Về tên sông Linh Giang

Cập nhật lúc 07:32, Thứ Ba, 13/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Các bài viết của tác giả  Tôn Thất Thọ đăng ở Tạp chí Xưa và Nay số 341 tháng 10 năm 2009  và của tác giả Nguyễn Quốc Toàn đăng ở  Tạp chí Nhật Lệ đều để cùng trả lời một câu hỏi chung: Linh Giang là sông nào? Sau khi trưng các chứng cứ từ các thư tịch cổ rất công phu, chính xác và thực hiện các thao tác khoa học nghiêm túc, cần thiết, hai tác giả đi đến các kết luận của riêng mình, đại thể như sau:

Tôn Thất Thọ: Linh Giang là tên gọi chỉ con sông Hương ở Thừa Thiên-Huế chứ không phải là sông Gianh ở Quảng Bình như các sử thần nhà Nguyễn đã chép.

Nguyễn Quốc Toàn: Địa danh trùng tên là chuyện thường gặp. Sông Gianh (Quảng Bình) cũng có tên là Linh Giang, thậm chí có lúc được gọi là Đại Linh Giang.

Sông Hương ngày vua Khải Định băng hà: 6-11-1925. (Chụp lại từ ảnh tư liệu).
Sông Hương ngày vua Khải Định băng hà: 6-11-1925. (Chụp lại từ ảnh tư liệu).

Về vấn đề này, tôi xin góp bàn thiển ý dưới đây để hai tác giả và bạn đọc tham khảo và chỉ giáo:

Dựa vào các cứ liệu của hai bài viết nói trên và thực tế, thì Sông Gianh (ở tỉnh Quảng Bình) và sông Hương (ở tỉnh Thừa Thiên-Huế) có các đặc điểm giống và khác nhau sau đây:

-  Giống nhau:

+ Là hai hiện tượng địa lý, dạng vật chất, hội đủ các tiêu chí để cùng nằm trong một khái niệm địa lý / mục từ từ điển: SÔNG (đọc theo âm Hán-Việt là GIANG) 
+ Cùng đã từng và đang nuôi sống / đe dọa hai cộng đồng người chính: Chăm và Việt trong quá trình tồn tại của mình (lịch đại).
+ Có thời điểm được các cổ thư chép cùng tên là LINH GIANG.

- Khác nhau:

+ Có quy mô khác nhau (tác giả Nguyễn Quốc Toàn đã chứng minh trong bài viết của mình về độ dài, lưu vực, lưu tốc nước...)
+ Tọa lạc ở hai vùng địa lý / hành chính / văn hóa khác nhau: kinh kỳ (sông Hương) / biên viễn (sông Gianh).
+ Có hai tên gọi đương đại khác biệt nhau: HƯƠNG / GIANH

Từ các đặc điểm trên, tôi xin xin có vài thiển ý như sau:

1. Cả hai dòng sông Hương và sông Gianh được những người san định cổ thư ghi lại đã từng có thời cùng mang tên LINH GIANG, mà tác giả Nguyễn Thế Thọ cho là người xưa ghi chép sai từ sông này (Hương) sang sông kia (Gianh), vì trong diễn trình tồn tại của chúng, chỉ có sông Hương mới từng mang tên Linh Giang mà thôi! Nhưng theo tôi, đó lại là sự ghi chép chân thật, chuẩn xác tại thời điểm lịch sử ấy của tiền nhân.

Tên gọi này chắc chắn không do những người san định cổ thư tự võ đoán đặt ra, mà được kế thừa ít nhất từ hai nguồn thông tin / tư liệu: di cảo của tiền nhân và sự cung cấp (thông tin) của cộng đồng dân cư sinh sống hai bên bờ sông Hương và sông Gianh. Chỉ có điều, khái niệm LINH GIANG được ghi lại ở đây không phải là tên sông / địa danh, mà đó là ý niệm của các cộng đồng dân cư hai khu vực này về các con sông hiền hòa (nuôi dưỡng) / hung hãn (hủy diệt) của mình. Những người san định cổ thư không biết / không có ý định phụ chú điều này khi ghi lại nó, nên lâu dần, ý niệm linh giang được địa danh hóa, do đó, người đời sau đồng nhất / nhầm lẫn ý niệm linh giang thành tên sông / địa danh LINH GIANG, và đương nhiên tranh biện đã xảy ra.

2.Trong suốt quá trình tồn tại, hai dòng sông Hương và sông Gianh đã từng có những tên gọi khác nhau mà các cổ thư đã liệt kê, tuy nhiên, theo tôi, đó chưa phải là những liệt kê đầy đủ (và không bao giờ đủ). Bằng chứng: sông Hương và sông Gianh đã từng gắn bó với cộng đồng người Chăm hùng mạnh.

Những người Chăm có nền văn minh sớm phát triển rực rỡ, có kỹ năng sông nước vượt trội, đã từng sở hữu độc lập hai dòng sông hùng vĩ này trong một thời gian dài, không thể không định danh cho nó để tiện sinh hoạt, thậm chí để tôn thờ. Thế mà, trong các cổ thư do hai tác giả Nguyễn Thế Thọ và Nguyễn Quốc Toàn dẫn ra không thấy có một tên Chăm nào dùng để chỉ hai con sông này; đó chỉ có thể là sự chưa tìm thấy của tiền nhân mà thôi. Với hiện thực lịch sử - văn hoá này, theo tôi, hai dòng sông Gianh và sông Hương trong quá trình được con người khai thác hẳn đã từng được định danh bởi các lớp tên có nguồn gốc sau đây: Chăm - Nôm (Việt cổ) - Hán Việt (còn gọi là tên Chữ), tuy nhiên, đến nay nó đã không được bảo lưu đầy đủ.

