.

Đi tìm hồn cốt của biển... - Kỳ 1: Những điệu hò vang vọng từ biển khơi

Thứ Ba, 26/05/2015, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Lẽ thường bấy lâu nay, mỗi lần nhắc đến Bảo Ninh-“viên ngọc thô” trong lòng TP.Đồng Hới, người ta nhắc nhớ nhiều đến cái vị mặn mòi của sóng biển, cái nắng chang chang của cồn cát hay cái vị đậm đà, ngọt ngon của từng món ngon hải sản. Du khách thập phương và thậm chí ngay cả người Quảng Bình, Đồng Hới cũng hiếm khi được biết đến những vẻ đẹp tiềm ẩn đầy hấp dẫn, mê đắm khác của Bảo Ninh. Đó là một phần hồn cốt của biển với những điệu hò đưa linh, hò đẩy thuyền, hò kéo neo vang động sông nước, và cả những lễ hội tưởng chừng như đã mai một theo thời gian, nhưng vẫn âm ỉ len lỏi trong mạch nguồn sống của người dân “kẻ biển”.

 

Cụ Hoàng Thị Mùng, một trong những nghệ nhân hiếm hoi của Bảo Ninh còn nhớ các điệu hò biển cổ.
Cụ Hoàng Thị Mùng, một trong những nghệ nhân hiếm hoi của Bảo Ninh còn nhớ các điệu hò biển cổ.

Trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của người dân Bảo Ninh, hò khoan chèo cạn gắn bó chặt chẽ và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống tinh thần. Nhiều tài liệu nghiên cứu, nhiều tác giả đã dày công sưu tầm, tìm hiểu về thể loại hò này. Duy chỉ có hò đưa linh, hò kéo neo và hò đẩy thuyền là ít khi được nhắc đến.

Một phần là vì các điệu hò này đã phôi pha theo thời gian khi người truyền dạy hầu hết đã về nơi thiên cổ, một phần cũng bởi sự thay đổi của tập quán truyền thống đánh bắt hải sản cũng như thiếu sự quan tâm, sâu sát từ các đơn vị liên quan trong công tác bảo tồn.

Nghệ nhân Hoàng Thị Mùng (Sa Động, Bảo Ninh) thành thục các điệu hò biển khi mới là một thiếu nữ 12, 13 tuổi. Cụ được sự truyền dạy của các bậc cao niên trong làng và nhất là có năng khiếu bẩm sinh, khả năng tự học, tự tìm hiểu để khiến các câu hò của mình luôn tươi mới, hấp dẫn người nghe. Cụ cùng với cố nghệ nhân Trương Xa được ví như một “cặp bài trùng” về hò đối đáp nức tiếng ở Bảo Ninh thuở trước.

Bước sang tuổi 81, các làn điệu hò biển cổ cụ đã quên ít nhiều, chỉ có hò đưa linh là để lại những ấn tượng sâu đậm trong tâm trí cụ. Cụ kể, khác với vùng Lệ Thủy là hò đưa linh được sử dụng chủ yếu trong các đám tang để vừa làm tăng vẻ trang nghiêm, huyền bí, vừa thể hiện tâm tư, tình cảm với người đã khuất, nét đặc biệt của hò đưa linh Bảo Ninh là chỉ được dùng trong đám ma cá voi mà thôi.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tú trong cuốn Địa chí Đồng Hới, cư dân vùng biển tôn thờ cá voi rất trọng thể, xem cá voi như vị thần cứu hộ, tin tưởng cá voi như “đấng sáng tạo” ra trời đất, có thể điều khiển được trời yên, bể lặng, có thể ban phúc hay giáng họa. Ngư dân gọi cá voi là cá Ngài, là cá Ông. Ở nhiều làng biển, cá voi được phong sắc, lập đền thờ và cúng tế bài bản, được xem như Thành hoàng của làng.

Vì lẽ đó, hò đưa linh được sử dụng trong nghi lễ đám tang cá voi như một sự tôn trọng, kính cẩn và thể hiện nét văn hóa đặc sắc của người dân biển Bảo Ninh. Nhiều cụ cao tuổi kể lại, duy chỉ có một lần hò đưa linh được sử dụng không phải trong dịp đám ma cá voi, đó là vào thời điểm tháng 9 năm 1970, đội văn nghệ người cao tuổi của xã Bảo Ninh đã cải biên lời hò đưa linh thần cá voi để tưởng nhớ về Bác Hồ, gây xúc động, tiếc thương sâu sắc cho người nghe.

