Núi Phúc Sơn và truyền thuyết lèn Tiên Giới

Cập nhật lúc 14:02, Thứ Sáu, 03/05/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đi tìm kho tàng những câu chuyện dân gian trên đất Quảng Bình ta bắt gặp nhiều truyền thuyết liên quan đến nhiều ngọn núi của quê hương. Nhiều ngọn núi nổi tiếng đi vào sử sách, văn chương nhưng cũng có những ngọn núi tưởng chừng như vô danh nơi hẻo lánh lại có những câu chuyện truyền thuyết thắm đượm tình người. Phải chăng," Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh", núi không cần cao, hễ có tiên là có tiếng. Dân gian cho tiên giáng trần để ta thêm yêu ngọn núi, con sông quê mình âu cũng là một tình cảm đáng trân trọng. Phúc Sơn là ngọn núi như thế.

Phúc Sơn có tên là Lèn Tiên Giới (lèn có cảnh tiên) và còn có tên là Ngọc nữ lâm phong (người đẹp đứng trước gió) nằm trong địa phận làng Phúc Lâm, nay thuộc xã Đức Hoá, huyện Tuyên Hoá. Sông nguồn Nậy từ đầu làng chảy thẳng theo hướng Tây Nam đến cuối làng Đạm Thuỷ thì đổi dòng chảy theo hướng Đông Nam rồi uốn khúc hai lần  đến Minh Cầm theo hướng Tây Nam nhập vào sông Gianh. Làng Phúc Lâm là cả một cánh đồng bằng phẳng nằm bên tả ngạn trước làng Đạm Thuỷ. Núi Phúc Sơn nổi lên giữa cánh đồng như một hiện tượng tạo sơn riêng lẻ của dung nham từ lòng đất. Núi dài không đến một cây số, chạy từ bờ sông đến giữa làng theo hướng Bắc Nam.

Tác giả Thương Tùng khi giới thiệu Lèn Tiên giới trong tập san Quảng Bình quê tôi đã viết về chốn bồng lai tiên cảnh của ngọn Phúc Sơn thơ mộng như sau: "Đi thuyền trên sông ngang núi, thì thấy một vách đá thiên nhiên, mà chóp luồn vào mây cho cảm giác là cao vô cùng. Mặt đá đủ màu sắc của nham thạch, từ màu xanh của đá hoa cương, màu xanh của đá hàm lục, màu trắng của đá lưu vân đến màu đen của đá huyền vũ. Chính mõm bắc này, người ta gọi là lèn Tiên Giới. Gần giữa núi Phúc Sơn, thấp hơn hai đầu nhiều, lại nhô lên một mõm nhỏ, đứng xa thấy mường tượng hình người, lớn có nhỏ có. Những hình người đó khởi đoan cho sự tích tiên nữ giáng trần. Và phân tích cho đúng thì tên Ngọc nữ lâm phong, hay gọn hơn, Ngọc nữ phong, phải dành riêng cho mỏm núi này mới phải".

Truyền thuyết Tiên nữ giáng trần ở Phúc Sơn được dân gian kể lại rằng:

Ngày xưa, vùng đất phía bắc núi Phúc Sơn là một cánh rừng rậm, nhiều thú dữ không ai dám vào. Ở phía nam, làng Phúc Lâm hạ có một chàng trai khỏe mạnh, khôi ngô. Một ngày kia chàng trai vác búa vào rừng để đốn cây về làm nhà. Đi vào rừng, chàng gặp một vực sâu ngay dưới chân núi. Bỗng có tiếng vui đùa vẳng đến làm cho chàng phải dừng bước. Chàng lén đến bờ vực, ẩn mình vào lùm cây nhìn bao quát xung quanh. Chàng ngạc nhiên thấy một số thiếu nữ đang nô đùa với dòng nước trong xanh. Người nào cũng xinh đẹp tuyệt trần, tóc đen da trắng mà ở cõi trần thật hiếm thấy.

Lèn Tiên Giới ở xã Đức Hóa.
Lèn Tiên Giới ở xã Đức Hóa.

Trên bờ là đống áo quần bằng lụa trắng, thêu hoa rực rỡ. Cạnh đó là những bộ cánh dài to sặc sỡ sắc màu. Một thoáng ngạc nhiên xúc động chợt chàng hiểu ra rằng trước mắt mình là những nàng tiên giáng trần đang tắm. Chàng len lỏi trong rừng cây rồi đánh cắp một đôi cánh giấu vào bụi rậm. Khi  chiều xuống, các nàng tiên bay về trời, chỉ còn một nàng tiên mất đôi cánh không bay được đang ngồi khóc bên bờ vực.

