.

Gặp nữ Trung đội phó hai lần bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ Năm, 19/02/2015, 19:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào một ngày nắng đẹp, khi đất trời đang chuyển mình sang xuân, chúng tôi về thăm lại thôn Lộc Long, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh. Trải qua một thời bom rơi, đạn nổ ác liệt, thôn Lộc Long hôm nay đã “thay da đổi thịt”, vươn lên phát triển giàu đẹp. Để có được điều đó, biết bao công sức, nước mắt lẫn máu của thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh quên mình chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương. Trung đội gái trực 12 ly 7 ngày ấy cũng là một trong số đó, nổi bật có  bà Nguyễn Thị Sen, Trung đội phó, người đã giành chiến công oanh liệt với hai lần chỉ huy bắn rơi máy bay Mỹ.

 

Bà Nguyễn Thị Sen, người hai lần trực tiếp chỉ huy bắn rơi máy bay Mỹ.
Bà Nguyễn Thị Sen, người hai lần trực tiếp chỉ huy bắn rơi máy bay Mỹ.

Chiến công lịch sử

Theo chân cán bộ văn hóa xã Xuân Ninh, chúng tôi tìm đến nhà bà Sen. Đó là căn nhà nhỏ nằm nép mình khiêm tốn bên những cánh đồng lúa bát ngát của thôn Lộc Long. Dẫu tuổi đã gần 70 nhưng bà Sen khá trẻ và rất nhanh nhẹn. Khi được hỏi về một thời quá khứ hào hùng của mình, ánh mắt bà như sáng lên với vẻ mặt đầy tự hào.

Năm 1966 bà Sen lập gia đình với ông Nguyễn Quang The. Lấy nhau chưa được bao lâu thì chồng lên đường nhập ngũ vào chiến trường B. Xã Xuân Ninh ngày ấy nằm sát đường 15, gần bến phà Long Đại, nơi địch đánh phá rất ác liệt. Máy bay địch đã chà đi xát lại hàng ngàn lần trên đất Xuân Ninh, giết chết bao nhiêu bà mẹ, trẻ em, đốt cháy hàng ngàn mái nhà.

Căm thù giặc Mỹ cao độ, chị em trong xã họp nhau lại làm đơn tình nguyện xin nhận súng để trực tiếp bắn máy bay địch. Được sự nhất trí của Đảng ủy xã và Huyện đội, các chị em đã nhận 3 khẩu 12 ly 7. Vào ngày 25-12-1967, Trung đội gái trực 12 ly 7 được thành lập gồm 14 người, lớn nhất 24 tuổi, bé nhất 18 tuổi; đa phần đều có chồng đi bộ đội. Bà Sen lúc đó được cử làm Trung đội phó.

Bên ấm chè xanh cuối ngày còn đặc quánh, bà Sen rót mời chúng tôi rồi kể tiếp: Trong những ngày đầu, Trung đội gặp khá nhiều khó khăn do chưa quen với súng đạn. Trước tình hình đó, đơn vị 37C-12.D10, đóng quân tại bến phà Long Đại đã cử người về huấn luyện cho chị em. Sau 3 tháng tập luyện tích cực, Trung đội đã bắn rơi máy bay giả, lấy được lòng tin của xã nhà.

Vào những năm 1967-1968, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ càng trở nên ác liệt. Các trọng điểm của tỉnh bị dội bom điên cuồng suốt ngày đêm. Bà Sen và các đồng chí trong Trung đội gần như không có thời gian để ăn cơm. Nhiều khi, các mẹ, các chị đội bom ra trận địa tiếp tế, cơm đến tay thì đã phủ một lớp đất cát. Căm phẫn, chị em càng quyết tâm chiến đấu.

Tháng 4 năm 1968, bà Sen cùng Trung đội đã lập được chiến công đầu tiên khi bắn rơi chiếc máy bay F4H của Mỹ cách trận địa 4km và bắt được một giặc lái. “Hôm đó là ngày máy bay Mỹ càn quét ác liệt trên bầu trời Xuân Ninh, chúng ném bom xối xả vào những mái nhà, người dân vô tội. Quyết không để chúng tiếp tục hoành hành, tôi cùng Trung đội trưởng là chị Nguyễn Thị Tịch đã chỉ huy Trung đội quyết bắn rơi máy bay. Sau mấy lần bắn, chúng tôi đã hạ được chiếc F4H của địch. Lúc đấy, chị em vui mừng lắm” - Bà Sen tự hào kể.

Thành tích đó như một luồng sinh khí, động lực to lớn thúc giục chị em trong Trung đội không quản gian khó, tiếp tục hăng say chiến đấu lập chiến công. Đúng mười bảy ngày sau, Trung đội gái trực 12 ly 7 lại bắn cháy một chiếc máy bay F4H của giặc Mỹ tại bắc bến phà Long Đại do bà Sen trực tiếp chỉ huy.

Trước những chiến công rạng ngời, tháng 9 năm 1968, khi tỉnh ta tổ chức mừng chiến công bắn rơi chiếc máy bay thứ 500 tại Ba Rền (nay thuộc thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch), bà Sen đã vinh dự thay mặt Trung đội gái trực 12 ly 7 đi báo công. Tại đây, bà đã được nhận 1 lá cờ luân lưu của Bác Hồ, 2 chiếc đài Orionton của quân khu và tỉnh tặng.

