.

Nhớ những ngày Xuân "chiến dịch"

Thứ Tư, 18/02/2015, 17:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Để có Mùa Xuân đại thắng 1975, những ai từng sống trên những con đường ra mặt trận, ít nhiều cũng đã chứng kiến các mùa Xuân chiến dịch. Đó là những ngày lễ Nô-en, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, khi không quân Mỹ tạm ngừng ném bom và đặc biệt là sau khi Hiệp định Paris được ký kết.

Trên tuyến lửa Quảng Bình, nơi hội tụ nhiều nguồn hàng hóa từ Bắc vào, không khí các chiến dịch càng sôi nổi - nó như là ngày hội của toàn dân. Chỉ riêng cái việc đang phải sống chui rúc trong hầm suốt tháng này sang tháng khác, một ngọn đèn pin hay đèn dầu hỏa leo lét cũng phải che chắn mọi phía, bỗng được nhảy lên mặt đất, nhà nhà sáng đèn, được chạy ra đường reo hò, tự do đi lại mua bán, thăm viếng bà con, bạn bè... quả là đã vui như hội.

Gần nửa thế kỷ đã qua từ những ngày đó...

* Trích nhật ký ngày 25-12-1967:

Đêm 24, bắt đầu chiến dịch. Trong cơ quan vắng đi.  Một số đi chỉ đạo cơ sở, một số gác “ba-ri-e”. Ở Phòng Bảo đảm giao thông, điện các nơi gọi về tới tấp.

Buổi sáng, địch đánh một hồi khá dữ, nhưng đường không tắc. Ở phà Gianh, sau khi rà thủy lôi, một đội cảm tử 14 đồng chí đã tình nguyện cho ca nô vượt sông. Tối nay, phà đã đi mấy chuyến an toàn. Mấy ngày trước, phà Ròn vừa mới hy sinh một đồng chí lúc rà thủy lôi, sau khi đã phá được 14 quả...

* Trích nhật ký ngày 1-1-1968:

Sang Hạt Quảng Ninh từ sáng 31-12-1967. Cả ngày trời gió mùa đông bắc, không mưa, nhưng rét, mây mù nhiều, nên máy bay không hoạt động được. Đến hai cung nữ của Hạt Quảng Ninh. Ở cung chị Lữ, giữa nhà chăng đèn giấy như ngày Tết, quanh vách dán nhiều ảnh đẹp. Cái không khí Tết càng rõ ràng vì cảnh gói bánh tét. Nhưng trông thích mắt hơn cả là các cháu bé mặc áo len, áo hoa sạch sẽ, xinh xắn...

Ở cung Vĩnh Tuy, lần này khác trước nhờ có bàn tay anh Phan Xuân Thởi. Nhà trang trí đẹp, có ảnh, khẩu hiệu, quy định chỗ để bát đũa, chỗ treo áo mũ... Đặc biệt, có hai bức tranh vẽ con đường và người giữ đường của tác giả... Phan Xuân Thởi.

Buổi chiều, chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ ngừng bắn, nhưng chúng thả hai loạt tọa độ liền ở đường 15, quãng giữa  phà Long Đại và Lệ Kỳ. Đứng ở Hạt nhìn ra, đụn khói này ùn lên, tiếp đụn khác. Thật may, không có quả nào trúng đường.

Đến giờ ngừng bắn, ra ngã ba đường 15, thật đúng là cảnh chiến dịch. Xe dồn tới, rồi phân ra hai ngã - một hướng đi tiếp đường 15 qua phà Long Đại lên đường 10, 16; một hướng rẽ xuống phà Quán Hàu để vào Lệ Thủy, Vĩnh Linh. Người cũng dồn tới, đủ ngành nghề: giao thông, công an, cán bộ một số cơ quan ra chỉ huy K10, cán bộ thương nghiệp, dược phẩm ra đón nhận hàng... Và đông hơn cả, rộn ràng hơn cả là nhân dân quanh vùng gánh củi, bổi ra lấp một con đập để đưa nước vào đồng, chuẩn bị  cấy lúa. Một đoàn người còn đông hơn nữa, gợi cảm xúc thật khó tả; đó là bà con K10 từ phía trong (hình như là Quảng trị) đi ra.

