.

Danh thần Đặng Đại Độ

Thứ Ba, 17/02/2015, 23:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Cho đến nay, ngay hậu duệ trong gia tộc họ Đặng Đại ở thôn Quảng Cư, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy vẫn còn nhiều người chưa biết rõ về tiền nhân của mình: Lãnh Đức hầu Đặng Đại Độ! (Dù mộ phần của ông vẫn được con cháu chăm lo hương khói đều đặn tại quê nhà). Nhân ngày Tết, qua tìm hiểu các nguồn tư liệu, và cả sự giúp đỡ của hậu duệ ông, xin được giới thiệu một số nét cơ bản về dòng dõi và hành trạng để chúng ta biết thêm một nhân vật lịch sử mà hậu thế cần tôn vinh và học tập.

Sách Đại Nam liệt truyện; tập 1- tiền biên (Quốc sử quán triều Nguyễn) chép về Đặng Đại Độ như sau: Người huyện Phong Đăng, thuộc Quảng Bình, cha là Đại Lược, vì có văn học được bổ vào viện Văn chức... Năm 1746 thăng Cai bạ doanh Quảng Nam. Đại Lược làm quan thanh liêm. Đặng Đại Độ nhờ học giỏi, đỗ khoa thi Hương, được bổ văn chức làm quan cùng triều với cha.

Cha con đồng triều đã là chuyện hiếm, nhưng đức tính thanh liêm, ngay thẳng của hai cha con nhà Đặng Đại được ca ngợi mà sách Đại Nam Địa dư chí chép lại rằng: “Họ Đặng Đại giữ mình trong sạch/ Cha con cùng triều nức tiếng thơm”. Vậy gia tộc Đặng Đại như thế nào?

Theo gia phả họ Đặng Đại ở Quảng Cư, ông tổ là Đặng (Quý Công), giữ chức Chưởng phủ thị vệ quân lãnh, tước Liễu Đại hầu dưới thời vua Lê Thánh Tông. Năm 1470, trên đường cùng vua Lê Thánh Tông kinh lý phương Nam đã dừng lại ở vùng đất Quảng Cư nơi có tượng Phật mọc đã ở lại lập làng định cư.

Các con trai của ông đều làm quan. Đặng Đại Lược gọi Đặng Quý Công là cố. Theo gia phả, Đặng Đại Lược có 8 con trai thì có 7 người làm quan dưới thời Chúa Nguyễn với các chức từ tri huyện trở lên và được phong tước thấp nhất là Nam, trong đó có 4 vị tước Hầu. (Tước vị theo thứ tự: Công, Hầu, Bá, Tử, Nam). Theo gia phả, Đặng Đại Lược sinh năm 1690, mất năm 1764. Đặng Đại Độ sinh năm 1728 là con trai thứ 5, mất năm 1765 khi mới 37 tuổi.

Trong quá trình tìm hiểu gia phả, chúng tôi phát hiện một chi tiết thú vị: Nhân vật Nhân Hòa hầu Đặng Đại Tài, người có công mở cõi phương Nam trong đoàn quân của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chính là em trai út của trong 3 anh em trai của Đặng Đại Lược. Như vậy, Đặng Đại Độ sinh ra trong một gia đình có truyền thống học hành và quan lại... Ông thi đỗ khoa Hương Tiến (cử nhân), học vị cao nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ, và được bổ vào Văn Chức viện (sau đổi thành Hàn Lâm viện). Đến năm 1748, ông được thăng chức Ký lục dinh Bình Khang khi vừa tròn 20 tuổi.

Xuất thân là văn quan, nhưng Đặng Đại Độ có tài cầm quân. Năm 1761, khi 33 tuổi, ở phía tây tỉnh Quảng Ngãi có nạn Man Thạc Bích xâm lấn, nổi dậy chống lại triều đình. Bằng sự mưu lược và quả cảm, đội quân thiện chiến Thạch Bích chuyên đánh tập kích bất ngờ, lại dựa vào thế núi rừng hiểm trở, cheo leo để ẩn mình, trong lúc quan quân triều đình chưa quen chướng khí để tác oai, tác quái, đã bị đánh bại bởi tài thao lược của vị quan văn Đặng Đại Độ, miền biên cảnh được giữ yên.

