.

"Với Đồng Hới, Mỹ bắt đầu thua ở Việt Nam rồi đấy!"

Thứ Ba, 24/02/2015, 17:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời các nhà báo phương Tây cuối tháng hai năm 1965, chúng tôi dẫn theo Trần Đương viết trong Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 240 - 1-2015.

Nhà báo Đức (Cộng hòa dân chủ Đức) Franz Faber tâm sự với tác giả: “...Lần sau cùng được gặp Người vào một ngày tháng 2/1965. Chúng tôi, gồm mấy nhà báo Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc đến thăm Người sau khi ở Đồng Hới về. Đấy là lần đầu tiên máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc. Bác Hồ nói với chúng tôi: “Với Đồng Hới, Mỹ bắt đầu thua ở Việt Nam rồi đấy!”

Sách “Lực lượng vũ trang nhân dân Đồng Hới 50 năm xây dựng-chiến đấu –trưởng thành 1945-1995” trang 130 viết: “Viện cớ “trả đũa” cuộc tấn công của quân giải phóng miền Nam vào căn cứ Mỹ ở Plây-cu, ngày 7-2-1965 (nhằm ngày 6 tết Ất Tỵ) đế quốc Mỹ đã mở cuộc oanh kích quy mô lớn vào thị xã Đồng Hới và vùng phụ cận.

Đúng 13 giờ 55 phút, giữa lúc nhân dân thị xã Đồng Hới đang “ra quân” mở đầu tết trồng cây và làm thủy lợi, không quân Mỹ huy động khoảng 50 máy bay các loại, cất cánh từ các tàu sân bay ở ngoài biển Đông, chia thành nhiều tốp lao vào vùng trời Đồng Hới ném bom, bắn Rôc két vào doanh trại sư đoàn 325, tàu hải quân, sân bay, trạm ra đa, các trận địa phòng không, bệnh viện, trường cấp 3 và nhiều khu dân cư vùng phụ cận. Mặc dù địch chọn thời điểm tiến công bất ngờ (ngày chủ nhật sau Tết Nguyên đán), nhưng dựa vào thế trận đã bày sẵn, quân và dân Đồng Hới đã bình tĩnh, chủ động đánh trả địch...

Ngay từ đợt đầu, một chiếc A4D bốc cháy trên bầu trời Đồng Hới và đâm đầu xuống vùng biển Nhân Trạch (Bố Trạch). Tên trung úy lái máy bay Dickson bị chết chìm dưới biển (đến 5 ngày sau, dân quân mới vớt xác lên)... kết thúc trận đánh, ta bắn rơi 4 máy bay Mỹ, bắn bị thương một số chiếc khác.

Ngày 8-2-1965, vào lúc 11giờ 55 phút, máy bay Mỹ lại tiếp tục kéo đến đánh phá thị xã Đồng Hới và một số địa phương khác trong tỉnh. Lưới lửa phòng không của ta kịp thời đánh trả, bắn rơi 3 chiếc... Ngày 11-2-1965, 12 giờ 57 phút, nhiều tốp phản lực Mỹ lao vào bắn phá Đồng Hới... Ta rút kinh nghiệm bố trí lưới lửa nhiều tầng, nhiều hướng chờ sẵn...”.

Sách “Tháng ngày chưa xa”- Hồi ức của ông Trần Sự, nguyên chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Bình, viết: “Đúng 2 giờ sáng ngày 11-2, tôi trực tiếp nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu thông báo: Ngày hôm nay 11-2 từ hạm đội 7, máy bay Mỹ sẽ đánh phá tập trung vào Đồng Hới và vùng phụ cận. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị cho Quảng Bình phải tổ chức đánh địch và phòng tránh thật tốt. Ở nội thị, ngoài lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lực lượng đảm bảo an ninh, tất cả cán bộ công nhân viên và nhân dân nội thị phải sơ tán ra khỏi thị xã trước 5 giờ sáng...

Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H
Đồng Hới hôm nay. Ảnh: T.H

Trời đã gần sáng, (11-2- N.T.T) thị xã Đồng Hới vẫn chìm trong trong biển sương mù dày đặc, không khí vẫn tĩnh mịch, Đoàn người sơ tán gồm ông già, bà lão, các cháu thiếu nhi với sự hướng dẫn của các đồng chí công an, dân phòng ra đi có trật tự. 40 cơ quan xí nghiệp và hơn 7.000 dân trong nội thị rời khỏi thị xã trước khi trời sáng tỏ... Tôi ra lệnh kéo còi báo động. Lúc đó là 13 giờ kém 5 phút...

Mặc dù chúng thay đổi chiến thuật đánh phá nhưng không tránh khỏi lưới lửa phòng không nhiều tầng nhiều lớp. Chưa đầy 10 phút, một chiếc trúng đạn rơi xuống biển... Đến phút thứ 20, một chiếc phản lực thứ hai bị bắn rơi phía tây thị xã, cuộn lên một cột khói đen lớn. Trên bầu trời xanh, một chiếc dù trắng, đỏ tách ra từ máy bay đang rơi xuống mặt đất. Chúng tôi hạ lệnh cho dân quân tự vệ vùng lân cận phải bắt sống bằng được tên phi công, sẵn sàng đánh trả máy bay địch đến cứu. Một lát sau, dân quân xã Lý Ninh, tự vệ ngói Bắc-Nam phối hợp với các đồng chí công an vũ trang, bộ đội chia nhiều mũi bao vây, tóm gọn tên thiếu tá, phi công vũ trụ Rô-bớt Su-mếch-cơ giữa lúc địch đang đánh phá ác liệt".