Bà Nguyễn Thị Tịch, Trung đội trưởng Trung đội gái trực 12 ly 7 (thôn Lộc Long) cho biết: “Chị Sen vốn có dáng người gầy, nhỏ nhất Trung đội nhưng lại rất nhanh nhẹn, thông minh và có tinh thần mạnh mẽ. Với quyết tâm diệt giặc Mỹ sâu sắc trong lòng, có lúc chị đã vác cả chân súng nặng 62kg, nặng hơn trọng lượng cơ thể đến 20kg”.

Niềm vui ngày gặp Bác Hồ

Sau khi báo công ở tỉnh, bà Sen được ra Nam Đàn (Nghệ An) để tham dự Đại hội tổng kết 4 năm chiến tranh trên mặt trận Việt-Miên-Lào. Vinh dự hơn, vào tháng 5 năm 1969, bà Sen được chọn ra Hà Nội báo cáo thành tích với Bác Hồ. Bà Sen chia sẻ: “Gần nữa thế kỉ đã trôi qua nhưng tôi không thể nào quên lần may mắn được vào Phủ Chủ tịch gặp Bác ngày 15- 5-1969.

Dẫu tuổi đã cao nhưng ngày ngày bà Sen vẫn trồng rau, hái quả tăng thu nhập cho gia đình.
Dẫu tuổi đã cao nhưng ngày ngày bà Sen vẫn trồng rau, hái quả tăng thu nhập cho gia đình.

Đó là lần tôi cùng 21 anh chị em khác đại diện cho Mặt trận Việt-Miên-Lào ra báo công với Bác”. Bà Sen kể, lúc lên xe vào Phủ Chủ tịch, bà và mọi người trong đoàn vẫn không biết việc mình sẽ được gặp Bác, chỉ khi ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác thông báo cả đoàn mới bất ngờ vỡ òa hạnh phúc.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp dìu Bác đến gặp đoàn, sức khỏe của Bác có vẻ không được tốt nhưng Bác vẫn gắng tiếp mọi người. 9 chị em phụ nữ đại diện cho đoàn tặng hoa cho Bác nhưng Bác chỉ nhận một bó đại diện của người trẻ nhất, đó là Nguyễn Thị Sen. Bà Sen nhớ lại: “Lúc đó tôi thực sự rất hạnh phúc vì vinh dự là người duy nhất được Bác nhận hoa. Và tôi càng hạnh phúc hơn khi Bác nhìn 9 chị em và nói: “Quân khu 4 hiện nay việc trọng nam khinh nữ không còn nữa”. Tôi hiểu sau câu nói đó là cả một sự quan tâm sâu sắc của Bác đến chị em phụ nữ chúng tôi”.

Trong buổi gặp mặt, Bác đã tiếp chuối, kẹo và ân cần hỏi thăm sức khỏe, công việc từng người, thỉnh thoảng Bác lại nhắc: “Kẹo và chuối Bác tiếp cho các cháu, các cháu ăn đi”. Những lời hỏi thăm chân tình, cặn kẽ của Bác, với ánh mắt hiền, nụ cười đôn hậu của Người khiến cho không khí buổi gặp mặt thêm phần gần gũi, ấm cúng, thấm đượm tình Bác cháu.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của các thành viên trong đoàn, Bác đã trao huy hiệu hình Bác cho mọi người. Bà Sen xúc động kể lại: “Khi cài huy hiệu đến lượt tôi, Bác hỏi: Răng người nhỏ mà chí lớn rứa? Tôi đã nói với Bác rằng: Vì căm thù giặc nên cháu mới làm được thế ạ. Lúc đó tôi thật sự rất vui và hạnh phúc. Tôi muốn làm được nhiều hơn thế nữa để xứng đáng với tấm lòng của Bác”.

Bà Sen còn kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm ấn tượng khi đi tham quan Phủ Chủ tịch, được cầm tay Bác... Và bà ấn tượng nhất với câu nói của Bác khi chia tay: “Kẹo, chuối Bác tiếp cho các cháu, các cháu ăn đi. Nhớ ăn không hết thì chia nhau mang về nhà mà ăn. Nhớ chia kẹo, chia chuối chứ nước đừng chia”.

Giờ đây, Bác Hồ đã đi xa nhưng những kỷ niệm về Bác với những lời căn dặn sâu sắc, ý nghĩa của Người vẫn còn in sâu trong tâm thức của bà Sen. Nhớ lời Bác, bà Sen đã luôn phấn đấu hết sức mình để góp phần cùng đồng bào, dân tộc gìn giữ nước nhà được độc lập, phồn vinh, hạnh phúc như ngày hôm nay. Bản thân bà, sau khi hết chiến tranh, trở về với cuộc sống đời thường, được đoàn tụ với chồng, sinh con, lao động sản xuất bằng việc trồng cây gây rừng, làm ruộng, vườn...

Giờ đây, các con đã trưởng thành, có công việc, gia đình ổn định. Còn lại đôi vợ chồng già trong căn nhà nhỏ, ông bà vẫn tiếp tục lao động sản xuất, phát triển kinh tế, luôn là những thành viên gương mẫu, tích cực trong lối sống, hoạt động phong trào của địa phương...

Lê Mai