Nhật Lệ một thoáng biển xuân

Cập nhật lúc 09:36, Thứ Tư, 15/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Sớm đầu xuân, sắc nắng hồng vẫn còn vương vấn hương vị ấm áp của tết qua những nhành mai khoe sắc vàng tươi thắm giữa đất trời tháng Giêng. Biển Nhật Lệ hiền hòa, mang một vẻ đẹp kiều diễm và lộng lẫy như  những nàng tiên cá đang du xuân giữa lòng đại dương. Khách du xuân ghé thăm thành phố Hoa Hồng, hòa chung vào biển, sóng và cát làm Nhật Lệ trở nên tươi tắn, rạng ngời.

Ánh dương hé lộ trên đầu những con sóng. Từ khách sạn Sài Gòn- Quảng Bình nhìn ra phía đông thấy một biển nước mênh mông pha chút sắc hồng huyền ảo, như tấm áo của cô dâu trong ngày cưới. Làn khói xuân mỏng manh mang theo sương đêm lành lạnh la đà trên mặt nước kỳ ảo, gợi nỗi nhớ về những câu chuyện tình đầy nước mắt của nàng Mỵ Ê và công chúa Huyền Trân. Chuyện hư thực tôi không muốn bàn sâu, sáng nay lang thang dọc dòng Nhật Lệ, thoáng nghe sóng nước tự tình.

Nàng tên Mỵ Ê, vương phi của vua nước Chiêm Thành Xạ Đẩu. Vào triều đại vua Lý Thái Tông (1028- 10540), Chiêm Thành không thuần phục Đại Việt, vua Lý Thái Tông thân hành đem binh đi chinh phạt. Xạ Đẩu bày trận ở sông Bố Chính nghinh đón nhưng bị đánh tan. Quân Đại Việt tiến sâu vào kinh đô Đồ Bàn, Chiêm Thành bắt được nàng Mỵ Ê cùng nhiều cung nhân, nhạc nữ đưa về bắc. Thuyền đang đi qua một cửa sông, vua Lý nghe nàng Mỵ Ê có một sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, sai quan Trung Sứ mời vào hầu hạ.

Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ Nhật Lệ.
Tượng đài Mẹ Suốt bên bờ Nhật Lệ.

Nàng Mỵ Ê uất hận từ chối rằng: "Vợ phường mạn rợ quê mùa, y phục xấu xí, ngôn từ thô lỗ, không giống các phi tần Trung Hoa. Nay nước tan, chồng mất, chỉ mong một chết là thỏa lòng. Nếu cưỡng bức hợp hoan, ngại nỗi làm dơ mình rồng vậy!".

Nói đoạn lấy khăn lông quấn chặt người, nhảy xuống sông. Chỉ nghe ầm một tiếng, dáng ngọc chìm sâu vào dòng nước xoáy. Mấy trăm năm sau, ngang qua dòng sông nơi nàng Mỵ Ê bạc mệnh trầm mình thủ tiết trinh, thi sỹ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu dệt lên những vần thơ khóc thương nàng cung phi Chiêm Thành: "Châu Giang một nhánh sông dài/ Thuyền ai than thở một người cung phi/ Đồ Bàn thành phá hủy/Ngọa Phật tháp thiên di/ Thành tan, tháp đổ/ Chàng tử biệt, thiếp sinh ly/ Sinh ký đau lòng kẻ tử quy/ Sóng bạc ngàn trùng/ Âm dương cách trở/ Chiên hồng một tấm/ Phu thê xướng lụy/ Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!/ Đũa ngọc, mâm vàng, giọt lụy rơi/ Nước sông trong đục/ Lệ thiếp đầy vơi/ Bể bể, dâu dâu, khóc nổi đời!/ Trời ơi! Nước hỡi! mây trời!/ Nước chảy, mây bay, trời ở lại/ Để thiếp theo chàng mấy dặm khơi".

Vua Trần Nhân Tông sau khi truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông lên tu hành tại núi Yên Tử, ngài thường xuyên đi du ngoạn đây đó, có lúc vào đến đất Chiêm Thành. Vua Chế Mân biết người khách khoác áo cà sa ấy là Thái Thượng Hoàng xứ Đại Việt đã lấy tình bang giao ra mà tiếp đãi nồng hậu. Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông cảm mối thịnh tình ấy hứa gả công chúa Huyền Trân cho ông vua trẻ Chế Mân. Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý làm của hồi môn, rước Huyền Trân về nam. Công chúa Huyền Trân làm hoàng hậu Chiêm Thành một năm thì Chế Mân mất.

Theo tục lệ Chiêm Thành, vua mất thì các cung phi cũng phải lên dàn hỏa thiêu tuẫn táng theo. Vua Trần Anh Tông hay tin, sợ em gái mình bị hại bèn sai võ tướng Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành tìm cách đưa công chúa Huyền Trân về. Sử sách ghi lại cuộc hôn nhân của nàng công chúa trẻ Huyền Trân và vua Chế Mân thực chất là một cuộc hôn nhân chính trị, nhờ đó mà hai châu Ô, Lý thuộc về Đại Việt.

