.

Nghìn làng chạp mả

Thứ Ba, 31/12/2013, 07:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Khi những đoá lau bên bờ ruộng làng Trình (Quảng Xuân) nở bung phất cờ, cũng là lúc các mảnh làng của 34 xã, thị trấn huyện Quảng Trạch bắt đầu lên hương khói làm lễ chạp mả (tảo mộ). Suốt trong tháng chạp, cả huyện khói hương với mồ mả tổ tiên. Đứng bên bờ biển Đông, những làng chài ven biển có những lễ tục cúng biển trong mùa tảo mộ ấm cúng lạ kỳ.

Nghìn làng chạp mả

Con đường đất đỏ nối quốc lộ 1A chạy lên xã Quảng Hợp dưới dãy Hoành Sơn hùng vĩ. Người làng náo nức tảo mộ tổ tiên. Không riêng gì Quảng Hợp mà hơn ba chục xã khác của Quảng Trạch cũng trịnh trọng khói hương trong mùa tháng chạp. Dù đi đâu, ở đâu, người Quảng Trạch đều nhớ đến ngày tảo mộ để dâng hương, nếu ở xa tít phương Nam hoặc Hà Nội, không về được có thể khấn hương lòng, nếu tít xa ở hải ngoại, người Quảng Trạch hướng về phương đất mà lạy vái với tổ tông mong được độ xá.

Đất Quảng Trạch mùa tháng chạp, đi đâu cũng khói hương nghi ngút, cả nghìn xóm thôn tuần tự tổ chức tảo mộ theo ấn định của tiên tổ xa xưa. Có làng tổ chức tảo mộ cho Thành hoàng bản thổ, có làng tảo mộ cho ông tổ khai canh... Sau ngày tảo mộ làng là ngày tảo mộ họ, sau ngày tảo mộ họ lại đến tảo mộ ông bà, nhà nhà ríu rít tiếng trẻ, xóm thôn náo nức nói cười. Bắt đầu từ vùng nam sông Gianh là 9 xã, từ ngày 1 đến 15 tháng chạp, cả nghìn vạn người trong vùng cùng cuốc xẻng ra tảo hương tổ tiên. Sau ngày 15, vùng phía bắc sông Gianh bắt đầu tuần tự từ vùng núi đến làng biển lên hương lên đèn, đắp đất mồ mả ông bà cho tâm được thản cho trí được yên.

Lạ nhất là tảo mộ cho nữ Thành hoàng khai canh duy nhất của nước Nam ở làng Phù Lưu. Làng có nữ khai canh Nguyễn Thị Quý Ba, từ Hà Nam vào khai khẩn xóm thôn lúc quân Nguyên Mông xâm lược. Bà nghe lời vua Trần vào trấn ở phía nam Hoành Sơn, tại bắc sông Gianh, lúc 42 tuổi mà khai nghề trồng dâu nuôi tằm, mở thêm đất mới, động viên người dân đoàn kết, sau ba năm, bà xây dựng một vùng dân cư trù mật rộng lớn, mọi người tôn bà thành Chủ Quản. Ngày 15 tháng chạp năm 1336 bà qua đời, vua Trần Hiển Tông thấy bà công lớn đã phong: Tiên Sơn Khai khẩn Nguyễn Thị Quý Ba Hộ Củng Sinh Nhi Công Phù Hiển Hách, Dực Bảo Trung Hưng, Trung Đẳng thần. Hiện đến ngày 15 tháng chạp hằng năm, người làng tảo mộ bà bằng lễ vật làm được từ làng và đốt vải vóc bằng lụa do người dân dệt ra để mãi không quên nhân đức khai phá làng mạc cho đến hôm nay của nữ khai canh duy nhất nước Nam.

Tảo mộ cho chữ

Đầu tháng chạp, người làng Lũ Phong (Quảng Phong) bắt tay vào ngày tảo mộ, làng Lũ Phong thờ chữ trong đình và lập năm chữ thành các mồ mả tượng trưng để mỗi năm đắp bồi niềm trọng chữ, kính chữ, hiếu chữ để giữ đất, giữ làng. Họ thờ các chữ: Thần, Dân, Văn, Võ, Lễ. Người Lũ Phong quan niệm, mộ Thần sẽ được thần phù hộ, mộ Dân sẽ được dân hỗ trợ, mộ Văn để hiểu dân, mộ Võ để giữ làng, giữ đất, bảo vệ dân, mộ Lễ để không quên gốc mình từ dân.

Làng Lũ Phong (Quảng Phong) có lễ chạp mã chữ.
Làng Lũ Phong (Quảng Phong) có lễ chạp mả chữ.