-Nàng là ai, tại sao nàng khóc? - Vô tình như không biết chàng trai hỏi chuyện.

-Ta là tiên nga, từ tiên giới cùng các chị em xuống tắm. Không biết ai lấy trộm đôi cánh không bay về trời được.

-Tôi là người ở làng này, nàng về với tôi, tôi sẽ tìm cánh cho nàng.

Trời đã tối, không còn cách nào khác, nàng tiên đành theo chàng trai về làng Phúc Lâm Hạ. Hai người trở nên vợ chồng. Chàng trai chăm chỉ cấy cày, nàng tiên dần quen công việc gia đình, đồng áng, họ xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Hai năm sau, họ có với nhau một con trai xinh đẹp như một thiên thần. Khi con đầy tuổi là lúc chàng trai nhận được lệnh tòng quân đánh giặc.

Trước khi đi, chàng dặn lại vợ:

- Em ở nhà cố gắng nuôi con, đợi anh về.

Chàng đi rồi, nàng ở nhà tần tảo nuôi con, chờ chồng. Những năm hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, thóc gạo đủ nuôi sống hai vợ chồng và đứa con trai kháu khỉnh. Gặp năm đói kém, còn bồ thóc dự trữ trong nhà nàng đành xúc mấy thúng  mong qua kỳ giáp hạt. Không ngờ, dưới đáy bồ là đôi cánh tiên của nàng mà chàng đã cất giấu. Tiểu hạn ba tháng về trời của nàng sắp hết (ba tháng của trời là ba năm dưới trần), không thể đợi chàng trở về, nàng đành lòng để con ở lại, chắp cánh bay lên trời.

Hôm nàng bay về trời cũng là ngày người chồng ra trận trở về. Không thấy vợ đâu, chàng chỉ biết ôm lấy đứa con trai mà khóc lóc thảm thiết. Nghe tiếng khóc ai oán của chàng, bụt hiện lên hỏi sự tình và giúp cho chàng lên tiên giới sum họp vợ chồng. Cuộc sống nơi tiên cảnh no đủ, nhàn hạ nhưng chàng không nguôi nhớ về quê hương, bản quán dưới phàm trần. Dưới ấy, cuộc sống tuy vất vả nhưng bù lại chàng có bà con, làng xóm có tình cảm con người mà chốn tiên giới không thể nào có được. Người vợ cố thuyết phục chàng ở lại nhưng thấy chàng thương nhớ hạ giới quá đành xin Ngọc Hoàng cho cả nhà được về sống ở cõi trần. Ngọc Hoàng thương tình đôi vợ chồng trẻ, chung thuỷ hạnh phúc nên truyền cho tướng nhà trời là Hoàng Cân lực sĩ đưa gia đình nàng xuống trần.

Từ cửa trời, Hoàng Cân lực sĩ cho hai vợ chồng ẵm con ngồi trên một chiếc thúng lớn  rồi dùng dây dòng xuống. Trong thúng, có để một chiếc trống nhỏ để đánh báo hiệu khi  đến nơi.  Từ tiên giới về hạ giới là cả một quảng đường dài. Đến quãng trưa, nàng lấy cơm cho con ăn, vô tình để rơi mấy hạt cơm trên mặt trống.  Một đàn quạ bay ngang qua thấy vậy đỗ lên mặt trống nhặt những hạt cơm rơi vãi. Nghe tiếng trống, Hoàng Cân lực sĩ tưởng gia đình nàng đã đến nơi nên thả dây dòng. Chiếc thúng nhanh chóng rơi tự do và bùng lên ngọn lửa. Từ cửa trời nhìn thấy, Hoàng Cân lực sĩ biết mình nhầm và để tránh cho gia đình nàng khỏi bị thiêu cháy vội biến họ thành đá đúng lúc họ vừa đáp xuống làng Phúc Lâm. Hòn đá đó chính là ngọn Phúc Sơn.

Tác giả Thương Tùng có chép bài thơ vịnh Lèn Tiên Giới như sau:

Tiên Giới lèn này ở Phúc Sơn,
Lâm Phong Ngọc Nữ thấy dung nhan
Thanh cao trước hẳn chầu thiên khuyết
Trích giáng nay còn ở thế gian.
Trời rạng ngàn năm trăng rọi tỏ,
Sông bao ba phía nước hồi loan.
Ở gần huyện lỵ, không xa cách,
Hỏi có tình chi với huyện quan.

                                                                     Phan Viết Dũng
                                                               (sưu tầm và giới thiệu)








 

,
.
.
.