.

Nhớ về chợ Tết Đồng Hới

Thứ Sáu, 24/01/2014, 13:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày trước, trên con đường Quách Xuân Kỳ hiện nay của thành phố Đồng Hới, chạy dọc dòng sông Nhật Lệ từ cầu Dài xuống Cựa (cửa biển Nhật Lệ) chỉ có một con đường mòn nhỏ. Công việc làm ăn của người dân nơi đây chủ yếu là đánh cá và bán mua hàng hải sản. Một ngôi chợ nhỏ dần được ra đời từ đó. Để có đặc điểm một tên chợ khác với các chợ khác trong vùng, bà con làng Động Hải đã đặt tên chợ cá bên cửa biển Nhật Lệ là chợ Bến - có nghĩa là chợ mở trên bến sông. Thế là từ đó, chợ Bến đã trở thành một địa danh mà người dân Đồng Hới rất tự hào và yêu quý.   

Chợ Bến phát triển ngày càng phồn thịnh. Các lều hàng khô, hàng lương thực, hàng tạp hóa dựng thành hai dãy ven đường. Lều quán được làm bằng cột gỗ, lợp lá kè kín đáo, có cửa mở đóng. Hàng được bày bán trên tủ, trên sạp; chủ quán ngày mở hàng bán, tối về đóng khóa cẩn thận. Người ta đi cất hàng ở Huế, Đông Hà ra, từ Ba Đồn, Vinh - Nghệ An vào, vì vậy hàng hóa ngày càng phong phú đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Những ngày giáp Tết, dân tứ xứ ùa về sắm Tết, do đó chợ Bến đã trở thành chợ lớn cho mọi miền quê, giao thương trao đổi hàng hóa. Việc buôn bán có quy củ hơn trước, có đăng ký với chính quyền sở tại và có nộp thuế. Điều đặc biệt là quan hệ kẻ bán người mua vẫn mật thiết, gắn bó chân tình, vì họ đều là người quen biết, thân thuộc.

Chợ hoa Đồng Hới những ngày giáp Tết.  Ảnh: T.H
Chợ hoa Đồng Hới những ngày giáp Tết. Ảnh: T.H

Theo đà phát triển của chợ Bến, người ta làm con đường nối cầu Dài với bờ sông Nhật Lệ có rải nhựa mỏng, mang tên "Trường lộ Bờ Sông". Trên miếng đất đình làng Động Hải, một ngôi chợ có 3 ngôi đình kế tiếp nhau, rộng, thoáng, nền đắp cao có tráng xi măng, mái lợp ngói được xây mới. Diện tích còn lại dành cho những dãy quán phụ làm bằng tranh, tre, nứa lá. Sau này, chính quyền đã quyết định dời chợ Bến ra chỗ mới với tên mới là chợ Đồng Hới.

Khi ngôi chợ mới ra đời, ai cũng phấn khởi. Riêng dân làng Động Hải vẫn không nguôi luyến tiếc và nhớ đến chợ Bến. Nhớ cảnh trên bến dưới thuyền, cảnh mua bán tôm cá khi thuyền về, nhất là cảnh chợ Bến ngày Tết. Vì vậy, dân làng Động Hải đã cùng nhau họp bàn trình lên chính quyền xin được họp chợ Bến trong ba ngày Tết: mồng 1, mồng 2 và mồng 3 ngay trên địa điểm cũ và được đồng ý. Vậy là từ Tết năm Mậu Ngọ (1918), vào chiều 30 Tết, bà con các gia đình tiểu thương không chỉ của làng Động Hải mà cả các làng khác có sạp hàng trong chợ cũ trước đây, kéo nhau ra đoạn đường từ đầu xóm Câu đến gần ngã ba Trường lộ Bờ Sông để cất lều, dựng sạp, chuẩn bị cho sáng mồng một Tết khai trương chợ Bến. Những gia đình không lập hàng quán cũng tự nguyện ra góp sức. Một công trường nhỏ hình thành, làm nhanh gọn, đến xế chiều đều xong xuôi, bà con vui vẻ về nhà chuẩn bị lên nêu cúng rước ông bà tổ tiên.

Sáng sớm mồng 1 Tết, những gia đình có dọn sạp hàng Tết chợ Bến đều trang trí gian hàng của mình thật đẹp mắt. Họ kết lá, dán câu đối đỏ, cắm bình hoa, giăng dây xích giấy màu sặc sỡ. Mọi người tất bật dọn hàng, khoảng 9 giờ sáng là khai trương. Đây là giờ nước thủy triều lên, đem điều tốt lành, may mắn đầu năm cho mọi người đi họp chợ. Đến giờ khai trương, pháo đua nhau nổ giòn giã. Các chủ sạp đều ăn diện, trang điểm rất đẹp. Bà già thì bận áo cổ y đủ màu, bịt khăn nhiễu xanh hoặc tím, lúc lắc đôi bông tai vàng, ai có vòng xuyến thì đeo bằng hết. Các bà trung niên mặc áo đoạn hoặc sa tanh, đeo bông tai có nạm hột, miệng nhai trầu cắn chỉ. Các cô phụ giúp bà hoặc mẹ, ăn mặc tân thời hơn, tóc bối lõng hoặc cặp sau lưng, áo màu rực rỡ.

