.

Tạc tượng Đại tướng từ "tâm"

Thứ Sáu, 31/01/2014, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Cao nguyên những ngày tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mưa tầm tã. Vòm trời đặc xám mây. Phố phường sũng nước “Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”.  Có lẽ đã hơn 40 năm sau ngày Bác Hồ mất, đất nước mới lặp lại một nỗi đau thương như thế... Đang ngồi bần thần, tôi chợt giật mình bởi tiếng chuông điện thoại reo. Đầu dây bên kia là tiếng  anh bạn ở Binh đoàn 15 “Anh đến nhà Lê Sĩ Soái ở số 8 đường Ung Văn Khiêm Pleiku thắp hương viếng Bác Giáp. Bà con đồng hương Quảng Bình đang tập trung rất đông ở đây”.

Tôi vội vã đội mưa đến ngay. Và trước mắt tôi là quang cảnh xúc động: Một bàn thờ tràn ngập hoa. Bức tượng bán thân Đại tướng uy nghiêm sau làn khói hương mờ ảo. Không chỉ bà con trong Hội đồng hương Quảng Bình, rất nhiều người dân bình thường trong thành phố và cả mấy nhà doanh nghiệp cũng đến đây viếng Đại tướng. Họ xếp hàng lần lượt từng người đến dâng hương. Nhiều người không kìm được tiếng thổn thức.. Lễ Đại tướng xong, họ quay sang bắt tay Lê Sĩ Soái, cảm ơn anh đã làm một công việc vô cùng ý nghĩa: cho bà con quê hương nơi chốn gửi gắm tấm lòng với Đại tướng-người con vĩ đại nhất của quê hương...

Đến hơn 10h đêm lễ viếng Đại tướng mới tạm ngừng. Tôi nán lại để trò chuyện cùng Lê Sĩ Soái... Thực ra thì Soái với tôi là chỗ quen biết. Hội đồng hương Quảng Bình ở Gia Lai có đến hơn 1.000 người. Từ năm 1997 cứ mỗi dịp Tết, bà con lại giữ lệ tổ chức gặp mặt khá xôm. Tuy vậy vì khá đông nên không phải ai cũng biết được nhau. Cái lẽ tôi biết Soái là bởi anh cùng là hội viên Hội VHNT tỉnh, lại chọn con đường đi hơi “khác người”...

Tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 1996, được phân công công tác ở Sở Xây dựng rồi Công ty tư vấn thiết kế nhưng cuối cùng Soái vẫn bỏ. Với cá tính sáng tạo của mình, anh không thích gò mình vào khuôn thước. Và quả thật với cá tính ấy, Soái không chỉ sống  được bằng nghề mà còn ghi dấu sức sáng tạo của mình bằng 2 công trình mỹ thuật đích thực: Tượng đài Nguyễn Huệ ở di tích Tây Sơn thượng đạo và “Tháng ba” ở thành phố Kon Tum...

Lê Sĩ Soái bên bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lê Sĩ Soái bên bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Riêng về bức tượng Đại tướng, tôi đã có dịp chiêm ngưỡng tại triển lãm mỹ thuật khu vực miền Trung-Tây nguyên năm 2011. Tuy nhiên điều tôi không ngờ là Soái đã phải trải qua một quá trình từ ý tưởng sáng tạo đến thực hành lâu dài thế... Anh kể: Ngay từ lúc ra trường mình đã nuôi ý tưởng sáng tác một bức tượng về Bác Giáp. Ngoài lẽ là một danh tướng hàng đầu thế kỷ, Bác còn là người đồng hương (Lê Sĩ Soái quê ở xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy). Lòng ngưỡng mộ Đại tướng, tình cảm của một người con quê hương cứ thôi thức mình... Sau rất nhiều ý tưởng, năm 2010 mình quyết định thể hiện hình ảnh Đại tướng bằng bức tượng bán thân...

Thế là hơn 1 năm trời mình dồn hết tâm sức vào tác phẩm mà mình cho là ý nghĩa nhất của cuộc đời này. Đi đâu thì chớ, cứ về nhà là lại bắt tay vào việc quên ăn quên ngủ; tâm trạng cứ như nhập đồng khiến không chỉ vợ con mà cả hàng xóm cũng phải xì xào... Ý định của mình là sẽ mang tác phẩm ra Hà Nội tặng Đại tướng nhưng đã không kịp...

Lê Sĩ Soái ngừng lời vẻ xúc động. Ngước nhìn bức tượng Đại tướng vẫn mờ ảo sau làn khói hương, anh tiếp:

- Thú thật là với một nguồn tình cảm tự thân lớn như thế nhưng khi tác phẩm hoàn thành rồi mình vẫn thấy chưa hài lòng. Bao quát nhất vẫn là bức tượng chưa toát lên hết cái “thần” của Đại tướng. Mình đang có ý định không chỉ tiếp tục hoàn chỉnh mà trên hình mẫu tác phẩm này, sẽ sáng tác tiếp một bức tượng Đại tướng bằng chất liệu đá. Và xa hơn sẽ là một tác phẩm thể hiện mối quan hệ giữa Đại tướng với Bác Hồ...

Sáng tạo nghệ thuật vốn có những quy luật khắc nghiệt của nó, song nói như cụ Nguyễn Du thì “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Với lòng ngưỡng mộ Đại tướng, với tình cảm của một người con quê hương, tôi tin Lê Sĩ Soái sẽ thực hiện được điều anh ước muốn...

Ngọc Tấn