Những người già nhất làng Lũ Phong kể, việc thờ chữ, tảo mộ cho chữ thể hiện chí khí người Lũ Phong với trách nhiệm trước làng nước, vậy nên làng sinh ra nhiều bậc anh hùng được vua nhà Nguyễn vinh danh như tướng Phạm Xuân Quế từng cử coi giữ thành trì vùng Gia Định thời vua Thiệu Trị, tuy ông không phải khai đất mở làng, nhưng vì công lớn nên khi mất đã được tôn lên Thành Hoàng làng. Một bô lão nói: “Làng tui tự hào thờ chữ cùng tổ tiên ông bà, ngày tảo mộ tảo mả của họ của làng thì đến khu đất cao đốt chữ của những người viết giỏi để nhớ gốc của ta có Dân, có Thần, để biết làng nước được giữ bằng sức vóc của Võ và Lễ. Người làng tui hiểu không phải cứ dùng Võ là giữ được làng, mà phải dùng cả Lễ nữa mới giữ được làng, vì trong Lễ có cả trọng đạo, đầy đủ các mềm dẻo của sự đời dâu bể, trong Lễ còn có lễ với dân mới được dân tin, dân theo”.

Bãi đất cao ngoài đồng làng giáp sông Gianh cỏ mọc xanh rì, nơi đó, khi người làng đắp thêm mồ mả tổ tiên những nấm đất bền chặt, thì họ chọn những người có chữ đẹp viết lên giấy điệp hoặc giấy dó các dòng chữ về tiền nhân về thần chữ, sau đó cúng bái. Bài cúng đơn giản nhưng thâm sâu, họ tôn chữ thành thần, nâng chữ thành đạo, nâng chữ thành linh ứng, linh nghiệm... sau đó đốt những tờ giấy cầu khấn đó cho gió mang đi. Tất thảy đều trong niềm kính trọng vô cùng và lạ lẫm nhân văn.

Chạp mả bên chân sóng

Thôn Thanh Bình xã Quảng Xuân bên chân sóng, làng mảnh dài trên triền cát tít tắp của bờ biển Đông. Cứ vào hai ngày 17 và 18 tháng chạp thường niên, người làng mở hội chạp mả. Ngày mười bảy, làng tổ chức cho đàn ông mổ lợn, chạp mả họ. Đàn ông ra mả họ thắp hương khấn vái, tự đi mua hoa quả, bánh trái, đàn bà không được mó tay vào bất cứ việc gì. Chuẩn bị tất thảy, đưa vào thúng mủng, gánh phươn trên cát đến mả họ cùng nhau vun cát, quét lăng, tất thảy một tay đàn ông làm, đàn bà không được vây đến. Lạ, hỏi mãi những người già mới biết tục lệ chạp họ nghiêm từ xưa để lại, đàn bà phải ở nhà, làm nước nôi, chuẩn bị cho ngày lễ chạp mả ông bà vào ngày hôm sau.

Hết hương khói mả họ, người làng từng đợt người ra bờ biển, khói hương bên chân sóng, họ cầu khấn thần biển đi êm về tốt, con cá con tôm đủ đầy nuôi sống xóm thôn. Lạ nhất là bài cúng của họ Dương, có đoạn khấn: “Mong cho Đại Hải (biển lớn) làm binh giặc không xâm chiếm được bản quán dân quê.

Giặc giã phương nào đến cũng bị sóng thần đánh chìm, bị sóng nước thổi bay, bị dân làng chống trả phải lui về xấu hổ. Mong cho biển thần cưu mang ngư phu sức khoẻ kiếm ăn có sức nuôi con, hun đức chống giặc khi khốn, lao động khi khoan, mong thần biển mẹ đất phù hộ”. Nói rồi, họ đốt vàng bạc, giấy tờ cho những vong linh chết biển, cúi lạy sát đất cho cuộc biết ơn mỗi năm vẫn làm.

Ra gần đèo Ngang, người làng Cảnh Dương cúng mồ mả xong còn đọc văn cúng thần cá voi rằng: “Rằng năm quốc thứ Mậu Thân/ Trời sinh thánh thượng Duy Tân trị vì/ Hà Thanh hải yến bốn bề/Ngư ông thượng thọ thác về cõi tiên/Lênh đênh mặt nước dạo miền/Tìm nơi đất tốt dân hiền ghé vô/Cảnh Dương vui thú hải hồ/Sở vọng trông thấy, rước vô lạch nhà/Tưng bừng nổi trống phèng la/ Nghe tin làng nước gần xa vui lòng/ Tức thì nắm vía bắt đồng/ Con quan Tuần Vũ vốn dòng nữ nhi/Hình dung yểu điệu phương phi/Mày tắm mắt phượng có bề thanh tâm/ Cúng cho non nước sâm cầm/ Cúng cho Ngài biết dân làng tri ân”.

Cả nghìn xóm làng làm lễ chạp mả trong ba mươi ngày, mỗi ngày hàng chục xóm thôn làm lễ. Những người làng nghỉ việc đồng áng, chuẩn bị cả tuần trời cuộc lễ tổ tiên thành kính nghiêm cẩn. Gác nhà nghi ngút khói hương, lòng người ấm cúng. Nhà nhà đều nhớ đến ngày xưa dựng cơ lập nghiệp, xóm làng nhớ đến khai canh mở đất, nhớ những ân tình cưu mang, nhớ dòng máu trong bản thể quê nhà. Nhiều người về làng chạp mả nói: đó là diễm phúc giữ gìn tình yêu bản quán, hun đúc cho ý thức nước non bền chặt. Cây có cội, người có tông.

Minh Phong