.

Tục chữa bệnh bằng cách thổi của người Mày

Thứ Tư, 26/03/2014, 14:20 [GMT+7]

(QBĐT) - Người Mày thuộc dân tộc Chứt, là một trong số những tộc người còn lại ít ỏi ở Quảng Bình.

Người Mày đã xây dựng được những tập quán sinh hoạt văn hóa riêng biệt, trong đó có những tri thức dân gian được người Mày dùng trong chữa bệnh. Đó là chữa bệnh bằng cách thổi phù phép. Theo già làng Hồ Cui, ông được truyền lại thuật chữa bệnh bằng cách thổi từ ông bà, cha mẹ.

Còn với ông Hồ Chắp, được cha truyền lại cách đọc những lời thần chú cầu khấn và bí quyết khi sử dụng những loại lá cây trong chữa bệnh kết hợp với thuật cúng thổi. Lễ vật gồm 2 chai rượu, 1 con gà luộc chín, một bát xôi, 2 đôi nến đăng bằng sáp ong, 2 đọt lá chè xanh, 1 bát gạo để cúng trong nhà. Hiện vật dùng để cúng gồm có 2 ống kịt trống mái một dài, một ngắn. Ống được làm từ ống tre nứa lồ ô (pơ tế) lấy từ rừng về và phải chọn ống đã già và thật to đều.

Sau khi đưa về ống được cưa làm hai đoạn: dài 80-90cm, một ống dài khoảng 60-70 cm. Một đầu của ống được vót vát nhọn hình chữ V dài 10cm. Sau khi gọt đẽo xong, dùng sợi mây chẻ nhỏ nối buộc hai ống lại với nhau bằng hai đoạn trên và dưới. Sau đó lấy một hòn đá ở suối về nhưng phải có mặt dẹt bằng để làm thủ tục khi cúng. Người thầy cúng thổi vừa hát khấn, vừa nói, vừa cà hai ống tre trên hòn đá. Âm thanh phát ra giống như tiếng đàn nhị kết hợp với lời khấn nỉ non của thầy phù thủy, làm cho cảnh tượng thêm phần linh thiêng.

Ông Hồ Cui đang làm lễ thổi để chữa bệnh.
Ông Hồ Cui đang làm lễ thổi để chữa bệnh.

Trên đầu của thầy cúng có đeo vòng lá kết tròn biểu trưng cho thiên nhiên, trời đất được người Mày tôn sùng và đặt trên đỉnh đầu ám chỉ đức tin của họ vào vật linh. Trong lễ thổi cúng chữa bệnh do ma dại phải có thêm một bát cơm, một con gà, một chai rượu và phải đặt ngoài trời xa bản 100m. Thầy phù thủy đi ra đó làm lễ. Lễ cúng xong, những vật hiến tế không được đưa về nhà. Lời cầu cúng của thầy phù thủy: gồm cầu khấn giang sơn, thần linh, giàng (trời) về phù hộ, bắt con ma gây ra đau ốm cho người Mày. Cúng ở bên ngoài có thể làm thêm một ít bánh cặp, bánh tro, để vứt bên ngoài cho trẻ con nhặt. Bài cúng cũng do ông bà, cha mẹ truyền lại: “Vơ lời (trời), vơ bơn (đất), ơ cha mẹ, tổ tiên, thần núi, thần sông, thần lúa,... về đây bắt con ma trong con người làm hại người Mày...”.

Thầy cúng tên của người bị bệnh trong bài cúng bằng tiếng dân tộc Mày. Khi làm lễ còn chuẩn bị một bát nước, sau đó tùy từng loại bệnh mà người thổi có thể lấy các loại lá chữa bệnh đã chuẩn bị sẵn, ngậm vào miệng nhai, thêm ngụm nước và phun lên người bệnh sau khi đã đọc niệm chú. Đối với một số loại bệnh có thể ngậm rượu, nhai lá hơ qua lửa nến vừa xoa vừa phun vào người đối diện đến chữa bệnh. Với bệnh đau mắt đỏ, thầy cúng chuẩn bị bát nước, bỏ vào trái ớt chín xé nhỏ, ngậm vào miệng sau khi khấn và phun vào người bệnh, sau đó là lời niệm chú. Người Mày, rất tin tưởng vào các thuật chữa này. Theo già làng Hồ Cui thì một số bệnh sẽ khỏi sau vài lần thổi kết hợp với đắp lá cây thuốc lấy ở rừng về.

Thuật đọc thần chú, thổi của người Mày dùng để chữa bệnh là một hình thức chữa bệnh bằng tri thức dân gian có kết hợp đôi chút mê tín. Ông Cao Xuân Xiêm, trưởng bản Ka Ai cho biết thuật thổi phù chú là một trong những phép thuật chữa bệnh của người Mày còn được duy trì và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để làm được ống kịt trống mái để dùng trong thuật chữa bệnh, cả bản chỉ còn có 2 người làm được là ông Hồ Chắp và ông Hồ Cui.

Trần Thị Diệu Hồng
(Bảo tàng Quảng Bình)