.

Đánh phỉ ở vùng ngoại biên ngày Tết

Thứ Tư, 18/02/2015, 15:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 1948 khi mới tròn 16 tuổi, Hồ Xuân Phinh đã rời quê hương (Minh Cầm Trang, Phong Hoá, Tuyên Hoá) nhập ngũ, đến 1983 nghỉ hưu. Trong thời gian quân ngũ, ông đã từng giữ các chức vụ: Đội trưởng trinh sát ngoại biên (Đồn Biên phòng Cà Roòng), Đồn trưởng Biên phòng Cha Lo, Đội trưởng tình báo Bắc Lào. Bây giờ đã bước vào tuổi 83 nhưng nhìn ông trẻ hơn tuổi nhiều, vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát và minh mẫn. Ông kể cho tôi nghe kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm Đội trưởng trinh sát ngoại biên ở Lào, cách đây 47 năm về trước.

 

Đại uý CCB Hồ Xuân Phinh.
Đại uý CCB Hồ Xuân Phinh.

Năm 1966, khi đó ông là thiếu uý, Ban chỉ huy Công an vũ trang tỉnh đưa ông sang Lào làm đội trưởng đội trinh sát ngoại biên trực thuộc Đồn Biên phòng 115 (Cà Roòng) với biên chế 10 người nhưng nhiệm vụ lại nặng nề: Bảo vệ tuyến đường 20 và vùng giải phóng của bạn, vận động quần chúng, giúp bạn xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng dọc tuyến biên giới giáp Lào. Cuộc sống chủ yếu trong rừng, hàng ngày đi trinh sát cứ phát hiện thấy biệt kích, phỉ là truy bắt. Có khi ở trên núi đá đến 20 ngày mà không đánh răng, rửa mặt vì thiếu nước...   

Vào những ngày giáp Tết Mậu Thân 1968, ông cùng 2 người nữa trong đội đi về cơ sở để nắm tình hình. Sau khi làm việc với đồng chí Bí thư Huyện uỷ huyện Bu La Pha, biết tin cơ sở vừa báo cho huyện biết máy bay Mỹ vừa thả truyền đơn ở bản Vạng Phang giáp huyện Sê Pôn (Lào), ông liền cùng tổ công tác đi nắm tình hình. Đến nơi nghe dân nói máy bay thả truyền đơn trên đỉnh Pu Tun sau lưng bản.

Nhận định khả năng máy bay địch thả dù hàng cho bọn phỉ vừa bị bộ đội Lào chặn đánh, ông cử đồng chí Thành trong tổ về báo cáo cho Đồn biên phòng biết để điện vào báo cáo với Ban chỉ huy Công an vũ trang tỉnh, (lúc này đã là ngày 25 Tết) và xin lãnh đạo địa phương cho đồng chí xã đội trưởng và đồng chí trưởng công an xã cùng đi trinh sát với tổ công tác. Khi lên giữa đỉnh núi Phu Phơ Rê thì phát hiện có dấu vết của địch đi ra hướng đường 20, ông quyết định quay trở về xin thêm lực lượng, đồng thời hội ý dặn dò anh em trong tổ phải giữ bí mật vì trong bản có vợ con của tên đại uý phỉ.

Về bản, chỉ một thời gian ngắn huy động được một tạ nếp, một tạ gạo và 35 người (17 dân quân, 10 người Làng Mô, 8 người Binh trạm 32), sau đó được tổ chức thành đơn vị do ông làm chỉ huy. Xác định trên bản đồ biết được từ chỗ phát hiện dấu vết đến chỗ bọn phỉ ở phải mất 3 ngày đường rừng nên ông quyết định sáng 26 Tết xuất phát. Đường đi trèo đèo lội suối, băng rừng vất vả nên đến ngày 27 Tết một số dân quân Lào nói: “Bọn phỉ đã về với vợ con chúng nó rồi nhưng Bun Hường (tên Lào của ông) vẫn cứ bảo đi”. Nghe vậy ông xác định cho mọi người, cứ yên tâm ngày mai sẽ gặp địch.

