.

Làng Hạ Thôn âm thầm giữ "hồn" nón Việt

Thứ Sáu, 28/02/2014, 16:00 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng Hạ Thôn (nay là xã Quảng Tân, huyện Quảng Trạch) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm nón truyền thống. Trải qua biết bao thăng trầm, biến động của thời gian và cuộc sống, các thế hệ người dân nơi đây vẫn "giữ lửa" cho nghề truyền thống của quê hương, âm thầm giữ gìn "hồn" nón Việt trong từng sản phẩm...

 

Nghề làm nón góp phần giúp người dân xã Quảng Tân cải thiện đời sống.
Nghề làm nón góp phần giúp người dân xã Quảng Tân cải thiện đời sống.

Nằm dọc bên bờ sông Gianh, làng Hạ Thôn được thành lập cách đây 300 năm. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làng hợp nhất với Trung Thôn, Thượng Thôn, Tiên Lệ và trở thành xã Tú Lệ. Sau một thời gian, xã Tú Lệ đã hợp nhất với một số xã khác để thành lập xã Lệ Trạch theo yêu cầu nhiệm vụ mới. Đến năm 1955, làng Hạ Thôn chính thức được tách ra thành lập xã và có tên gọi xã Quảng Tân cho đến ngày nay.

Theo các cụ cao niên trong làng, nghề sản xuất nón lá đã xuất hiện ở đây gần 100 năm. Tuy nhiên, từ năm 1955 đến nay mới thực sự là giai đoạn cực thịnh của nghề làm nón. Lúc trước người làng Hạ Thôn chuyên làm nghề kéo vải. Sau đó nhận thấy nghề này quá vất vả, thu nhập lại chẳng đáng là bao nên họ quyết định tìm một hướng phát triển kinh tế khác hiệu quả hơn. Và nghề nón chính là "cứu cánh" của người dân địa phương lúc bấy giờ. Từ chỗ chỉ một vài hộ nhỏ lẻ, đến nay nghề này đã được nhân rộng, trở thành "điểm mạnh" của Quảng Tân.

Ở đây, hầu như nhà nào, người nào cũng biết làm nón. Trẻ em lên 6, lên 7 đã được người lớn dạy cho cách phơi lá, chằm nón, đến khi lên 8, lên 9 thì đã thông thạo từng đường kim mũi chỉ. Người già đến khi mắt mờ, tay yếu không thể làm vành, chằm nón thì phụ con cháu phơi, ủi lá.

Theo lời giới thiệu của cán bộ xã, chúng tôi tìm đến những gia đình làm nón lành nghề của làng để được tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Nhìn bàn tay thoăn thoắt luồn những đường chỉ gắn từng vành để tạo nên chiếc nón mới thấy được cái nghề làm nón không chỉ đòi hỏi sự cần cù mà còn phải khéo léo như thế nào.

Các chị làng Hạ Thôn cho biết: Ðể tạo ra chiếc nón đẹp, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu. Lá mua về được phơi nắng đến khi mầu xanh của lá chuyển sang mầu trắng bạc, phẳng mà không giòn, không rách. Trước khi đưa lá vào khuôn nón phải được sấy bằng than và là phẳng bằng một chiếc nồi ủi. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải rất cẩn thận, căn sao cho nhiệt độ vừa phải để lá không bị cháy, hoặc bị sống vì không đủ độ nóng. Vành nón làm bằng tre vót nhỏ, đều, tuyệt đối không được cong vênh.

Hiện tại làng có 2 loại sản phẩm mang bản sắc đặc trưng của địa phương, đó là nón lá xanh và nón lá dừa. Nón lá xanh là loại nón dựa trên khuôn mẫu của nón bài thơ Huế, được cải tiến mang tính đặc trưng của Quảng Tân. Vật liệu để sản xuất thành sản phẩm là lá lấy từ thiên nhiên, được bố trí 3 lớp trên 16 vành. Giai đoạn trước năm 1980, loại nón này được địa phương sản xuất đại trà, nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường nên chỉ được sản xuất khoảng 25-30% trong tổng số sản phẩm. Loại nón thứ hai là nón lá dừa, có vật liệu chính là lá dừa được mua tận các tỉnh Đông Nam Bộ (nhập từ Campuchia về). Loại nón này cũng được sản xuất trên khuôn mẫu hình nón, nhưng được bố trí lớp lá trên 16 vành.