Lúc ông làm Ký lục Trấn Biên, đã thực hiện một nếp cai trị vì dân, mọi hành động sách nhiễu dân, ức hiếp dân đều bị ông trừng trị. Trong rất nhiều chuyện kể về ông quan thanh liêm, chính trực này, có một chuyện nổi tiếng được chính sử nhà Nguyễn chép lại. Lúc bấy giờ, chúa Nguyễn Phúc Khoát sai 2 viên cai đội thân tín đi tìm những người con gái đẹp có tài ca hát để mua vui lúc rảnh rỗi. Có lệnh Chúa trong tay, hai viên cai đội rất hống hách, làm nhiều điều trái phép nhưng không ai dám nói gì cả. Khi đến Trấn Biên, quen thói làm càn, Đặng Đại Độ cho bắt cả hai tên đem về xét xử, kết tội chết.

Xong việc, Đặng Đại Độ bỏ nhiệm sở, mình mặc áo đơn, cổ đeo gông ngắn, đi bộ từ Trấn Biên ra thẳng Phú Xuân để xin nhận tội. Có người cháu ruột đi cùng với ông (có tài liệu nói là người con, có người nói là lão bộc, người đã tình nguyện phục vụ khi ông xử án trả lại sự công bằng cho con gái ông bị chết oan và trừng trị kể tội đồ) đề nghị ông thuê người cáng, ông đáp lại rằng: Làm gì kẻ tội nhân mà mong được nhàn hạ! Sau hơn một tháng mới tới được kinh thành, ông đến Bộ Hình trình bày mọi việc rồi xin vào ngục đợi tội theo phán xét. Bộ Hình tâu sự việc lên, xem xét xong, Chúa cho vời vào.

Thấy ông không mang theo triều phục, Chúa ban cho mũ áo và dụ rằng: “Khanh có tội gì mà tự lao khổ thế? Trước kia ta có sai đi chọn vài con hát để tiêu khiển lúc rỗi, không ngờ lũ tiểu nhân đi ra, cậy thế ức hiếp người! Khanh giết đi là phải ! Có tội gì đâu. Việc ấy bỏ qua đi”. Lập tức thăng Đại Độ làm Tuần phủ Gia Định. Lại cho đi tuần hành 5 phủ, được quyền bãi hay thăng chức các quan lại” (Đại Nam Liệt truyện).

Thời ấy, Đàng Trong chỉ có 11 dinh, mỗi dinh quản lý một phủ, riêng dinh Quảng Nam quản lý 3 phủ, việc ông được Chúa cho phép bãi hay thăng chức qua 5/11 phủ, gần nửa giang sơn, cho thấy chúa tin tưởng vào tài năng và nhân cách ông đến mức nào! Thật đáng tiếc, ở cương vị mới thời gian rất ngắn ngủi, ông đã qua đời khi mới 37 tuổi khi đang miệt mài tại nhiệm sở. Chúa tiếc thương, ban cho ông thụy Trung Cần.

Đại Nam liệt truyện chép: “Sự trạng cha con Đại Độ được biết đến muộn, cho nên sách Thực Lục không kịp chép đến”. Dù vậy qua những tư liệu ít ỏi trong chính sử, đặc biệt là những chuyện lưu truyền trong dân gian qua mấy trăm năm, nhân cách và dũng khí của Lãnh Đức hầu Đặng Đại Độ đã được khẳng định trong lòng dân. Theo một số nhà nghiên cứu, hình tượng Đặng Đại Độ gần với hình tượng Bao Công; trong quá trình chung đúc nên hào khí Đồng Nai có phần đóng góp không nhỏ của Đặng Đại Độ. Dũng khí, tài năng và nhân cách của ông đã được hình tượng hóa trên sân khấu và hậu thế ca ngợi: “Danh chính trực rạng ngời quan Ký lục/ Đuốc công minh sáng rọi chốn quan đường”  Và ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Biên Hòa, Đồng Nai đã có những con đường mang tên ông.

Với quê hương Quảng Bình, Lệ Thủy, đặc biệt là làng Quảng Cư, nơi ông sinh ra, cũng là nơi ông trở về... thiết nghĩ cần có sự tôn vinh để con cháu tự hào, học tập mà noi theo phấn đấu.   

Trương Tấn Phước