.

Biển xanh Vũng Chùa

Thứ Năm, 30/01/2014, 13:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Một sớm cuối đông, chúng tôi đã tìm về vùng đất thiêng Vũng Chùa- Đảo Yến để thêm một lần nữa được viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của dân trước thềm xuân mới đang về. Sau những ngày giá rét, biển Vũng Chùa như xanh hơn, từng con sóng nối nhau vỗ bờ... Ngước mắt nhìn lên, đỉnh Thọ Sơn sừng sững cũng tràn ngập một màu xanh cỏ cây, rì rào trong gió biển vỗ về ru giấc ngủ nghìn thu cho vị danh tướng lỗi lạc của dân tộc...

 

Canh giấc ngủ nghìn thu cho Đại tướng.
Canh giấc ngủ nghìn thu cho Đại tướng.

Nơi đất lạ thành quen

Vũng Chùa - Đảo Yến là một quần thể cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam, thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Từ trên đỉnh Thọ Sơn, phóng tầm mắt về hướng biển chúng ta dễ dàng bắt gặp khung cảnh hữu tình, biển nước mây trời bình yên và khoáng đạt. Biển Vũng Chùa được bao bọc bởi ba đảo là hòn La, hòn Gió và hòn Nồm (đảo Yến) nên rất kín gió, là địa điểm trú tránh lý tưởng của tàu thuyền trong những ngày gió bão.

Với điều kiện đặc thù trên, từ lâu, Vũng Chùa đã trở một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La, mà theo sách Đại Nam dư địa chí ước biên của nhà văn hóa Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành, phía đất liền là dãy Hoành Sơn “thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” với đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây - bắc, ở phía đông có nhiều đảo nhỏ. Tuy nhiên, do tiềm năng về du lịch chưa được khai thác mạnh, nên những năm trước đây, trừ người dân Quảng Bình và Hà Tĩnh, hoặc những người có dịp công tác ghé qua thì không phải ai cũng biết đến vùng đất này.

Chỉ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Vũng Chùa - Đảo Yến làm nơi tịnh giấc thiên thu, thì cả một vùng núi non, biển trời này đã trở thành địa danh thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng triệu người dân Việt Nam. Và chắc chắn, trong tương lai gần sẽ là một điểm đến mới của du khách trong và ngoài nước trên đường thiên lý Bắc- Nam. Vậy là bỗng chốc, đất lạ thành quen, Vũng Chùa- Đảo Yến đã được in đậm trong tâm thức người dân nước Việt, trở thành một điểm chiêm bái của hàng nghìn người mỗi ngày, bất kể nắng mưa.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Võ Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Quảng Đông cho biết, Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng lại kín gió. Nơi đây thế núi hùng vĩ dáng tựa thân giao long, có mũi Rồng đâm ra tận mép sóng, biển trời hiền hòa, người dân chất phác, can trường. Đứng trên đỉnh Thọ Sơn nhìn ra bốn bề trời biển, ta sẽ thấy một không gian bình yên và khoáng đạt. Từ đây có thể cảm nhận được phần nào lý do Đại tướng chọn địa điểm này để yên giấc nghìn thu, trên quê hương Quảng Bình yêu dấu. Chiều thu 13-10, trở thành một dấu ấn không thể phai mờ của cán bộ, nhân dân Quảng Bình, khi hàng vạn người dân trong cả nước đã cùng tụ về đây tiễn đưa Đại tướng đến nơi an nghỉ cuối cùng. Để rồi từ thời khắc đó cho đến mãi sau này, Vũng Chùa- Đảo Yến trở thành điểm đến quen thuộc, đầy ý nghĩa của du khách thập phương.

Nhiều nhà làm du lịch cũng từng chia sẻ: Vũng Chùa là một vùng đất đẹp, núi non hùng vĩ, sóng biển hiền hòa. Rất có thể trong tương lai, đây sẽ là điểm đến rất giá trị kết nối với thắng cảnh đèo Ngang, đền thờ Liễu Hạnh Công chúa, đảo Yến... tất cả tạo thành một tuyến du lịch tâm linh, du lịch sinh thái đầy sức thu hút, không chỉ phong cảnh đẹp mà còn rất thiêng liêng đối với người dân Quảng Đông - Quảng Bình nói riêng, quân và dân cả nước nói chung, bởi nơi đây có khu mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân.

