Lê Văn Tri vị tư lệnh của những trận chiến trên không

Cập nhật lúc 12:41, Thứ Ba, 14/02/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Đóng góp vào thắng lợi của quân và dân ta, không thể không nhắc tới những trận chiến trên không đã gắn liền với tên tuổi một vị tướng, Tư lệnh Quân chủng phòng không - không quân. Đó là Trung tướng Lê Văn Tri, người đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" cuối năm 1972 và "Phi đội Quyết thắng" oanh kích vào sân bay Tân Sơn Nhất trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

 

Đ/c Lê Văn Tri - (thứ 3 từ trái qua) báo cáo đ/c Lê Duẩn và Thượng tướng Văn Tiến Dũng kế hoạch đánh máy bay B52 1972. (Nguồn: Internet)
Đ/c Lê Văn Tri - (thứ 3 từ trái qua) báo cáo đ/c Lê Duẩn và Thượng tướng Văn Tiến Dũng kế hoạch đánh máy bay B52 1972. (Nguồn: Internet)

Trong cuốn Hồi ký Mặt đất và bầu trời, NXB Quân đội Nhân dân, 2006, Trung tướng Lê Văn Tri đã kể lại những ngày tham gia chỉ huy trận "Điện Biên Phủ trên không": Tháng 8-1967, khi đang là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, ông được điều động về lại Quân chủng phòng không không quân, với cương vị Phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng. Tháng 10 năm 1969, ông được đề bạt làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không- không quân.

Năm 1972, bị thất bại nặng nề trên mọi mặt trận buộc Mỹ phải thỏa thuận với Chính phủ ta về một bản hiệp định "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam". Tuy nhiên, sau đó phía Mỹ đã lật lọng không ký hiệp định như đã thỏa thuận mà tăng cường viện trợ ồ ạt vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân ngụy Sài Gòn, mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng. Đặc biệt, Tổng thống Nich-xơn điên cuồng mở cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng không quân vào miền Bắc nước ta. 

Âm mưu của địch là bất ngờ tiến hành cuộc tập kích chiến lược quy mô chưa từng có trong chiến tranh ở Việt Nam. Chúng sẽ huy động một lực lượng không quân lớn mạnh, đặc biệt là máy bay B52 với gần 200 chiếc (chiếm 50% số lượng B52 của Mỹ), đánh vào những mục tiêu quan trọng, nhất là Hà Nội và Hải Phòng và nhiều địa phương khác hòng phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam nhằm gây sức ép buộc ta phải nối lại đàm phán và phải chấp nhận những điều kiện của Mỹ.

Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương Chỉ thị cho các lực lượng vũ trang thường trực sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là lực lượng phòng không, không quân. Với cương vị là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, Tướng Lê Văn Tri đã quán triệt chỉ thị của Quân ủy Trung ương bằng những hành động cụ thể.

Ngày 31-10-1972, Bộ tư lệnh Quân chủng tổ chức hội nghị thông qua kế hoạch tác chiến: "Cách đánh B52 bằng hoả lực tên lửa".

Ngày 24-11-1972, bản kế hoạch tác chiến đánh B52 của Quân chủng Phòng không- không quân được Bộ tổng tham mưu thông qua và giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân: "nhiệm vụ trọng tâm là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là B52 mà tiêu diệt".

Trước nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức vẻ vang này, Tư lệnh Lê Văn Tri đã có những kế hoạch, sách lược đánh B52, mang tính chất một chiến dịch phòng không tổng hợp của chiến tranh nhân dân đất đối không. Ông đã trực tiếp quán triệt cho toàn quân chủng đó là: "Quyết tâm thực hiện cho kỳ được yêu cầu của Bộ Chính Trị và Quân ủy là phải đánh bại cuộc tập kích chiến lược của đế quốc Mỹ, tiêu diệt, bắn rơi nhiều B52 và bắt sống nhiều giặc lái".

16 giờ ngày 18 tháng 12, Quân chủng Phòng không - không quân nhận được lệnh từ Bộ Tổng tham mưu là máy bay B52 của Mỹ xuất kích từ sân bay Enđecxơn (đảo Guam) chuẩn bị tập kích vào miền Bắc nước ta. Đây là thời khắc mở đầu chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không".

