.
Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2015):

Người con của Đảng và bức huyết thư

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Quách Xuân Kỳ sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch. Cha là cụ Quách Nguyên Hàm, một danh y nổi tiếng trong vùng, lấy việc trị bệnh cứu người làm nguồn vui sống.

Quách Xuân Kỳ là người con thứ 5 trong gia đình, tham gia hoạt động Việt Minh ngay từ lúc còn trẻ, là người ham mê văn chương, thuộc lòng khá nhiều bài thơ của Phan Bội Châu và thơ Tố Hữu. Quách Xuân Kỳ là người rất thông minh, cương trực, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và cương quyết dấn thân vào con đường cách mạng khi đang ở vào tuổi  thanh xuân.

Năm 1944 anh tham gia hoạt động trong Mặt trận Việt Minh của huyện. Khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 bùng nổ, anh tham gia vào Ủy ban khởi nghĩa huyện Bố Trạch, trở thành một trong những hạt nhân lãnh đạo của chính quyền mới ở quê hương sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Năm 1947, thực dân Pháp đánh chiếm Quảng Bình, Quách Xuân Kỳ được bầu làm Huyện ủy viên và đến năm 1948, anh được bầu vào Ban Thường vụ và làm Bí thư Huyện ủy Bố Trạch. Với trách nhiệm lãnh đạo huyện kháng chiến, anh đã cùng với Đảng bộ huyện xây dựng lực lượng, anh dũng chiến đấu giáng cho địch những đòn chí tử. Bố Trạch trở thành huyện lừng danh trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với làng chiến đấu anh dũng, kiên cường, Cự Nẫm.

Đầu năm 1949, anh Quách Xuân Kỳ được bầu làm Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Đồng Hới. Trong hoàn cảnh hết sức gay go, anh đã cùng cán bộ, đảng viên dũng cảm, tận tụy, lặn lội về cơ sở củng cố lực lượng, xây dựng phong trào.

Giữa năm 1949, anh bị giặc bắt, chúng đưa vào nhà lao Đồng Hới và tra trấn dã man, hành hạ suốt hai tháng trời. Bao nhiêu cực hình, bao nhiêu thủ đoạn, giặc Pháp đều sử dụng, hòng lung lạc ý chí sắt đá của người đảng viên cộng sản, nhưng đều thất bại, thậm chí chúng còn dụ dỗ, mua chuộc, song tất cả những âm mưu của giặc Pháp và tay sai đều thất bại trước khí phách kiên cường của anh. Trong nhà tù, anh liên hệ, xin ý kiến Tỉnh ủy thành lập chi bộ Đảng nhà lao, được Tỉnh ủy đồng ý. Chi bộ nhà lao thành lập và anh được bầu làm bí thư. Trong nhà tù, anh học thêm văn hóa, chính trị, kể cả tiếng Pháp.

Biết anh là cán bộ của Đảng, nên kẻ địch càng dùng mọi cực hình man rợ nhất để tra tấn, bắt ép cung khai, nhưng chúng không làm nao núng, lung lay tinh thần gang thép của người cộng sản kiên trung. Một ngày đầu tháng 7 năm 1949, một bức huyết thư từ xà lim Đồng Hới, chữ viết bằng máu đỏ tươi roi rói gửi về chiến khu với lời chào quyết thắng.

Trong thư, nổi bật những lời, những câu tâm huyết... "Bị tra tấn nhiều rồi, giờ còn đợi thứ tra tấn cuối cùng: Chết. Đến phút cuối cùng vẫn học, vẫn chiến đấu, Kỳ đã học thêm tiếng Pháp, nghiền nhiều vấn đề chính trị, các tôn giáo, vẫn tìm cách tiến tới lãnh đạo nhà lao... Thôi mệt quá , phải dùng nhiều máu quá rồi. H. nói với các anh ở tỉnh và T, cùng các anh chị, Kỳ có lời chào quyết chiến" (H là đồng chí Phan Khắc Hy, T là đồng chí Đặng Gia Tất, những cán bộ cách mạng cùng thời với đồng chí Quách Xuân Kỳ tại Quảng Bình)

Bức huyết thư của đồng chí Quách Xuân Kỳ, người cán bộ thanh niên cứu quốc, người đảng viên ưu tú của Đảng, người cán bộ trung kiên quả cảm vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn chúng ta. Đúng như Quách Xuân Kỳ biết trước, bọn giặc dùng ngón tra tấn dã man cuối cùng, đem anh ra xử bắn tại Hoàn Lão ngày 11-7-1949. Trước nòng súng của quân thù, anh vẫn hiên ngang hát bài Quốc tế ca và hô to khẩu hiệu:   

Việt Nam độc lập muôn năm!
Hồ Chủ tịch muôn năm!
Đả đảo thực dân Pháp!

Quách Xuân Kỳ đã ngã xuống như tiếp thêm ngọn lửa căm thù quân cướp nước rực cháy trong đất trời quê mẹ. Tiếng anh hô vang rền sông núi thân yêu như tiếng kèn xung trận. Anh hy sinh ở độ tuổi 23 thanh xuân rực lửa anh hùng, cái chết trẻ của anh đã trở thành bất tử trong lòng người dân Quảng Bình và cả nước. Cảm phục sự hy sinh cao cả vì nghĩa lớn của người con trung hiếu, mấy hôm sau, Tỉnh ủy Quảng Bình đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu anh ở chiến khu, có đông đảo anh em đồng chí đến dự. Ai cũng thương tiếc và nguyện chiến đấu để trả thù cho anh.

Tên tuổi anh - người liệt sỹ anh hùng đời đời ghi đậm dấu ấn trang sử vàng của Đảng bộ Đồng Hới trong kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ gian khổ, vinh quang...

Đặng Thị Kim Liên