Một vị quan thanh liêm, thông tuệ

Cập nhật lúc 08:05, Thứ Năm, 31/01/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là cụ Huỳnh Côn. Ông sinh tháng 2 Canh Tuất - năm Tự Đức thứ ba (1850) tại làng Kiên Bính, nguyên quê gốc là làng Trung Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, nay là xã Bảo Ninh, Đồng Hới.
Cụ thân sinh ông là nhà nho nghèo, học đậu tú tài nhưng không ra làm quan mà theo nghề làm thuốc chữa bệnh, nổi tiếng thầy thuốc giỏi, đức hạnh, nhân từ.

Huỳnh Côn được cha mời thầy dạy học tại nhà, học cùng thời với Nguyễn Phạm Tuân, Trần Khắc Tuấn, học giỏi có tiếng, về sau hai vị này trở thành thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương chống giặc Pháp. Ông Huỳnh học thông, biết rộng, năm 18 tuổi (1868) thi đậu Cử nhân, đến năm Đinh Sửu - Tự Đức thứ 29 (1877) đậu Phó bảng. Đời ông ra làm quan không mấy êm thuận, có lúc bị giáng cấp, nhưng nhờ khả năng thông tuệ, xuất sắc trong hàng đại quan nên không bị mất chức. Về sau ông được phong Thượng thư bộ Hộ, đã dẫn biểu lập Ngân sách Nam triều, định giá "quan tiền" (đơn vị đo đồng tiền) đưa vào làm lương, thưởng, mua bán... Ông còn thông hiểu về giáo dục, tham gia Hội đồng giáo dục, lập ra bộ Học cho triều đình lúc bấy giờ.

Huỳnh Côn từng giữ chức tri phủ ở Nam Xương (Nam Định), án sát tỉnh Phú Yên, Thừa Thiên, Quảng Bình, Hà Tĩnh... Lúc về triều trông coi bộ Hộ, bộ Lễ, rồi Phụ Chánh đại thần giúp vua Duy Tân, làm thầy giảng Văn sách cho nhà vua. Ở cương vị nào ông cũng giữ đức độ thanh liêm, chính trực. Có lần tay sai và giặc Pháp định việc đào lăng vua Tự Đức để tìm vàng, ông Huỳnh bèn họp Hội đồng phụ chánh, gồm cả đại thần Lục bộ, ghi biên bản có điều khoản: "Nếu tìm không có vàng thì kẻ chỉ điểm phải bị xử trảm". Thế là việc đào lăng tìm vàng không thi hành được nữa.

Trong cuộc khởi nghĩa Duy Tân (5-1916) ông Huỳnh biết nhà vua cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên chống giặc Pháp, nhưng việc không thành, viên khâm sứ Pháp Saten (Châtel) vốn đã nghi ngờ ông, đang đêm đưa lính tới vây nơi ông ở, đánh thức ông dậy để hỏi: -Là Thượng thư bộ Lễ và là phụ chánh đại thần, ông có biết lúc này vua đang ở đâu không?

Mặc dù ông biết vua đã xuất khỏi cung từ lâu nhưng vẫn điềm nhiên trả lời: - Vua thì khi nào cũng ở trong nội cung chứ còn ở đâu nữa!

Thực ra quân Pháp đã biết vua không còn ở trong cung, nhưng họ muốn thử ông, bảo ông đưa vào cung tìm vua. Nếu ông Huỳnh vào được Đại nội lúc nửa đêm tức là ông đã ở phía vua Duy Tân làm chủ kinh thành chống Pháp, có cơ sở ghép tội ông phản loạn. Nhưng ông chỉ yêu cầu gọi người chỉ huy giữ thành nội lên mặt thành để hỏi chuyện với lời lẽ nói gần nói xa, bóng gió kiểu giằng co, kéo dài thời gian hàng giờ đồng hồ, ngụ ý việc làm đó là để nhà vua đi càng xa, quân Pháp khó theo tìm được...!

Cuộc khởi nghĩa Duy Tân không thành, những chí sĩ đã tham gia phong trào bị tra tấn, xử cực hình, nhà vua bị bắt và đày sang đảo Réunion (châu Phi). Huỳnh Côn không có thế nào khác là về vườn. Chuyện kể về gia đình ông lúc còn chức quyền hay khi vào cảnh hàn vi ông luôn căn dặn các quan chức ở phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là không được lợi dụng danh nghĩa của ông mà tham nhũng, làm điều bất chính, người làng nội ngoại có sai trái đều phải xử lý nghiêm, không được nể nang, thiên vị.

Nhờ sự răn dạy của ông mà các con, cháu ông lập thân thành đạt. Con trai đầu là Hoàng Châu Tích đậu cử nhân, nổi tiếng thơ nôm thời trước 1945, đến Cách mạng tháng Tám - 1945 con trai thứ Huỳnh Kham là tiến sĩ, bác sĩ đầu tiên ngành y Quảng Bình, sau là Trưởng khoa da liễu Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, danh hiệu Thầy thuốc ưu tú; cháu nội ông là giáo sư Hoàng Tuệ, Viện trưởng Viện ngôn ngữ Việt Nam; cháu nội thứ là giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, nhà sử học, nhà giáo nhân dân...

Về sự nghiệp văn chương ông để lại đời sau nhiều tác phẩm có giá trị như Hà Nguyên Thi Khảo, tập thơ nôm về thi cử thời 1914 - 1925; Chiêm Thành Khảo nói về cuộc chiến với quân Chiêm Thành; Quảng Bình Khoa lục (2 tập) sưu tập danh sách khoa bảng Quảng Bình qua các khoa thi, cả điều lệ thi, số người dự thi, người trúng tuyển, ban giám khảo... từ thời Gia Long đến Duy Tân.

Khi về làm thuốc, ông Huỳnh tập hợp kinh nghiệm viết bộ sách Trung Việt Dược tính hợp biên đi sâu cả y học, dược học, thuốc Bắc, thuốc Nam, gồm 32 quyển ghi 1655 vị thuốc cùng với cách điều chế, công dụng, có hiệu nghiệm đến những đời sau.

Ông Huỳnh Côn mất ngày 7 tháng giêng năm Ất Sửu (1925) thọ 76 tuổi, mộ táng ở Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh. Vị quan triều như ông nhưng khi nhắm mắt xuôi tay không đủ tiền lo tang lễ, để lại tiếng thán phục về con người thông tuệ với cuộc sống thanh liêm, chính trực trong dân chúng.

                                                                  Nguyễn Văn Hiệp (st)
 

,
.
.
.