Hàng hóa thường tập trung vào các loại bánh, mứt, kẹo, từ loại thông dụng đến những thức quý hiếm được chế biến công phu và trình bày đẹp mắt, dùng để làm quà biếu hoặc mua về để cúng Tết. Đặc biệt là các đồ chơi hấp dẫn cho trẻ em như gà đất, lùng tung, lúc lắc, đèn xếp, pháo tép, pháo dây,...; các cỗ bài tam cúc, bài tới, bài kiệu... dùng cho người lớn. Khách mua hàng, đi xem hàng mỗi lúc một đông. Người bán đon đả chào mời, người mua nhã nhặn, lịch sự. Người ở các nơi về không quen biết, nhưng lời trao đổi đầu tiên là lời chúc Tết nhau trước đã. Người mua mở hàng thường được y ước với nhau trước. Chủ hàng đốt một phong pháo nhỏ rước khách. Khách cũng mua luôn một phong pháo nhỏ để đốt trả lễ. Pháo cứ vậy nối tiếp nhau nổ từ quầy hàng này sang quầy hàng khác rất rộn rã.

Các mệ mặc hai lớp áo dài, bịt khăn trùm, tay dắt các cháu nội ngoại đi chợ Tết. Khách đông nhất của chợ Bến là trẻ em xúng xính trong tà áo dài rộng cỡ, quần trắng, tay cầm pháo dây, pháo tép, gà đất thổi vang tiếng te te...,  o o... rộn ràng. Thích nhất là hàng bột nặn (tò he) qua bàn tay các nghệ nhân giàu trí tưởng tượng, sáng tạo nên các hình hài các ông Phúc, Lộc, Thọ; các nhân vật trong truyện cổ, các con vật quen thuộc, mười hai con giáp,... Trẻ con được đi chợ Bến ngày Tết chắc không bao giờ quên được những ký ức vui vẻ hồn nhiên thời ấy. Đến cuối chiều mồng 1 thì chợ Bến có vãn khách, nhưng đến sáng mồng 2, bà con ở Tam Tòa, Phú Ninh, Thuận Lý, Lộc Đại, Đức Phổ, Diêm Điền... tham gia họp chợ rất đông. Bà con các làng Trung Bính, Cừa Thôn, Hà Thôn... ở bên kia sông cũng chèo thuyền sang họp chợ vui như ngày hội.

Vào cuối chiều mồng 3, đại diện hội đồng hương mục làng Động Hải làm một mâm hương hoa trầm trà tạ thổ thần, đốt một phong pháo, kết thúc ba ngày chợ Tết. Các sạp hàng cũng hoan hỷ đốt pháo, cầu cho sang năm mới mua may, bán đắt, hẹn cùng nhau kỳ này sang năm lại gặp mặt.

Hàng năm cứ mỗi độ Tết đến xuân về, chợ Bến lại sống dậy trong tình cảm thân thương của bà con Đồng Hới và các vùng lân cận. Đây là một nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của một chợ cá bên bờ sông Nhật Lệ nơi cửa biển miền Trung. Dân làng xóm Câu và Động Hải vô cùng tự hào về chợ Bến.    Những năm giặc Pháp tạm chiếm đóng thị xã, ba ngày Tết, chợ Bến vẫn được tổ chức. Cho đến Tết Bính Ngọ - 1966, từ sáng sớm mồng 4 Tết, hàng tốp máy bay Mỹ đã ùa vào ném bom bắn phá dữ dội xuống thị xã Đồng Hới đang yên bình... Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, thị xã bị san bằng. Chợ Bến không còn, chợ Mới (chợ Đồng Hới) cũng tan tành. Từ đó chợ Bến chỉ còn là ký ức của người dân Đồng Hới. 

Khi đất nước thống nhất, thị xã Đồng Hới được xây dựng lại to đẹp hơn nhiều. Chính quyền sở tại đã có quy hoạch xây dựng chợ Đồng Hới khang trang và dành một vùng đất bằng phẳng ven bờ sông Nhật Lệ để làm chợ cá. Cảnh trên bến dưới thuyền tấp nập mùa được cá, làm người dân nơi đây nhớ lại chợ Bến năm nào!

Những người con Động Hải, nhất là các bậc cao niên ngày nay, cũng như cư dân trong vùng Minh Hương, Kiên Bính, Hướng Dương, Tiền Thiệp, Phú Ninh (các làng xưa của Đồng Hới) và xa hơn một chút là các làng Đức Phổ, Diêm Điền, Thuận Lý, Lộc Đại, Lương Yến,... vẫn nhớ chợ Bến ngày nào bên con đường mòn Trường lộ Bờ Sông từ cầu Dài đến Cựa biển Nhật Lệ, lưu luyến khôn nguôi những ngày chợ Tết cổ truyền của người dân Đồng Hới năm xưa.

Đặng Thị Kim Liên (sưu tầm)