3. Như vậy, nếu ta giữ nguyên các tên gọi của hai dòng sông được nhắc nhiều trong bàn luận: LINH GIANG, SÔNG HƯƠNG, SÔNG GIANH, còn những tên gọi khác trong lịch sử đã biết và chưa biết của hai dòng sông này được mã hóa bởi các ký tự chữ cái tiếng Việt (viết hoa) khác nhau tương ứng, chúng ta sẽ có mô hình hai chuỗi tên gọi của các dòng sông này như sau:
 * X - Y - LINH GIANG - Z ... - SÔNG HƯƠNG.
 * M - N - O - LINH GIANG... - SÔNG GIANH.

Trong hai chuỗi tên gọi khác biệt trên, dễ dàng nhận  thấy duy nhất chỉ có một vị trí trùng lặp mà thôi:LINH GIANG. Những tên gọi còn lại hoàn toàn khác biệt nhau, không cần chứng minh quyền sở hữu. Vậy thì, với phẩm chất ngôn ngữ / văn hoá nào mà duy nhất LINH GIANG lại được hai cộng đồng người ở hai vùng địa lý/ hành chính/ văn hóa (kinh kỳ / biên viễn ) cùng sử dụng trùng cho dòng sông trên lãnh thổ của mình?

4. LINH GIANG, về mặt ngôn ngữ là từ ghép Hán - Việt (tên chữ), trong đó có thành tố GIANG (sông) là của chung mọi dòng sông, không thể và không cần phân định. Còn lại thành tố LINH có thể là sở hữu riêng, hoặc đầu tiên với tư cách là tên gọi của một con sông cụ thể nào đó, nếu chứng minh được.

Tra cứu trong nguyên tác các thư tịch cổ do hai tác giả Tôn Thất Thọ và Nguyễn Quốc Toàn cung cấp, thấy các bậc tiền nhân sử dụng chữ LINH (?) bộ "vũ", có nghĩa  thần linh, linh khí, linh ứng để ghi cho LINH GIANG (..).

Theo đó, nếu cần phải diễn nôm (dịch) thì LINH GIANG nghĩa là DÒNG SÔNG LINH THIÊNG. Hai dòng sông khác biệt nhau (HƯƠNG và GIANH) được hai cộng đồng cư dân ở hai vùng địa lý cách xa nhau cùng tôn phong là LINH THIÊNG thì rõ ràng đó là Ý NIỆM tôn kính / sợ hãi của họ đối với dòng sông hiền hoà / hung dữ xứ mình, chứ không phải là KÝ HIỆU (ngôn ngữ) để dùng làm tên gọi thông thường. Nhưng Ý NIỆM ở hai vùng xa cách về hai con sông khác biệt nhau do đâu mà lại có cùng mẫu số chung LINH GIANG? Đơn giản, do các cộng đồng người này đều cùng là người Việt, và cùng một văn hoá tín ngưỡng. Bằng chứng:

- Người Việt xưa có tục thờ nhiên thần (các vị thần có nguồn gốc tự nhiên). Các hiện tượng tự nhiên  nào cộng đồng không giải thích được, không chế ngự được, hoặc quá hàm ơn..., đều được phong thần và tôn thờ, bởi vậy nên mới có thần núi, thần sông, thần cây đa, ma cây gạo..., những thế lực tự nhiên siêu nhiên vừa gây ra sự sợ hãi, vừa gieo lên niềm hy vọng cho con người vốn yếu ớt về thể chất (so với tự nhiên), thấp kém về hiểu biết quy luật (về tự nhiên) thời bấy giờ.

Thượng nguồn sông Gianh
Thượng nguồn sông Gianh. Ảnh: Trần Hùng

Sông Hương và sông Gianh là những dòng sông hai mặt hùng vỹ nhất ở khu vực, nó nuôi sống cộng đồng, nhưng đồng thời cũng có khả năng huỷ diệt cộng đồng khi trở chứng. Cộng đồng cư dân ở lưu vực hai dòng sông đã kính trọng, sợ hãi hai dòng sông này đến mức thốt lên thành lời: DÒNG SÔNG LINH THIÊNG (LINH GIANG). Quyền kính trọng và sợ hãi trước tự nhiên là quyền chung của CON NGƯỜI chứ không phải là đặc hữu của riêng một nhóm cộng đồng nào, miền địa lý nào...

- Người xưa khi thấy vật gì được khí tinh anh hun đúc lại hơn cả các loài vật cùng loài thì gọi là linh (Từ điển Hán-Việt Thiều Chửu). Chẳng hạn, con người là giống linh hơn muôn loài, do vậy khi chết gọi là linh: linh cữu = thi thể, linh sàng = giường người chết nằm, thiết linh = bài vị thờ người chết... Ở cấp độ thấp hơn, động vật cũng có nhóm linh hơn những động vật còn lại: Tứ linh (kỳ lân, phượng hoàng, rùa, rồng).

Theo đó, sông Hương và sông Gianh rõ ràng là hùng vĩ nhất, được các cộng đồng cư dân ở đây cho là được khí tinh anh hun đúc lại hơn cả các con sông khác trong khu vực mà họ được biết, nên đã tự nguyện tôn vinh là LINH GIANG với mơ ước sẽ được các đấng nhiên thần này nuôi sống và che chở. 

Rõ ràng LINH GIANG là một ý niệm tôn xưng tất yếu của một cộng đồng đối với dòng sông của mình, chứ không phải là một danh xưng (tên gọi) thông thường. Đó là văn hoá tín ngưỡng nhiên thần có mẫu số chung, rất phổ quát, ở đâu để đó, không thể và không cần thiết phải tìm chủ sở hữu duy nhất.

                                                                                    Trần Hùng


,
.
.
.