Nghệ nhân Phạm Thị Kim Oanh (74 tuổi, Mỹ Cảnh, Bảo Ninh) là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn nhớ rõ về điệu hò đưa linh này. Cụ miêu tả, trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, sẽ có 2 hò cái, gồm 1 nam và 1 nữ, cùng với 12 người chèo cạn tham gia hò con. Hò đưa linh Bảo Ninh gần giống với hò năm mái của Lệ Thủy, nhưng chỉ sử dụng 4 mái là mái ba, mái nện, mái hụi và mái khoan, cách thức cắt phách, cắt nhịp cũng có nhiều nét khác biệt.

Trong cái nắng nóng như rang của tháng 5, dưới mái hiên nhà được bao xung quanh bởi từng trảng cát bỏng, các mệ xứ biển ngồi hò lại điệu hò đưa linh theo kiểu cổ đầy da diết, tâm trạng trong từng câu từng chữ:

“Hô khoan ơ ơ...
Lòng thành thiết là lễ bạc... ơi hò!
Hô khoan ơ ơ...
Thiết lễ cầu ngư cho đắc lợi tài...
ơi hò!
Ơ hụi ơ bơ hò hụi...
Là hô ơi hò khoan...
Cầu phúc phúc lai cầu tài tài tấn
Cầu cho trong làng vạn được năm ba
vững như thái hòa
Là hô ơ ơ hò khoan...
Trước được câu phú quý mà vinh
hoa ơ...
Sau làm ăn thắng lợi...
Để tàu thuyền vào ra cho yên lành...
Ơ hụi bơ hò hụi...”

Bên cạnh hò đưa linh, Bảo Ninh còn có hai “di sản” khác đang mai danh ẩn tích là hò đẩy thuyền và hò kéo neo. Bởi, như lời chia sẻ của cụ Hoàng Thị Mùng, những điệu hò cổ này thường được sử dụng vào vụ cá nam thuở trước nay rất ít được nhắc nhớ đến. Ngay cả cụ Mùng cũng hầu như đã quên hết cách thức để hát hò kéo neo, hò đẩy thuyền.

Các xã biển Quảng Bình luôn có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc.
Các xã biển Quảng Bình luôn có một đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đặc sắc.

Còn cụ Phạm Thị Kim Oanh thì cho biết, hai điệu hò này của Bảo Ninh có nguồn gốc từ xã biển Cảnh Dương, sau được bà con áp dụng, soạn lại lời cho phù hợp với phong tục tập quán địa phương. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tú đã dày công nghiên cứu về sự đặc sắc của hai điệu hò này. Hò đẩy thuyền xuất phát từ yêu cầu của công việc lao động nặng nhọc, đòi hỏi sự tham gia của đông đảo bà con. Một người trong nhóm hò lên một câu lục bát liền mạch, khi hết câu thì “hè, hè, hè” lên, mọi người cùng nghe hò, chuẩn bị sức, đến câu cuối cùng ráng sức hè lên đẩy thuyền.

Cứ như vậy người khác lại hò, lại hè đợt này, đợt khác khi con thuyền tới đích. Hò kéo neo, kéo buồm lại độc đáo ở chỗ những câu hò đánh nhịp, mỗi nhịp ngắn, chắc, khỏe dứt khoát, cứ theo nhịp ba tiếng một đúng như thời gian kéo neo, kéo buồm, cộng thêm tiếng “dô ta... họ dô ta” hào sảng. Thuở trước, cả hai điệu hò được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bà con ngư dân, khích lệ, động viên tinh thần và làm giàu thêm vốn văn hóa truyền thống nghề biển.

Có một thực tế là nhiều thể loại hò cổ đã và đang bị mai một, chỉ số ít là vẫn còn tồn tại nhờ sự bảo tồn của các bậc nghệ nhân. Nhưng cụ Mùng, cụ Oanh cũng đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, trong khi việc tìm ra lớp hậu thế đủ đam mê và năng khiếu để truyền lại các điệu hò không phải việc đơn giản.

Mặt khác, trong bối cảnh xã hội hiện đại, nhiều giá trị truyền thống đang dần mất đi, nếu như chúng ta không có cách thức bảo tồn phù hợp đối với các loại hình văn hóa văn nghệ dân gian, trong đó có các loại hò biển cổ, thì chắc chắn con cháu đời sau sẽ khó để tự hào về kho tàng vốn quý dân gian mà cha ông để lại. Và thay vì chỉ sưu tầm, nghiên cứu qua sách vở, nhiều cách thức điền dã hiệu quả khác, như: băng đĩa, số hóa..., sẽ phù hợp hơn chăng trước khi các nghệ nhân đã quá già?.

Mai Nhân

Kỳ 2: Lễ hội xuân thủ kỳ yên và điệu trống “gà rừng”