Nghề đúc ở Hòa Ninh

Cập nhật lúc 08:52, Thứ Hai, 27/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Không biết từ bao giờ, bên dòng Hòa Giang êm đềm trôi, với đình làng Hoà Ninh ngày ngày soi bóng, đã có một làng nghề của những người thợ đúc, suốt một đời cần mẫn giữ lửa truyền nghề. Đó là nghề đúc ở làng Hòa Ninh thuộc xã Quảng Hòa (Quảng Trạch).

Cũng như nhiều làng nghề khác trong tỉnh, nghề đúc ở làng Hòa Ninh đã có từ lâu đời, nhưng do biến động của lịch sử, nên các gia phả và kỹ thuật của làng nghề bây giờ không còn giữ lại bằng văn bản mà chủ yếu là cha truyền cho con, ông truyền cho cháu.

Theo tài liệu khảo cổ học thì vùng đất Quảng Trạch là nơi đã phát hiện ra đồ đồng với các mảnh đồng, bình hoa bằng đồng, nồi đồng và cả trống đồng...Điều đó có thể khẳng định từ xa xưa nghề đúc đã manh nha hình thành với việc  khai thác nguyên liệu đồng để đúc đồ dùng sinh hoạt và tín ngưỡng.

Ông Nguyễn Quang Vinh, 56 tuổi, người đã có thâm niên gắn bó với nghề cho biết: gia đình ông có nhiều đời làm nghề đúc, bản thân ông đã phụ giúp cha mẹ làm nghề này từ khi còn nhỏ. Đây là nghề tuy vất vả nhưng đã từng mang lại cho người dân trong làng một cuộc sống ổn định.

Gia đình anh Đoàn Mại ở thôn Nhân Hòa, Quảng Hòa vẫn miệt mài với nghề rèn truyền thống của mình. Ảnh: T.H
Gia đình anh Đoàn Mại ở thôn Nhân Hòa, Quảng Hòa vẫn miệt mài với nghề rèn truyền thống của mình. Ảnh: T.H

Làng nghề truyền thống này được biết đến với các sản phẩm nồi nấu cơm đủ các cỡ, nồi nấu bánh chưng, nồi nấu rượu và các loại nồi khác. Không những phục vụ nhu cầu người dân 9 xã vùng nam Quảng Trạch, sản phẩm của làng còn được đưa đi tiêu thụ ở chợ Ba Đồn, đưa lên Tuyên Hoá, Minh Hóa, ra Hà Tĩnh và sang cả thị trường Lào. Ngoài ra, làng còn làm theo đơn đặt hàng của các lái buôn.

Có thời kỳ, nghề đúc của làng phát triển mạnh, lúc đó làng nghề đã có sự chuyên môn hoá rõ rệt, người dân trong làng chỉ biết toàn tâm toàn ý với nghề mà không phải lo làm thêm một nghề phụ nào. Nghề  đúc đòi hỏi phải có sức khỏe nên chủ yếu nam giới làm thợ cả, phụ nữ chỉ phụ giúp nhóm lò, khiêng khuôn đúc và gọt giũa lại sản phẩm cho đẹp.

Để làm ra sản phẩm, người thợ thực sự rất vất vả. Đầu tiên người thợ phụ nhóm lò than đỏ, cho nguyên liệu nhôm vào nồi bắc lên lò để nấu, cũng là lúc người thợ cả bắt tay vào đóng khuôn gỗ, bỏ cát vào nồi làm mẫu, sau đó  lấy nồi mẫu ra để tạo hình cái nồi ở trong khuôn. Khi người thợ phụ nấu nhôm đã nóng chảy là lúc người thợ cả vừa làm xong khuôn và họ cùng nhau đổ  nhôm đã nóng chảy vào khuôn, chờ khoảng 5 phút thì tháo khuôn rồi lấy nồi ra.

Quy trình từ khi nấu nhôm đến khi làm ra một sản phẩm mất khoảng 1 giờ đồng hồ. Nếu làm cật lực từ sáng tới tối được khoảng 7 sản phẩm. Ông Vinh còn cho biết thêm: nghề đúc hơn nhau là nhờ kỹ thuật và mỗi lò đúc luôn cất giữ cho mình một bí quyết riêng, đó chính là kinh nghiệm lâu năm được kết tinh qua bàn tay đóng khuôn khéo léo của người thợ cả, kinh nghiệm chọn cát làm khuôn, cũng như cách nhận biết độ nóng của nước nhôm để cho ra đời những ra sản phẩm có chất lượng, làm hài lòng người tiêu dùng.

Nhưng sẽ là một thiếu sót nếu không nói đến tình yêu nghề như đã hòa cùng tiếng ống bệ thổi lửa, len lỏi vào từng chi tiết của khuôn đúc, từng giọt mồ hôi nhọc nhằn chảy qua năm tháng, bất chấp dưới cái nắng như thiêu như đốt hay giữa mùa đông lạnh lẽo, người Hòa Ninh vẫn say sưa với nghề.

Kinh tế ngày càng phát triển, cùng với chính sách mở cửa hội nhập với thế giới, hàng hóa từ nước ngoài tràn về trong đó phải kể đến các loại đồ dùng sinh hoạt như nồi cơm điện, nồi áp suất, nồi đa năng, nồi chống dính, nồi Inoc, nồi men, nồi thuỷ tinh..., phong phú về chủng loại, đẹp về mẫu mã, tiết kiệm được nhiên liệu lại thích hợp trong việc sử dụng các loại bếp bảo vệ môi trường đã được đưa về bày bán tại các chợ lớn, nhỏ cũng như chợ của quê hương làng nghề làm cho sản phẩm của nghề đúc vào thế cạnh tranh không có lợi, bị thu hẹp dần.

Số lượng lò đúc trong làng đã giảm xuống chỉ còn 4-5 lò, sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, thu nhập của người lao động rất thấp. Thêm vào đó, nghề đúc cần có số vốn lớn, giá nguyên liệu đầu vào lại rất đắt nên sản phẩm làm ra rất khó cạnh tranh với hàng hoá trên thị trường. Để tồn tại với nghề truyền thống mà cha ông để lại, gia đình ông Vinh còn phải kiêm luôn đại lý thu mua phế liệu để từ đó có thể tận dụng nguồn nguyên vật liệu cũ cần thiết vào trong sản xuất, nhằm giảm chi phí mua nguyên liệu đầu vào, từ đó giảm giá thành sản phẩm làm ra để còn có cơ hội cạnh tranh với hàng hoá trên thị trường, và hơn thế nữa là để có điều kiện giữ lửa truyền nghề như ước nguyện thời trai trẻ của ông cũng như biết bao người thợ của làng đúc Hoà Ninh.

Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có Thông tư 04/2010 TTBVHTTDL quy định việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Làng đúc Hoà Ninh được vinh dự nằm trong danh mục những di sản văn hoá phi vật thể của tỉnh cần được bảo vệ.

Sẽ không ai muốn nghề truyền thống của ông cha mình bị mai một, nhưng nếu cứ tiếp tục giữ lấy nghề thì cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là nỗi trăn trở của những người thợ ở làng đúc Hòa Ninh. Liệu nghề đúc Hòa Ninh có giữ được lâu dài?

                                                                                  Phan Thị Hằng
                                                                             (Bảo tàng Quảng Bình)

,
.
.
.