19 giờ ngày 18 tháng 12, Mỹ huy động nhiều  tốp B52 và  máy bay chiến thuật ném bom xuống một loạt mục tiêu trọng yếu ở Hà Nội, Hải Phòng. Ngay trận đầu ra quân, Trung đoàn tên lửa phòng không 261 đóng tại Cổ Loa đã bắn rơi 1 máy bay B52 mang số hiệu 5212001 rơi  tại Đông Anh. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị phòng không ta bắn rơi tại chỗ. Lúc đó là 20 giờ 13 phút ngày 18-12-1972. Tin vui chiến thắng trận đầu được loan báo khắp nơi làm cho khí thế chiến đấu của quân dân ta càng tăng thêm.

Trong đợt không kích 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc, Mỹ đã huy động hàng trăm máy bay, trong đó có rất nhiều máy bay chiến lược B52 ném bom tàn phá hầu hết các điểm trọng yếu của ta như sân bay, cầu cống, bến cảng, bệnh viện, trường học... giết hại hàng trăm dân thường vô tội. Nhưng cuối cùng chúng cũng phải chịu thất bại. Quân dân ta đã giành được thắng lợi, bắn rơi 81 máy bay địch, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111, 21 máy bay F4  và 21 máy bay chiến thuật khác.

Thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc về mọi mặt trong suốt 8 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đây là cuộc đọ sức quyết liệt nhất từ trước tới nay. Nghệ thuật tác chiến phòng không của bộ đội ta đã chứng tỏ sức mạnh tổng hợp của lực lượng bộ đội Phòng không không quân.

Trong thời gian làm Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân, Trung tướng Lê Văn Tri còn trực tiếp chỉ huy một trận chiến trên không lớn khác, đó là chỉ huy "Phi đội quyết thắng" ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong trận tập kích này, ngoài các phi công của ta như Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Mai Xuân Vượng thì còn có cả phi công của ngụy mà ta đã bắt được trước đó.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân chủng Phòng không không quân tham gia chiến dịch với phương án sử dụng máy bay mới thu được của địch để đánh địch.

Cái khó của phương án táo bạo này là phần lớn máy bay ta thu được của địch là máy bay A-37 còn khá xa lạ với phi công của ta. Vì vậy. Tư lệnh Lê Văn Tri đã quyết định cho hai phi công và một số thợ máy của không quân ngụy mà trước đó ta bắt được ra trình diện, hướng dẫn các phi công ta về kỹ thuật và cách sử dụng máy bay A-37. Chỉ sau 2 ngày được hướng dẫn, các phi công của ta lần lượt tập bay thử thành công.

Ngày 25 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh điện cho Bộ Quốc phòng đề nghị Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Cho không quân ta dùng máy bay vừa lấy được của địch ném bom vào sào huyệt quân ngụy ở Sài Gòn". Nhận được mệnh lệnh, Trung tướng Lê Văn Tri trực tiếp tổ chức, chỉ huy trận đánh. Bộ tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập "Phi đội quyết thắng". 14 giờ 30 phút ngày 28 tháng 4, "Phi đội quyết thắng" được triệu tập. Mục tiêu oanh tạc là khu vực để máy bay chiến đấu, đường băng, khu để vũ khí, khí tài của không quân ngụy tại sân bay Tân Sơn Nhất.

15 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975, "Phi đội quyết thắng" cất cánh, 5 chiếc A37- thu được của địch lần lượt trút bom xuống Sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy và làm cháy trên 50 chiếc máy bay địch. Tất cả máy bay và phi công ta đều trở về hạ cánh an toàn. Tư lệnh Lê Văn Tri ra tận đường băng ôm hôn từng phi công với niềm vui sướng xúc động.

"Điện Biên Phủ trên không" và "Phi đội quyết thắng" là những trận đánh lớn đã đi vào lịch sử của quân và dân ta. Những trận đánh oai hùng, những chiến công vang dội đó gắn liền với Trung tướng Lê Văn Tri, vị Tư Lệnh Phòng không - không quân, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.

                                                                Lê Chiêu Phùng - Văn Lộc

,
.
.
.