.
Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐNDVN (22-12-1944 - 22-12-2014) và 25 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2014):

Hỏi chuyện ông Trần Sự

Thứ Ba, 23/12/2014, 05:29 [GMT+7]

(QBĐT) - L.T.S: Đồng chí Trần Sự sinh năm 1928 tại An Xá (Lộc Thủy-Lệ Thủy), là một cán bộ lãnh đạo có uy tín, có nhiều đóng góp trong hai cuộc chiến tranh, từng kinh qua các chức vụ: Bí thư Đảng ủy Quân sự, Tỉnh đội trưởng Quảng Bình, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Trị Thiên, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, nghỉ hưu năm 1995. Nhân kỷ niệm ngày thành lập QĐNDVN, cộng tác viên (CTV) bản báo có cuộc phỏng vấn nhanh đồng chí Trần Sự.

Ông Trần Sự (người đứng giữa) trong lần tiếp các cựu phi công và phu nhân đến thăm lại chiến trường Quảng Bình.
Ông Trần Sự (người đứng giữa) trong lần tiếp các cựu phi công và phu nhân đến thăm lại chiến trường Quảng Bình.

- CTV: Thưa ông! Nhân sinh nhật đại thọ 86, kính chúc ông sức khỏe, đóng góp thêm nhiều ý kiến vào công cuộc xây dựng tỉnh nhà. Cùng chào mừng 70 năm thành lập quân đội, xin ông chia sẻ một số thông tin về quá trình hoạt động cống hiến của mình.

- Ông Trần Sự: Rất vui lòng.

- CTV: Tháng 12 năm1944, là thời điểm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, thời gian đó ông đang làm gì ạ?

- Ông Trần Sự: Năm 1944, tôi tròn 16 tuổi, là đội viên đội tự vệ cảm tử làng An Xá, tham gia bảo vệ các đồng chí hoạt động cách mạng ở địa phương. Trong đó có các đồng chí Trần Hữu Dực, Bùi Trung Lập đến hoạt động tại địa bàn.

- CTV: Còn tháng 12-1954, 1964, 1974, 1984?

- Ông Trần Sự: Năm 1954, tôi là Tỉnh đội phó, chỉ huy tiếp quản chi khu quân sự của Pháp phía Nam (Q.B), sau đó ra Quân khu làm cán bộ tác chiến nghiên cứu phòng thủ bờ biển từ Vĩnh Linh đến Thanh Hóa, đến đầu năm 1955 quay vào làm Tỉnh đội trưởng. Năm 1964, vẫn là Tỉnh đội trưởng, cùng quân dân tỉnh ta chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ. Năm bảy tư chuyển qua dân sự. Năm tám tư là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Và năm 1994 bàn giao công việc để nghỉ hưu.

- CTV: Thưa ông, trong suốt hai cuộc chiến tranh, không kể công lao lãnh đạo quân sự, ông trực tiếp chiến đấu và chỉ huy chiến đấu trận nào là tiêu biểu?

- Ông Trần Sự: Trận nào cũng tiêu biểu, cũng lấy sinh mạng mà thử thách.

- CTV: Nhưng chắc những trận cận chiến thì ấn tượng và nhớ lâu hơn?

- Ông Trần Sự: Đúng thế, đó là trận Chợ Chè và trận Xuân Hồi. Trận đầu nhổ bốt An Định năm 1948, các trận công đồn nhổ bốt dọc đường quốc lộ và dọc sông Kiến Giang cũng nhớ lâu. Hai trận đánh ở đường 76 Quảng Trị năm sáu chín cũng không thể quên.

- CTV: Cận chiến dùng vũ khí?

- Ông Trần Sự: Trận Chợ Chè sử dụng dao găm, đánh ngay giữa buổi chợ đông. Trận hói Xuân Hồi, tổ ba người bị một trung đội địch vây. Hói nhỏ, súng lục bắn chỉ cách năm mét.

- CTV: Còn trận nào sử dụng vũ khí hiện đại nhất?

- Ông Trần Sự: Trận năm 1972, tôi trực tiếp chỉ huy bốn khẩu pháo mặt đất 130 li bắn cháy tàu khu trục Mỹ cách bờ biển 12-17 kilômét bảo vệ tàu Hồng Kỳ vận chuyển gạo ở Hòn La.

- CTV: Ông được đào tạo chuyên môn quân sự ở trường nào?

- Ông Trần Sự: Trường cao cấp quân sự.

- CTV: Chức vụ quân sự cao nhất ông từng đảm nhiệm?

- Ông Trần Sự: Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Bình.

- CTV: Là, theo cách gọi thông thường lâu nay là Tỉnh đội trưởng?

- Ông Trần Sự: Có khác một chút. Tôi đảm trách chức vụ Tỉnh đội trưởng từ đầu năm 1955. Đến năm 1968, chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ác liệt quá, cấp trên quyết định tôi làm chỉ huy trưởng mặt trận Quảng Bình bao gồm cả những đơn vị chủ lực của bộ đóng trên địa bàn từ cấp trung đoàn trở xuống.

- CTV: Với chức vụ đó, quân hàm trung tá có vẻ không phù hợp lắm, ý tôi thắc mắc là hình như... hơi thấp?

- Ông Trần Sự: Quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- CTV: Quyết định khó khăn nhất trong quá trình chỉ huy chiến đấu, thưa ông?

- Ông Trần Sự: Năm 1967, ta đưa hai tiểu đoàn tên lửa Sam 2 (hai tiểu đoàn-thuật ngữ chuyên môn gọi là trung đoàn thiếu) vào bố trí phía tây Đồng Hới chuẩn bị bắn B52 nhưng ngay trong đêm lại có lệnh từ quân chủng rút ra. Chỉ huy tên lửa xin ý kiến của tôi. Thật khó quyết định. Đưa tên lửa vượt sông phải thương vong gần một trăm dân quân, dân công, thanh niên xung phong. Chưa đánh đã rút?

Nhân có các đồng chí Tổng Tham mưu phó Lê Trọng Tấn, Cục trưởng Cục tác chiến Lê Ngọc Hiền, nguyên Tư lệnh Quân khu bốn Nam Long từ chiến trường miền Nam ra đang nghỉ tại Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, giữa đêm, tôi đến báo cáo xin ý kiến thì đồng chí Lê Trọng Tấn trả lời: - "Ở đây anh là chỉ huy, anh phải quyết định”. Hai giờ sáng, lại có tiếp lệnh từ quân chủng. Tôi quyết định cho rút ngay trong đêm. Gần sáng, máy bay phản lực Mỹ phóng tên lửa vào trận địa (đã bỏ trống) ta không tổn thất gì. Té ra là tình báo cấp trên đã biết nên chủ động chuyển quân. Kể chuyện này để biết tình báo của chúng ta giỏi. Chần chừ thêm nữa là tổn thất vô cùng lớn.

- CTV: Thưa ông! Quân hàm cao nhất là trung tá, nhưng trong rất nhiều thư của cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở chiến trường Quảng Bình cứ gọi là Genèral (tướng) Trần Sự?

- Ông Trần Sự: Họ gọi sao là quyền của họ. Như nếu để nói ở trên cơ bản là hoàn thành nhiệm vụ.

- CTV: Những phần thưởng trong chiến đấu và công tác, thưa ông?

- Ông Trần Sự: (cười)...

- CTV: Vâng, kính chúc ông khỏe!

Đồng Hới, 12-2014
Nguyễn Thế Tường (thực hiện)