dự được gặp Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Trung ương. Chị xúc động kể lại: “Gặp Bác, tôi ôm chầm lấy Người và khóc nức nở. Bác cầm tay tôi vỗ về, bảo tôi đừng khóc.

Bác khen tôi giỏi và khuyên tôi: “Cháu phải tiếp tục cố gắng công tác tốt, hoàn thành nhiệm vụ và đừng bao giờ kiêu ngạo trước những thành tích của mình”. Trong lần đi dự Đại hội Công đoàn thế giới, chị vinh dự được kể cho bạn bè nghe về truyền thống đấu tranh kiên cường của phụ nữ Việt Nam. Mỗi lần báo cáo xong, chị đều được bạn bè mến phục xin chữ ký...

Sau khi về nước, chị tiếp tục công tác và làm nhiều công việc khác nhau. Trong năm đó, chị còn vinh dự được gặp Bác thêm ba lần. Khắc sâu những lời dạy của Người, chị luôn phấn đấu, rèn luyện, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Năm 1983, chị nghỉ hưu với chế độ mất sức 21%. Chị đã vinh dự nhận được nhiều huân chương, huy chương và các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Trong cuộc sống đời thường, chị luôn là một đảng viên mẫu mực, tích cực tham gia nhiều phong trào hoạt động quần chúng, góp sức xây dựng quê hương. Dù tuổi cao, sức yếu, cuộc sống gia đình còn rất nhiều khó khăn, nhưng chị vẫn là người bà, người mẹ mẫu mực để con cháu học tập, noi theo.

Xuân Vương