.

Hương đất Thổ Ngọa

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Thổ Ngọa-vùng đất có bề dày về truyền thống lịch sử văn hóa, là một trong tứ danh hương “Sơn, Hà, Cảnh, Thổ” của phủ Quảng Trạch xưa. Nơi đây còn là xứ sở của những câu dân ca, nghề truyền thống làm nón lá và đời sống văn hóa văn nghệ dân gian hết sức phong phú... Tất cả vẫn được người dân của làng gìn giữ qua thời gian để rồi tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Mỗi độ Tết đến, Xuân về, người Thổ Ngọa vui như trẩy hội và cũng là dịp mà tất cả những nét văn hóa đặc sắc của làng được thể hiện rõ nét nhất.

Thổ Ngọa là một trong hai địa danh (Thổ Ngọa và Thuận Bài) của phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn) từ lâu được xem là cái nôi về văn hóa dân gian của phường. Người Thổ Ngọa từ xa xưa đã sử dụng các loại hát ru, hò khoan, hát ví...trong lao động, phần lớn là làm nón. Ngày nay, nhiều người dân, nhất là người cao tuổi trong làng thuộc rất nhiều làn điệu dân ca vốn đã tồn tại hàng trăm năm, gắn với với thuở khai sinh lập làng.

Trong các lễ hội làng, mỗi dịp đón năm mới hay các buổi biễu diễn văn nghệ quần chúng, các hạt nhân văn nghệ của làng chủ yếu thuộc hội phụ nữ, hội người cao tuổi thường sử dụng các thể hát xưa. Nội dung của các lời hát thường rất mộc mạc, chủ yếu diễn tả đời sống lao động, sinh hoạt thường ngày của người dân.

Sản phẩm từ các làng nghề truyền thống ở chợ Họa.
Sản phẩm từ các làng nghề truyền thống ở chợ Họa.

Ví dụ như những câu hát gần giống điệu phường vải sau đây còn được gọi là hát phường nón rất phổ biến ở Thổ Ngọa: “Nam: ơi nữa ai ơi rồi, trước tôi đưa lời chào ôông chào mệ trong nhà, sau tôi chào bạn phường nam nữ toàn gia, cho anh em tôi đàn ca, xướng hát giao hòa cho vui. Nữ: ơ nữa ai ơi rồi, đưa lời chào khách đường xa. Chào người quân tử đổ bảng khoa mới về... Trên các làn điệu cũ, người Thổ Ngọa còn sáng tác lời mới cho phù hợp với từng chủ đề như mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, ca ngợi quê hương, cảnh đẹp của làng quê.

Nói đến văn hóa làng Thổ Ngọa, không thể không nhắc đến chợ Họa (có thể do người xưa đọc chệch chữ Ngọa sang chữ Họa). Chợ Họa nằm bên một nhánh của dòng sông Gianh mà người trong làng thường gọi là “rào”, bày bán đủ các mặt hàng, đặc biệt là các sản phẩm mang thương hiệu của chính quê mình, của phường và các địa phương lân cận như nón lá, mắm ruốc, thúng, mủng, nong, nia, rổ, rá, bánh đa... cùng rất nhiều hải sản đánh bắt từ sông quê. Đây cũng là nơi hội tụ khá rõ nét về văn hóa ẩm thực của người dân quê.

Ấn tượng nhất ở chợ Họa là chợ nón và chợ hải sản. Chợ nón trước đây thường bắt đầu từ rất sớm, khi trời chưa kịp sáng và người mua phải sử dụng đèn pin để kiểm tra hàng. Góc chợ nón lúc nào cũng nhộn nhịp, người mua, người bán đều là người làng nên gặp nhau là chào hỏi đủ thứ chuyện. Chợ nón nổi bật giữa một không gian lấp lánh ánh đèn, nhấp nhô từng chồng nón trắng bên cạnh những gian hàng bán nguyên liệu làm nón như lá nón, vành nón, cước, kim...

Và khi chợ nón kết thúc cũng là lúc trời vừa hửng sáng. Có người cho rằng, sở dĩ chợ nón diễn ra vào thời điểm sớm như vậy là do ngày xưa, người làng sống chủ yếu dựa vào nghề nón, bán được nón mới có tiền mua sắm những thứ khác. Theo thời gian chợ nón ngày nay không còn diễn ra vào lúc tờ mờ sáng như trước mà thay vào đó là thời điểm chừng 9-10h và lúc nào cũng tấp nập đông vui. Từ nghề nón, với đặc trưng là có thể vừa làm việc vừa ru con hay giao lưu chuyện trò giữa nhiều người nên các loại hình văn hóa truyền thống của xã như hát ru, hát ví... được gìn giữ, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt hơn.

Hải sản ở chợ Họa khá phong phú với những loại cá, tôm được đánh bắt từ sông. Mỗi sáng sớm các chủ thuyền, chủ yếu cũng là người dân của làng làm nghề chài lưới thường cập bến bên góc chợ với những rổ cá, tôm tươi roi rói được đưa lên bờ để phục vụ bà con. Chợ Họa còn là nơi bày bán đủ các loại bánh, cháo được xem là “đặc sản” của làng như bánh chì, bánh xèo, bánh cuốn, bánh ít, bánh gai, cháo canh...

Ngày Tết cổ truyền hay trong các dịp cúng, giỗ, người Thổ Ngọa thường bày mâm cỗ 5 tầng. Để có được mâm cỗ này, người dân trong làng thường mua sắm mâm đồng và các loại bát, dĩa với các kích cỡ khác nhau để tiện bề bày biện. Và ngoài các món ăn thông dụng như canh, giò, chả, cá rán, thịt kho... thì người làng Ngọa không thể thiếu những món ăn mang hương vị riêng của làng như cá chuối (được làm từ quả chuối sứ), xôi vò, bánh chì... Ngày nay, việc bày mâm cỗ theo 5 tầng không còn phổ biến như trước song những món ăn quen thuộc vẫn được người dân sử dụng như một nét văn hóa riêng của làng.

Mùa xuân được xem là mùa trẩy hội của người dân Thổ Ngọa với việc chuẩn bị các đội văn nghệ, thể thao phục vụ bà con và tham gia thi thố với các địa phương khác trong phường. Ngoài các bộ môn thể thao phổ biến như bóng đá, bóng chuyền, phường và các địa phương còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như kéo co, đánh vật, đánh đu, cờ tướng... thu hút rất đông người dân tham gia.

Hằng năm, Thổ Ngọa còn tổ chức trọng thể lễ hội làng 10-3 với nhiều nghi lễ trang trọng cùng các loại hình văn hóa gian gian phong phú. Điều đáng mừng là hoạt động văn hóa thể thao ở Thổ Ngọa và phường Quảng Thuận đều bắt nguồn từ nhu cầu của người dân nên các đội tuyển không phải đầu tư nhiều về tiền bạc (thuê người dàn dựng, huấn luyện viên...) như nhiều địa phương khác mà chủ yếu là “cây nhà lá vườn” trên tinh thần giao lưu học hỏi và cứ thế được duy trì từ năm này qua năm khác nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương.            

Nhật Văn