Mới vào chiến dịch, nhưng hàng đã tập trung được một số khá lớn chất trên bờ. Ở một cái lạch nhỏ nối ra sông Nhật Lệ, thuyền hợp tác xã Bình Minh và Công ty đường sông xếp dãy dài, gạo đang chuyển xuống để phân đi các ngả. Ra bờ sông lộng gió, rất rét. Nhìn lên phía Long Đại, thấp thoáng những cánh buồm. Những cánh buồm căng gió trên sông không chỉ gợi cảm giác phóng khoáng, thơ thới như ngày thường mà còn toát lên khí thế tấn công hào hùng xen lẫn chút hồi hộp vì thủy lôi vẫn còn phục kích đâu đó.

Bên bờ sông, các chiến sĩ TNXP và công nhân Hạt Quảng Ninh đang chuyển đá lên bờ. Từng dãy người xếp hàng, chân đứng trong thứ nước bùm lép nhép, lại hứng gió bắc lạnh buốt. Tiếng đá ném va vào nhau côm cốp, bốc mùi khét mà lại có chút thơm thơm, khiến bầu không khí như ấm lên.

7 giờ 30 tối, phía Long Đại, chớp lửa lòe lên, rồi đạn pháo vút cao từ hai hướng, trông rõ từng viên. Có tiếng máy bay. Cùng lúc đó, phía Quán Hàu, một quả thủy lôi nổ giữa sông, ba mảnh văng đứng, đỏ lừ như 3 viên đạn. Dù vậy, trên đường xuống phà Long Đại, xe vẫn nối nhau, đèn sáng từng dãy, có lúc chiếu ngược lên sáng cả vùng trời...

Cầu, phà Long Đại-Toạ độ lửa trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại  Ảnh: TƯ LIỆU
Cầu, phà Long Đại-Toạ độ lửa trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Ảnh: Tư liệu

Thành quả của những ngày chiến dịch cuối năm 1967, đầu năm 1968 ấy đã góp phần bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch đại quy mô của cả nước: Cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1968, một đòn quyết định buộc Mỹ phải thực sự ngồi vào đàm phán. Chuyện này ai cũng biết, nhưng bạn đọc hôm nay có lẽ ít người biết cảnh những chiến sĩ GTVT Quảng Bình trước giờ “G” Tết Mậu Thân bi tráng đó.

*Trích nhật ký ngày 30-1-1968: Mồng 2 Tết Mậu Thân.

Lại thêm một cái Tết xa nhà, một cái Tết kháng chiến. Cũng nhiều Tết xa nhà rồi nhưng Tết năm nay ít hương vị Tết hơn cả. Có lẽ vì những quả bom phá nát quanh vùng và cướp mất 2 cô gái trong Văn phòng Ty. Cũng có thể vì khung cảnh anh em trong phòng về Tết, đi chiến dịch, về thăm con trước khi đi K8 nên nhà vắng hẳn. Phần nữa vì trong phòng không có bàn tay phụ nữ giúp chuyện ăn uống. Và cuối cùng vì vật chất quá nghèo nàn: ngày Tết mà chỉ có rau cải với nước mắm!

Đêm cuối năm, ở trong hầm, anh em đã ngủ cả, chỉ riêng mình thức đợi giao thừa bằng cách viết một bài báo. Gần giao thừa, gọi anh em dậy nghe đài, nghe pháo nổ, nghe Bác Hồ chúc Tết. Bên ngoài, từ các trận địa, đủ các cỡ súng bắn lên chào năm mới .

