.

Cựu thuyền trưởng nặng nghĩa quê nhà

Thứ Sáu, 20/02/2015, 08:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Việc làm ăn thuận buồn xuôi gió giúp cho gia đình ông Phan Hải khá giả. Dù vậy, ông vẫn chọn một lối sống đạm bạc để có cơ hội giúp đỡ quê nhà. Từ năm 2006 đến nay, tổng số tiền ông tài trợ xây dựng cho xã Hải Trạch lên đến 48 tỷ đồng.

 

Thuyền trưởng Phan Hải.
Thuyền trưởng Phan Hải.

Chiều cuối năm, Sài Gòn vàng nắng. Ngồi trên ban công nhà hướng mặt ra hồ Con Rùa (quận 1, TP. HCM) nườm nượp người, xe, ông Phan Hải-người từng làm thuyền phó, thuyền trưởng của hết các con tàu lớn nhất nước trong những năm từ 1966-2005 - trầm ngâm: “Nếu còn sức khỏe, gia đình tôi vẫn tiếp tục xây dựng các công trình phúc lợi cho quê hương Lý Hòa, nơi đã sinh ra 2 vợ chồng tôi”.

Ông đang nói về cái làng biển Lý Hòa, xã Hải Trạch giữa hai cửa sông lớn là sông Gianh và sông Lý Hòa, nơi có đèo Lý Hòa (thuộc huyện Bố Trạch) trên quốc lộ 1.

Thỏa khát khao chinh phục biển khơi

Năm 11 tuổi ông Hải đã lên thuyền theo cha ra khơi xa buông lưới. Sóng gió thấm vào da thịt khiến ông yêu biển đến lạ lùng. Nhưng cha ông, một ngư phủ dạn dày kinh nghiệm, dù phải nuôi tới 8 đứa con nhưng vẫn quyết không cho đứa con nào thất học, kể cả đứa trai út là ông Phan Hải. Ý cha muốn thế nên ông Hải thôi đi biển, ngày ngày vượt sông qua tận Ba Đồn kiếm chữ. Rồi ông thi đậu vào Trường Hàng hải Hải Phòng của Bộ Giao thông vận tải. Đấy là những năm 1961-1963.

Ông kể bấy giờ, ông chọn học ngành thuyền trưởng để ước mơ sau này có cơ hội được điều khiển những con tàu vượt đại dương, thỏa nỗi đam mê chinh phục biển. Nhờ học giỏi lại đã được tôi rèn sóng gió từ nhỏ, ông may mắn được nhà trường giữ lại sau khi tốt nghiệp cùng với 3 sinh viên của các tỉnh khác để đào tạo tiếp chương trình trung cao. Xong việc học, ông được điều về Công ty Vận tải biển của Bộ Giao thông vận tải và trở thành thuyền phó của tàu Việt-Ba trọng tải 4.500 tấn, là con tàu vận tải biển lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Ông kể, chính cũng nhờ những năm tuổi thơ ngụp lặn trong sóng biển mà ông thoát chết khi tàu Việt - Ba gặp nạn vào ngày 26-3-1966. Đó là chuyến chở than từ Quảng Ninh sang Trung Quốc. 13 giờ hôm ấy, khi tàu đã vào gần đến đảo Hải Nam thì gặp sóng lớn đánh chìm tàu. Khi đã bình tĩnh đưa hết cả 42 thủy thủ đoàn xuống 2 chiếc thuyền, ông phát tín hiệu cấp cứu nhưng tín hiệu từ đảo báo ra cho biết nơi 2 chiếc thuyền đang trôi dạt vào là những bãi đá ngầm cực kỳ nguy hiểm, tàu cứu nạn không thể ra cứu. Phải vật lộn với sóng to và những bãi đá ngầm đến gần 24 giờ 2 chiếc thuyền mới vào được đảo. Ông bảo đấy là một sự may mắn khó diễn tả nổi.

Vừa từ Trung Quốc trở về nước, ông lại được giao làm thuyền phó tàu Hòa Bình, cũng là con tàu vận tải lớn nhất nước sau tàu Việt-Ba. Tàu này chuyên vận tải hàng hóa trên hải trình Hải Phòng-Quảng Châu-Hồng Kông. Năm 1968, ông nằm trong số 4 người của cả nước được chọn đi Ba Lan đào tạo thuyền trưởng cho tàu viễn dương. Những  năm ở Ba Lan, ông đã có cơ hội được cùng những chiếc tàu vận tải lớn vượt đại dương đến nhiều cảng biển trên thế giới.