Sách “Lực lượng vũ trang...” đã dẫn trang 135 viết: “Như vậy là trong 3 ngày 7,8 và 11 tháng 2 năm 1965 bằng chiến công oanh liệt bắn rơi 13 máy bay gồm các loại “Thần sấm” “con ma”, quân và dân ta đã trừng trị đích đáng hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, hạ bệ thần tượng” không lực Hoa Kỳ” và rút ra kết luận: Máy bay phản lực siêu âm của Mỹ không có gì đáng sợ".

Sách “Tháng ngày chưa xa” đã dẫn viết: “Giữa lúc cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt, tôi nhận được chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp báo tối hôm đó (11-2) để thông báo tình hình chiến sự cho các nhà báo trong nước và thế giới đang có mặt tại Quảng Bình...

Đúng bảy giờ tối, cuộc họp báo được tổ chức tại trụ sở Giao tế, cạnh vườn dương bên bờ sông Nhật Lệ. Trăng mồng mười nhô lên khỏi cồn cát Bảo Ninh, đêm xuân bình yên như chưa hề có một ngày bom đạn ác liệt xảy ra trên mảnh đất này. Lúc này máy bay địch chưa đánh đêm. Các nhà văn, nhà báo, quay phim, nhiếp ảnh, nhạc sĩ, họa sĩ trong nước và nhiều phóng viên các hãng thông tấn báo chí Trung Quốc, Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Pháp, Nhật Bản và nhiều nước khác đã có mặt đông đủ...

Phòng họp lại một lần nữa nổ ran những tràng pháo tay, chúc mừng chiến thắng vang dội của Quảng Bình khi tên thiếu tá phi công vũ trụ Su-mếch-cơ được dẫn ra trước phòng họp, ánh đèn phát ra từ các máy ảnh của phóng viên chớp sáng liên hồi, soi rõ bộ mặt sợ hãi đến trắng bệch của “người hùng” không lực Hoa Kỳ".

Trên đây chính là cuộc họp báo có sự tham gia của nhà báo Cộng hòa dân chủ Đức Franz Faber. Ngay từ năm 1954, ở tuổi 38, Faber là ủy viên Ban biên tập báo Nước Đức Mới, dẫn đầu một đoàn nhà báo và điện ảnh Đức tới nước ta để viết báo, ghi hình trong hai năm. Nhà báo Faber được gặp Bác nhiều lần. Bác Hồ khuyên Faber: “Muốn hiểu văn học Việt Nam, trước hết nên đọc Kiều. Đó là tác phẩm của Nguyễn Du, nhà thơ lớn nhất của chúng tôi.

Ở tác phẩm ấy kết tinh nội dung và tài năng nghệ thuật đến cao độ hiếm thấy...”. Sau này, khi đã về Đức, Faber cùng vợ dày công nghiên cứu tiếng Việt, văn hóa Việt và đã dịch thành công Truyện Kiều sang tiếng Đức. Chính thời điểm bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Đức hoàn thành, nhà báo Faber lại được cử sang thường trú tại Việt Nam, lại được tham gia vào những sự kiện lớn lao của đất nước ta, đến Quảng Bình để đưa tin về cuộc chiến đấu đánh trả không lực và hải quân Mỹ, dự cuộc họp báo lịch sử trên đây.

Sau đó khi trở lại Hà Nội, được cùng với một số nhà báo khác đến thăm Bác Hồ và nghe Bác nói lời nhận xét có tính tiên đoán trên đây: “Với Đồng Hới, Mỹ bắt đầu thua ở Việt Nam rồi đấy!”. Chỉ có một chi tiết trong hồi ức của nhà báo Faber là chưa chính xác lắm, không phải  “Đây là lần đầu tiên máy bay Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc”, mà phải là “Đây là lần đầu tiên giặc lái bị bắt sống trên đất Quảng Bình”, chính là viên thiếu tá phi công vũ trụ Su-mếch-cơ.

Chiến thắng đầu xuân Ất Tỵ (1965) của quân dân Đồng Hới đã làm nức lòng nhân dân cả nước và có tiếng vang trên thế giới. Những ngày sau đó, Quảng Bình liên tiếp nhận thư khen ngợi, cổ vũ động viên từ khắp nơi trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, ngày 14-2-1965, Bác Hồ đã gửi thư khen quân và dân các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Vĩnh Linh “trong những ngày 7,8 và 11-2-1965 đã bắn rơi 22 máy bay Mỹ, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống tên thiếu tá phi công Mỹ...”. (Quảng Bình ơn Bác. Ban nghiên cứu lịch sử Đảng và ty Văn hóa Quảng Bình xuất bản năm 1975)

Tròn năm mươi năm đã trôi qua, từ tết Ất Tỵ đến tết Ất Mùi, Bác Hồ đã đi xa. Ở nước Đức xa xôi, nhà báo Faber, người đã theo sát đất nước ta qua hai kì trận mạc, đã giới thiệu văn hóa Việt sang phương Tây qua bản dịch Truyện Kiều, cũng đã vào cõi thiên thu. Đồng Hới bây giờ đã hồi sinh, đổi thịt thay da thành một đô thị loại hai soi mình bên bờ biển Đông. Nhắc lại một kỷ niệm của năm mươi năm trước với câu nói lịch sử của Bác Hồ, để trân trọng những ngày sống thanh bình hôm nay và nghĩa vụ giữ gìn hòa bình và hạnh phúc cho quê hương, đất nước.

Đồng Hới xuân Ất Tỵ
       Nguyễn Thế Tường