Tết đến rồi, nhưng chiến dịch còn một ngày nữa mới đến, nên cứ mang một tâm trạng thấp thỏm chờ đợi. Gặp anh Mận, lúc nào cũng thấy anh tính thời gian địch còn hoạt động trước giờ ngừng bắn. Cũng có những tin không vui: Ca nô Quán Hàu bị thủy lôi hư, chết một đồng chí. Thuyền nhân dân xã Đức Trạch tham gia làm cầu-ngầm Lý Hòa cũng bị thủy lôi chết 4 người... Nhưng nói chung là đường thông suốt.

Ở những gia đình có con đi K8 bận rộn suốt ngày và cũng nhiều người khóc suốt ngày. Chị Phùng (nhân viên đánh máy) cho đứa con đầu đi, khóc sưng cả mắt. Chiều ra đi, con đi trước mặc áo len xanh mới đan, một cô tài vụ đi “hộ tống”, mẹ đi sau, tay luôn đưa khăn chùi nước mắt. Cháu Hoa còn nhỏ nhưng rất khôn, thấy mẹ khóc, nó khóc to lên và nói: “Mạ khóc là con không đi nữa. Con về đây!” Nó nói nhiều lần mẹ lại khóc to hơn; nó quay về thật, chân dẫm, day bừa lên cả luống sắn mới trồng.

Đêm qua, nghe tiếng thơ có bài “Những chuyến ra đi” kể đủ cả, nhưng còn thiếu chuyến ra đi K8 đặc biệt chỉ có ở đây, vào năm 67-68 này. Anh Châu (Phó Ty) cho 2 đứa con đi. Chị Châu đã nghỉ mấy ngày lo soạn sửa cho con. Chị cũng khóc sưng cả mắt nhưng vẫn bảo chị Phùng: “Nín đi cho con đi vui vẻ!” Kể cũng thật là đặc biệt, những người mẹ tiễn con đến chỗ an toàn lại khóc nhiều hơn khi tiễn con ra mặt trận!

Gần đến giờ ngừng bắn, các cháu đi K8 đã lục tục kéo đến. Điện thoại nhiều nơi gọi về Phòng Bảo đảm giao thông. Trời nắng ráo, đường thông, thật đáng phấn khởi. Còn nửa tiếng nữa thì đến giờ G, 2 phản lực đánh vùng Bố Trạch chút ít gọi là, rồi bỏ đi. Chờ chúng nó đánh ác liệt sát giờ G, nhưng không thấy chúng đánh, cũng lạ. Đúng 5 giờ, ta triển khai. Ngoài đường, tiếng còi xe inh ỏi, nhìn sang Cộn người tập trung đông. Phía đường 15, xe cuốn bụi hồng suốt một quãng dài. Gần 6 giờ, 2 chiếc “Con Ma” lượn mấy vòng rồi đánh vùng Xuân Sơn. Những cuộn khói xám xanh cuộn lên rất lâu tan, rồi những loạt rốc két để lại dấu vết trên bầu trời buổi chiều khá đẹp những vệt khói xám ngoằn ngoèo...

Lúc đó là 6 giờ chiều, nghe đài Hoa Kỳ tuyên bố là không ngừng bắn nữa, liền chạy sang nói với anh Châu, anh Mận (Trưởng Ty). Anh Mận nghe, mặt thất sắc, kêu lên: “Chết! Nguy rồi!” và bảo Lệ gọi Ủy ban tỉnh gấp. Xin bưu điện, bưu điện nói bận, nhưng nghe nói gặp “Thường vụ”, bên bưu điện đành phải cắt mọi cuộc gọi, ưu tiên cho giao thông.

Lúc này thì rõ ràng rồi. Chúng kéo tới đánh ồ ạt. Phía Long Đại, Quán Hàu, từng chùm pháo dày đặc vút lên liền mấy nhịp. Một cái gì như một chiếc máy bay cháy rơi thẳng đứng. Trời chưa tối hẳn, phía ngoài chúng đã rải pháo sáng, rồi phóng rốc két lung tung. Tiếng máy bay rít qua đầu, tiếng đạn bom địch nổ, tiếng pháo cao xạ lục bục trên trời; và dưới mặt đất thì nhốn nháo cả lên. (Ở những chỗ K8 tập trung thì còn nhốn nháo biết chừng nào!).