Năm 1971, trở về nước, ông trở về gặp lúc Mỹ leo thang gây chiến ở miền Bắc. Đó cũng là những năm tháng ông vinh dự được làm thuyền phó rồi thuyền trưởng của tàu Hòa Bình, là con tàu vận tải được chọn đi lấy gạo từ Trung Quốc chuyển về nước và đưa về cảng Hòn La của tỉnh Quảng Bình để phục vụ tuyến lửa.

Trong ký ức của ông Phan Hải, quãng thời gian điều hành tàu Hòa Bình ghi dấu ấn đặc biệt nhất trong đời ông. Tàu luôn phải đi giữa vô số thủy lôi của địch lập lờ trong sóng biển. Đã vậy mà ban đêm, để tránh bị máy bay Mỹ phát hiện, tàu phải tắt đèn tuyệt đối nên dò dẫm đi trong sự hồi hộp cao độ của tất cả thủy thủ đoàn. Họ phải nhìn vào sao trời và bóng núi ven bờ để dò đường đi. Cứ mỗi chuyến tàu đầy gạo vào Quảng Bình an toàn, tất cả mọi người lại mừng vui khôn xiết.

Khu công viên văn hóa-một trong những công trình ông Phan Hải đang xây dựng cho xã Hải Trạch.
Khu công viên văn hóa-một trong những công trình ông Phan Hải đang xây dựng cho xã Hải Trạch.

Sau giải phóng, ông Hải được giao làm thuyền trưởng của các tàu Cửu Long và Cửu Long 2, là những tàu chở dầu trọng tải 20.000 tấn theo hải trình từ cảng Hải Phòng đi nhiều nước Đông Âu, Trung Đông cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 2005. Đó là quãng thời gian Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành vận tải hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và thế giới. Chính vì thế, ông Hải và thủy thủ đoàn tàu Cửu Long thường xuyên được các đồng chí lãnh đạo đến thăm sau mỗi lần cập cảng.

“Đại gia của dân”

Nghỉ hưu, ông Hải cùng vợ con dồn vốn liếng làm kinh tế. Việc làm ăn thuận buồm xuôi gió giúp cho gia đình ông ổn định. Dù vậy, ông vẫn chọn cho gia đình một lối sống đạm bạc để có cơ hội giúp đỡ quê nhà. Cuốn sổ nhật ký của ông ghi chép chi tiết từng hạng mục công trình đầu tư xây dựng cho xã Hải Trạch từ năm 2006 đến nay đã lên đến con số 48 tỷ đồng.

Đó là một loạt những dãy phòng học 2 tầng với đầy đủ phương tiện dạy học hiện đại cho trường tiểu học rồi trường THCS, mỗi trường gần 4 tỷ đồng; đó là tượng đài liệt sĩ và nhà truyền thống (4 tỷ đồng), trường mầm non (4 tỷ đồng), trạm xá, chùa Lý Hòa khang trang; là hệ thống chiếu sáng cho con đường ven biển...  khiến cho ai đến Lý Hòa cũng ngạc nhiên vì khó thấy làng biển nào lại có những công trình xã hội dân sinh hoành tráng như thế. Đầu tư công trình nào, ông Hải cũng mời cho bằng được kiến trúc sư giỏi từ TP. HCM, Hà Nội về tận nơi để thiết kế rồi đích thân ông giám sát. 

Nghe tôi hỏi về quan điểm của vợ khi ông liên tục bỏ tiền nhà đầu tư về quê hương nhiều như thế, ông tuế tóa: “Ấy là vì vợ tôi muốn thế chứ. Nhớ hồi về thăm quê, thấy chỗ học của các cháu nhỏ còn khó khăn quá, bà ấy đề nghị tôi phải xây cho các cháu cái trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia. Hôm khánh thành có cả đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đến dự, tôi cũng nói rõ là của vợ tôi đấy chứ”.

Cuối năm 2014, dù đã qua tuổi 72 tuổi, ông Hải vẫn liên tục quay về làng cùng các kiến trúc sư để theo sát tiến độ công trình khu công viên văn hóa cho xã Hải Trạch. Công trình này xây dựng trên diện tích 7.500m2 với tổng mức mà ông Hải đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, gồm những hạng mục phục vụ cho việc vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và có khả năng sinh hoạt cộng đồng cùng lúc cho khoảng 1.000 người. Tôi hiểu vì sao gặp con em dân Lý Hòa ở đâu cũng nghe họ gọi ông Hải là “người con ưu tú của làng” hay “đại gia của dân”.

Lương Duy Cường