Sáng 28 Tết, dậy sớm, ông đem bản đồ, địa bàn ra xác định đường đi tắt, rồi tổ chức cho anh em xuất phát. Đang đi thì gặp một tảng đá lớn dốc đứng chặn ngang đường, ông cho anh em dùng các sợi mây để leo lên, đi thêm một quãng nữa thì phát hiện dấu vết của địch đi về hướng Nam Lào. Ông dừng lại đưa bản đồ, địa bàn ra xác định tọa độ, lúc đó có một đồng chí trong đoàn tuột dép ngã xuống, ông vội nhìn lên phía trước thấy có một tên phỉ đang đứng gác, cách khoảng 30 mét, nghe động vội bỏ chạy, ông hô xung phong, cùng lúc phát hiện trước mặt có một quả mìn định hướng, ông liền vô hiệu hoá và chỉ huy đơn vị tiếp cận khu vực tên phỉ canh gác.

Niềm vui sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968 (ông Phinh, người đội mũ mềm). Ảnh do nhân vật cung cấp.
Niềm vui sau trận đánh Tết Mậu Thân 1968 (ông Phinh, người đội mũ mềm-Ảnh do nhân vật cung cấp).

Vào đến nơi địch đã bỏ chạy chỉ còn lại 23 cái chăn thám báo, máy điện thoại VTĐ đang ở chế độ làm việc, một khẩu súng tiểu liên... Biết chắc địch có 23 tên, mọi người thu chiến lợi phẩm và tiếp tục truy kích địch. Đến 2 giờ chiều vẫn chưa phát hiện ra dấu vết, kiểm tra lại lương thực thì chỉ còn một ít gạo sấy nên không thể đi tiếp, ông cho anh em cắt đường đi tắt để quay về. Trời về đêm, tối đen như mực, vắt bám đầy chân, muỗi bu đầy người cộng với cái lạnh thấu xương ở vùng biên ải nhưng mọi người động viên nhau, quá nửa đêm cũng về đến nơi.      

Về bản, ông lấy cuốn sổ điện đàm VTĐ của địch để dịch sang tiếng Việt, trong một bức điện tín có đoạn nói: “...Bị bộ đội Lào truy quét hết lương thực, yêu cầu thả dù lương thực theo tọa độ X... Y...” Kiểm tra lại thì ngày chúng yêu cầu thả dù trùng với ngày dân nói thả truyền đơn. Biết vậy, ngày 29 Tết ông cử người về liên lạc báo cáo xin chủ trương của Đồn biên phòng, đồng thời cho anh em nghỉ ngơi, tổ chức lại lực lượng, quyết tâm tiêu diệt địch.

Ngày mồng một Tết, trời rét căm căm, nhưng cả đơn vị vẫn tiếp tục lên đường. Khi đến tọa độ máy bay thả dù, chia thành 3 mũi tiến vào, thấy có dấu chân lạ bên vũng nước, ông ra hiệu cho anh em chú ý. Đi một quãng nữa phát hiện một tên phỉ đang đứng phía trước cách khoảng 20 mét, đồng chí Ngụ đã nổ súng làm nó bị thương vào đùi và ngã xuống, giơ tay hàng. Khai thác nó cho biết cả toán gồm 23 tên ra lấy hàng và đang đi lên đỉnh Phu Ca Lâng.

Mọi người tiếp tục truy kích địch. Chập tối mới tiếp cận địch và bao vây, gọi hàng. Quân địch lúc này mất tinh thần, bị ta dồn vào thế bí, lại mất điện đài nên không thể gọi trực thăng đến ứng cứu, ta bắt gọn 19 tên còn 4 tên chạy về  hướng Nam Lào. Hôm sau về đến bản, bắt thêm một tên nữa khi nó chạy về nhà vợ tên đại uý. Sáng mồng ba Tết tiếp tục cho lực lượng về Nam Lào bắt nốt 3 tên còn lại. Ngày mồng bốn Tết, bà con dân bản tổ chức ăn mừng chiến thắng cho đơn vị...

“Như vậy, với sự cố gắng nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ ta và dân quân Lào cùng tham gia truy quét, chỉ một thời gian ngắn, toán phỉ 23 tên đã bị bắt gọn, phía ta bảo đảm an toàn về người và vũ khí. Tuy vất vả, gian khổ nhưng ai nấy đều cảm thấy vui mừng và phấn khởi vì chiến công này đã góp phần giữ bình yên cho vùng biên ải”, ông nói.

Hồ Duy Thiện