.

Đi tìm hồn cốt của biển... - Kỳ 2: Lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên và điệu trống "cà rừng"

Thứ Tư, 27/05/2015, 09:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo nhiều nhà nghiên cứu, không ít làng quê Quảng Bình hiện vẫn còn duy trì lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên, nhưng có lẽ, không nơi nào, lễ hội này lại được tổ chức thường xuyên, lớn về quy mô, phong phú về nội dung như ở làng Đồng Hải (TP.Đồng Hới) xưa. Nay, điều đáng mừng là lễ hội độc đáo Xuân Thủ Kỳ Yên vẫn còn được duy trì ở một số thôn của xã biển Bảo Ninh, như: Mỹ Cảnh, Sa Động, Trung Bính..., vừa góp phần tạo nên một điểm nhấn trong sinh hoạt cộng đồng của địa phương, vừa bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cha ông để lại. Chỉ tiếc là việc quảng bá lễ hội này vẫn chưa được quan tâm để đẩy mạnh hoạt động du lịch của Bảo Ninh nói riêng và TP.Đồng Hới nói chung.

>> Kỳ 1: Những điệu hò vang vọng từ biển khơi

Ông Võ Văn Hậu, Trưởng thôn Sa Động (Bảo Ninh) cho biết, lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên, hay còn gọi là lễ hội cầu an, trước đây thường được tổ chức vào đầu tháng 2 âm lịch hàng năm. Nhưng, với tàu cá công suất lớn, công nghệ đánh bắt hiện đại, bà con ngư dân thường đánh bắt xa bờ vào đúng thời điểm này, do đó, hơn chục năm trở lại đây, lễ hội chuyển sang tổ chức vào rằm tháng giêng âm lịch, nhằm ngày 15 và 16 hàng năm. Nhờ vậy, đông đủ con em của thôn đều có thể tham gia lễ hội.

Ngoài lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên, Sa Động vẫn duy trì lễ cầu mùa vào rằm tháng 4 và lễ chạp mả, cô hồn vào rằm tháng 7. Ý nghĩa to lớn của lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên chính là để tưởng nhớ các bậc khai sinh lập làng và để cầu cho trời đất yên bình, phù hộ cho con em Sa Động vững vàng bám biển.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiên, lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên ngày xưa luôn đầy đủ trình tự các lễ, gồm: lễ nghinh xuân, lễ tế xôi hôm, lễ bốc thăm, lễ xướng sổ hương ẩm, lễ tế xôi mai, lễ đổ phù hương. Hiện nay, do nhiều điều kiện chủ quan, khách quan, các nghi lễ đã được tinh giảm, nhưng về tinh thần, hồn cốt vẫn không hề thay đổi.

Từ đầu năm, Chi bộ thôn cùng với Ban tự quản thôn, các đoàn thể, như: Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên đã có sự chỉ đạo, phân công, chuẩn bị sẵn sàng cho lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên. Trong đó, lễ nghinh xuân được chuẩn bị chu đáo với trọng tâm là việc tập bộ  trống nhạc “cà rừng” của Hội Nông dân.

Ông Hoàng Sung (60 tuổi) là người nắm rõ nhất quy luật của bộ trống này và thường xuyên luyện tập cho các thành viên. Bộ trống nhạc “cà rừng” còn có tên gọi khác là trống ngũ lôi, gồm 5 trống con và 1 trống cái. Điểm độc đáo của bộ trống nhạc “cà rừng” chính là ở nhịp 3, vừa thúc giục, rạo rực đoàn diễu hành, lại vừa chậm rãi, uy nghiêm, hùng hồn mà thân thuộc, gắn bó, khác với cái dồn dập, sải bước nhanh của bộ trống kèn Tây. Tương truyền, bộ trống nhạc “cà rừng” xuất phát từ ngư dân Thanh Hóa di cư vào Bảo Ninh trong thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Trống nhạc “cà rừng” được truyền từ những trận đánh với tiếng trống trận thúc giục lòng quân.

Để đánh tạm gọi là thành thục bộ trống nhạc “cà rừng”, một người phải luyện tập thường xuyên gần 3 năm trời ròng rã và phải luyện tập đủ tất cả các thành viên, không thể tập riêng rẽ. Thế mới biết để đánh được trống “cà rừng” khó đến như thế nào. Nhà nghiên cứu Phạm Ngọc Hiên cho biết, hiện nay, ở Quảng Bình, chỉ còn ở Sa Động là bảo tồn được hình thức trống cổ đặc sắc này.

Lễ nghinh xuân, hay còn gọi là lễ rước văn, bắt đầu lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên được diễn ra vào chiều ngày 15 tháng giêng âm lịch. Với mục đích rước thần linh sơn thủy, xuất phát từ lăng thờ Cá Ông, đoàn diễu hành gồm toàn bộ dân Sa Động sẽ đi bộ xung quanh làng, đi đầu là hàng người cầm cờ đại, cờ xéo, người truyền lệnh và không thể thiếu bộ trống nhạc “cà rừng” và chiêng lớn. Tới các ngã ba, ngã tư, đoàn người đều dừng lại để tế lễ tại các bàn thờ đã được nhân dân lập từ trước. Ông hội chủ thay mặt đoàn thắp hương, khấn vái, cầu mong an lành cho dân làng. Kết thúc lễ nghinh xuân, bà con tập kết tại lăng thờ

Cá Ông và tổ chức lễ an vị. Đúng 20h cùng ngày, lễ tế cầu yên (lễ cúng gà) được diễn ra linh thiêng, kính cẩn. Sáng ngày 16, làng tiếp tục tổ chức lễ xuân thủ, tập trung tất cả bà con dân làng cùng tham gia. So với các lễ tế ngày trước, lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên nay đã phôi pha ở một vài khâu trong tế lễ, như: thiếu vắng lễ bốc thăm, lễ đổ phù hương...

Lễ hội Xuân Thủ Kỳ Yên ở các thôn của Bảo Ninh dù năm nào cũng tổ chức nhưng mới chỉ diễn ra trong phạm vi của làng, do đó, việc quảng bá đến với du khách thập phương vẫn chưa được chú trọng. Ông Võ Văn Hậu, Trưởng thôn Sa Động bày tỏ mong muốn của bà con được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm hơn để đưa nét văn hóa độc đáo này vào sự phát triển du lịch của xã, của thành phố. Nếu được đầu tư cả về kinh phí và sự tham gia của các nhà nghiên cứu, chắc chắn tính nhân văn, tính cộng đồng của lễ hội sẽ còn được mở rộng và đặc sắc hơn, thay vì tổ chức ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún ở một số thôn như hiện nay.

Mai Nhân