Anh Châu phải đích thân đi gọi các cháu trong cơ quan về. Chúng vẫn tiếp tục đánh... Nếu sáng mai nó mới tuyên bố đánh thì ta nguy to vì trên khắp các nẻo đường, chiến dịch đã triển khai rầm rộ, giữa ban ngày hàng nghìn các cháu K8 và vô số phương tiện vận tải không biết sẽ trốn tránh vào đâu...

Tưởng được một đêm tự do, thế là lại chui xuống hầm nằm nghe vở dân ca khu 5 “Rừng xà nu” ngủ quên lúc nào không biết.

Sáng, sang hầm Bảo đảm giao thông nghe tình hình các đơn vị. Anh Nguyễn Đình Chí đang cầm máy gọi khắp nơi, cứ “A lô! 42 đâu?” liên tục. Bên kia, anh Mận cũng cắm phích cùng nghe. Nó đánh đột ngột nhưng ta thiệt hại không đáng kể, chỉ 5 chiếc ô tô bị cháy. Tiếc là bao nhiêu công phu chuẩn bị thế là công toi. Cầu phao Ròn vừa lắp xong, lại ra lệnh tháo gấp. Cầu-ngầm Lý Hòa đổ bao công sức, xương máu vừa làm xong, lại thôi thúc tìm cách tháo sớm...

Thế là bây giờ không còn gì chờ đợi nữa chỉ mong đến ngày ngừng bắn vĩnh viễn thôi. Trong ngày, gặp ai cũng tỏ ra uất ức và tiếc. Chập tối, nghe tin miền Nam đánh dồn dập khắp nơi...

Chiến dịch nối chiến dịch... Ngừng bắn, rồi lại ném bom để rồi phải vĩnh viễn ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, sau trận “Điện Biên Phủ trên không” Hà Nội, tháng 12-1972. Còn hơn hai năm nữa, đất nước mới được thống nhất; nhưng từ mùa xuân này, Quảng Bình quê ta đã được sống trong hòa bình. Tôi cưới vợ giữa những ngày vui này của đất nước.

Sau tròn 10 năm vào sống và chiến đấu trên vùng đất lửa, hết lên rừng, lại xuống biển, tôi mới gặp được “nửa cuộc đời” mình! Chẳng phải có “tiêu chuẩn” gì cao xa đâu, chỉ là cái... duyên thôi! Hẳn cũng là cái duyên, nhưng là duyên với... Trường Sơn, nên trong đám cưới của tôi, “món” sang nhất, “ngon” nhất là những... bài ca của các chiến sĩ Đoàn Văn công Trường Sơn, lúc đó đang đóng quân ngay trong làng quê vợ tôi - làng Trung Quán (xã Duy Ninh) bên sông Long Đại! Còn nữa, chỉ là vài tút thuốc lá Tam Đảo, mấy gói kẹo như mọi đám cưới thời đó.

Hơn 40 năm đã qua, từ ngày đó! Chàng trai 34 tuổi, nay đã là một ông già 75. Lần mở chục cuốn nhật ký cũ, tưởng thấy lại những gương mặt từng chia ngọt sẻ bùi, từng trải những đêm thức trắng bên móng trụ cầu trên sông, từng phải cắn răng ngăn nước mắt rơi khi chôn lấp đồng đội trên những trọng điểm... dù đã viết cả ngàn trang sách, vẫn cảm thấy còn mang nợ với cuộc đời nhiều lắm, nhất là với những anh chị em đã  ngã xuống trên các nẻo đường đất nước, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn của chúng ta hôm nay...

Nguyễn Khắc Phê