Cách chằm và bố trí hình thức trên nón thì tuỳ thuộc vào yêu cầu của người tiêu dùng nhưng mặt ngoài nón luôn được sơn phủ loại dầu lấy từ nhựa thông pha chế với một số hoá chất khác làm tăng độ bền và bóng sáng của nón, phía trong nón có quai thao, bố trí 4 hoa nhỏ, ghi địa chỉ đại lý phân phối chính và nơi sản xuất. Hiện tại loại nón này được người dân Hạ Thôn sản xuất khoảng 70-75% trong tổng sản phẩm nón của làng.

"Để làm nên một chiếc nón, người thợ phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian, từ việc chọn mua nguyên vật liệu, phơi lá, ủi lá, làm vành nón... đến chằm nón. Công đoạn khó nhất để tạo ra được một chiếc nón là công đoạn chằm, đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, khéo léo và tỉ mỉ. Vất vả là thế nhưng người dân Hạ Thôn chưa bao giờ quay lưng lại với nghề truyền thống của quê hương. Từ đời này sang đời khác, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Cứ thế, trải qua gần 100 năm nay, nón lá Hạ Thôn đã trở thành biểu tượng của làng quê nghèo khó, bình dị này", ông Phạm Xuân Kiều, Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến tự hào cho biết.

Nhiều thế hệ người dân Hạ Thôn đang cố gắng giữ
Nhiều thế hệ người dân Hạ Thôn đang cố gắng giữ "hồn" cho nón Việt.

Qua trao đổi với ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, chúng tôi được biết nếu như năm 1955 trong làng có 75 hộ tham gia sản xuất nón lá với 50.000 sản phẩm/năm, thì đến năm 1975 có 200 hộ tham gia và sản xuất được 100.000 sản phẩm, năm 1995 có 500 hộ tham gia và sản xuất được 700.000 sản phẩm. Và hiện tại, toàn xã đã có trên 850 hộ tham gia, sản xuất được trên 1 triệu sản phẩm/năm.

Giá trị sản xuất nón lá đạt trên 9 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 30-33% tổng thu nhập của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong xã lên 10,5 triệu đồng/người/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 13,8% (cuối năm 2013). Đặc biệt, từ cách thức làm nón ban đầu, người dân Hạ Thôn đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Nón lá Hạ Thôn đã ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc và vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long...

Có một thực tế không thể phủ nhận là mặc dù hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề làm nón Hạ Thôn thì vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Nhiều gia đình ở Hạ Thôn nhờ làm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học. Trung bình một 1 ngày, một người có thể làm được 2-2,5 chiếc nón mỏng và 1-1,5 chiếc nón dày. Người trẻ làm nhanh, khéo thì 3-3,5 chiếc nón mỏng/ngày và 2-2,5 chiếc nón dày/ngày.  Mỗi chiếc nón hoàn thành xong bán giá thị trường với giá 15.000 đồng/chiếc nón mỏng và 19.000 đồng/chiếc nón dày, trừ  chi phí nguyên vật liệu, bỏ công làm lời còn  10.000-12.000 đồng/chiếc. So với giá ngày công lao động hiện nay thì không phải là cao.

Thế nhưng các thế hệ người dân Hạ Thôn vẫn gắn bó với nghề bởi nó không kén công lao động, nhẹ nhàng phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Lớn nhỏ, già trẻ, gái trai ai học cũng có thể làm được. Người dân ở đây quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa đan nón.

Hiện nay, ở Quảng Tân có gần 10 đại lý thu mua nón cho bà con để đi tiêu thụ ở các thị trường trong cả nước. Do đó, mặc dù vẫn có lúc, đặc biệt là vào mùa mưa hàng bị tồn đọng không bán được nhưng nhờ những đầu mối thu mua này, người làng nón Hạ Thôn cũng đỡ vất vả hơn trong việc tìm đầu ra.

Để giữ gìn và phát triển nghề làm nón, ông Lành cho biết, trong thời gian tới xã sẽ tích cực vận động, khuyến khích các hộ tiếp tục giữ gìn và phát huy nghề truyền thống này; đồng thời chú trọng quảng bá để mọi người biết đến nón lá Hạ Thôn. Và để sống được với nghề, ngoài tình yêu nghề, làng nón Hạ Thôn nói riêng và các làng nón ở Quảng Bình nói chung rất cần được tỉnh, huyện quan tâm trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường bảo đảm đầu ra sản phẩm tiêu thụ ổn định nhằm tạo sự phát triển bền vững cho làng nghề.

Đào Vân - Thanh Hoa