Rồi nghi án về mối tình của Huyền Trân và quan Nhập nội hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ Trần Khắc Chung trên hành trình trốn chạy giữa biển đông ngót một năm trời mới về tới kinh thành Thăng Long. Nghi án xưa chìm sâu vào quá khứ. Nhưng trên dặm đường xa ngái làm dâu xứ người, nước mắt công chúa Huyền Trân âm thầm rơi vào cửa sông này cùng với những lời ai oán trong "Nước non ngàn dặm" được cho là lời của Huyền Trân công chúa: "Nước non ngàn dặm ra đi/ Mối tình chi! Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly/ Xót thay vì/ Đương độ xuân thì/ Số lao đao hay là nợ duyên gì?/ Má hồng da tuyết/ Cũng như liều hoa tàn trắng khuyết/ Vàng lộn theo chì/ Khúc ly ca, sao còn mường tượng nghe gì...".

Cửa biển Nhật Lệ.
Cửa biển Nhật Lệ.

Hai con người, hai bậc kiều nữ của hai đất nước lặng lẽ đánh rơi những giọt lệ buồn man mác. Cho bây giờ Nhật Lệ đẹp như nỗi buồn trên khóe mắt thiếu nữ, và biển cả mang vị mặn nồng của tình yêu. Có lẽ thế nên thi sĩ Hồ Thiên Du đã họa nên một bức tranh thơ trước cảnh sắc Nhật Lệ: "Nhật chi lệ bất vô chi chúc giả" (nghĩa là: sự rực rỡ của ánh sáng mặt trời thì không nơi nào là nó không chiếu đến được).

 

Đến Nhật Lệ, thả hồn theo những bước chân trần trên cát, lãng du vào những câu chuyện cổ tích dạt dào tình yêu. Dọc theo con đường Nguyễn Du và Trương Pháp ven bờ Nhật Lệ chợt bắt gặp những dấu tích lịch sử hào hùng, trường tồn vĩnh cửu với thời gian. Đó là tượng đài Mẹ Suốt, người mẹ- chiến sĩ ngẩng cao đầu mặc mưa bom, bão đạn, chở bộ đội trên dòng Nhật Lệ huyền thoại; là Chứng tích tội ác chiến tranh tháp chuông nhà thờ Tam Tòa với nguyên vẹn ngôi tháp chuông.

Tại nhà thờ Tam Tòa, năm 1912, thi nhân Hàn Mặc Tử được rửa tội. Ông lớn lên cùng biển, sóng, nước Nhật Lệ mặn mòi, để có những vần thơ long lanh trên thi đàn Việt Nam: "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền". Nhìn ra phía bắc, biển Quang Phú lập lờ dưới những tán dương xanh, cùng hương vị ngọt ngào Bàu Tró. Chỉ một khoảng cách rất ngắn... dường như, biển mặn và hồ nước ngọt liền mạch với nhau. Ấy thế, Bàu Tró vẫn là nguồn nước ngọt tự nhiên trên vùng đất "chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình".

Những năm 1809 - 1813, Đại thi hào Nguyễn Du làm cai bạ ở Quảng Bình, một chiều ông lang thang nơi cửa biển Nhật Lệ, thốt lên rằng: "Buồn trông cửa bể chiều hôm/ Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa’’. Những chiều muộn, tiếng sóng dội bờ thì thầm nhỏ to tâm sự như lời những đôi tình nhân. Trên biển, chúng ta say ngắm những chuyến tàu đi khơi, đi lộng, rồi mới thấu hiểu nỗi lòng của những người cha, người chồng, người anh ra biển khơi, vẫn đau đáu, thương nhớ về một mái ấm gia đình. Cảnh đẹp cửa Nhật Lệ, sông Nhật Lệ, biển Nhật Lệ đi vào thơ ca nhẹ nhàng, bình dị, người Quảng Bình lấy dòng Nhật Lệ niềm tự hào cho cảnh quan sông núi quê mình: "Sông Nhật Lệ dòng sâu biết mấy/Núi Đầu Mâu cao bấy nhiêu tầng."

Mải mê lãng du, ai ngờ hoàng hôn đến tự bao giờ. Một ngày rong ruổi không đủ đi hết những triền cát trắng để thoả chí tang bồng, đành lỗi hẹn với Nhật Lệ, với biển, với cát, với tấm lòng của người dân biển. Thôi ta cùng cố nhân tìm vào một góc quán nhỏ bên bờ biển chiều. Chút mồi biển dân dã, cút rượu đế cay cay: "Cụng đầu tí chút mùi men/Lai rai hương đẻn mà nên bạn tình".

                                                                        Thanh Long- Thụy Xuân

,
.
.
.