Canh giấc nghìn thu cho Đại tướng

Trong buổi chiều tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an giấc nghìn thu tại Vũng Chùa- Đảo Yến, chúng tôi đã có ấn tượng thật sâu sắc khi bắt gặp hình ảnh của những người lính mang quân hàm xanh- Bộ đội Biên phòng được giao nhiệm vụ chủ lực trong công tác bảo vệ cho buổi lễ diễn ra an toàn tuyệt đối, nghiêm cẩn.

Vũng Chùa- Đảo Yến đã trở thành vùng đất linh thiêng.
Vũng Chùa- Đảo Yến đã trở thành vùng đất linh thiêng.



Hàng vạn người dân có mặt tại đây, lúc này đều có chung ước nguyện là được đến thật gần, thật gần vị Đại tướng kính yêu trong phút giây cuối cùng. Hàng nghìn đôi chân như vô thức, cứ muốn bước tới phía trước, nhích dần từng chút đã tạo ra một áp lực lớn cho những người lính biên phòng làm công tác bảo vệ. Xử lý tình huống như vậy không đơn giản, phải thật tế nhị, nhẹ nhàng nhưng đồng thời phải dứt khoát, nhanh gọn, hạn chế tối đa tính mệnh lệnh, bởi những người lính biên phòng biết rằng, ngọn nguồn của “sự cố” ngoài ý muốn này là xuất phát từ tình cảm to lớn của nhân dân dành cho Đại tướng.

Ngay sau lễ an táng Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã giao ngay nhiệm vụ bảo vệ khu mộ của Người cho lực lượng Biên phòng tỉnh nhà. Nhận lấy trách nhiệm tự hào này, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra quyết định thành lập Đội bảo vệ lâm thời Khu mộ Đại tướng gồm 28 cán bộ chiến sỹ của Đồn Biên phòng Roòn, do trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, một người con của quê hương Lệ Thủy làm đội trưởng, sau đó tiếp tục bổ sung cho đội thêm 3 cán bộ, chiến sỹ, nâng quân số hiện tại lên 31 đồng chí.

Trung tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Roòn cho biết: “Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, chúng tôi xác định việc bảo vệ an toàn Khu mộ Đại tướng là một vinh dự lớn lao của đơn vị, của toàn lực lượng BĐBP tỉnh nhà. Đồn đã phân công đồng chí Đồn trưởng chỉ huy chung, đồng chí Đồn phó nghiệp vụ chỉ huy trực tiếp công tác này. Thời gian qua, bất kể trong hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn quán triệt trong cán bộ, chiến sỹ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuyệt đối không để xảy ra bất kỳ sơ sót nào, từ bộ phận đón tiếp đến bộ phận đứng gác và làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân đến thắp hương viếng mộ Đại tướng".

Trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt ban đầu còn thiếu thốn, thời tiết bất lợi trong mùa gió bão, nhưng với trách nhiệm, tình cảm của mình đối với Đại tướng, thời gian qua Đội bảo vệ lâm thời đã vượt lên khó khăn, không quản ngại vất vả để luôn hoàn thành công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối, hướng dẫn khách vào thăm viếng, dâng hương. Chỉ tính từ thời điểm ngày 14- 10 đến 22-12- 2013, các anh đã đón tiếp  17.629 đoàn, với 151.344 cán bộ và nhân dân trong mọi miền Tổ quốc đến dâng hương viếng Đại tướng.

 Trong dòng người về viếng Đại tướng, cụ Trần Phương, một cựu chiến binh 78 tuổi đến từ huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa xúc động nói: “Hôm nay được cùng đồng đội đến đây thắp nén hương viếng mộ Đại tướng, tôi rất mãn nguyện. Đại tướng mất đi là tổn thất to lớn của Đảng và Nhà nước, của Quân đội và nhân dân Việt Nam, vì vậy chúng ta phải bảo vệ cho thật tốt khu mộ của Đại tướng, để Người được an giấc nghìn thu. Tôi rất mừng khi thấy lực lượng Biên phòng Quảng Bình đã làm tốt công việc quan trọng này.

Trung úy Khắc Ngọc Tân Hào, Đội trưởng Đội bảo vệ khu mộ Đại tướng tâm sự: “Bảo vệ an toàn khu mộ của Đại tướng là niềm tự hào lớn của chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng tâm niệm phải thực hiện nhiệm vụ này hết sức, hết lòng, tuyệt đối không xao lãng. Ngay cả trong tình huống phòng chống các cơn bão vừa qua, nhất là siêu bão HaiYan, anh em vẫn quyết tâm phải bảo vệ an toàn cho khu mộ, để Đại tướng được yên nghỉ, vì đây là trách nhiệm, là tình cảm thiết tha của mỗi một người lính đối với vị tướng của dân”.

Anh Tuấn