Nhớ về Thiếu tướng Hoàng Sâm

Cập nhật lúc 14:20, Thứ Hai, 26/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Để  sẵn sàng  lực lượng  vũ trang cách mạng  cho Tổng khởi nghĩa theo  chỉ  thị  của Trung ương Đảng và Bác Hồ, sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 22-12-1944,  tại  khu rừng Trần Hưng Đạo, Châu Nguyên Bình  tỉnh Cao Bằng, đồng chí  Võ Nguyên Giáp  tuyên bố thành lập Đội Việt nam  tuyên truyền Giải phóng  quân do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng và  đồng  chí  Xích Thắng  làm  chính trị viên.

Đội  có 34 người, gồm 31 nam và 3 nữ, biên  chế thành ba tiểu đội. Đây là  đơn vị lực lượng vũ trang chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Họ là những chiến sỹ ưu tú, dũng cảm, kiên cường được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng và  một  số đồng  chí  đi học nước ngoài về,  "Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ  nhưng  tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó  có  thể  đi  suốt từ  Nam  chí  Bắc, khắp đất nước Việt Nam".

Ông Hoàng Sâm (trái) cùng ông Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947. (Nguồn: Internet)
Ông Hoàng Sâm (trái) cùng ông Văn Tiến Dũng tại chiến khu Việt Bắc, năm 1947. (Nguồn: Internet)

Vừa tuyên truyền  xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng vừa đánh giặc, đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân ngày càng  phát  triển, lớn mạnh không ngừng,  anh dũng chiến đấu, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, Trung ương Đảng, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa một số đơn vị quân đội và nhiều cán bộ lên Tây Bắc xây dựng chính quyền cách mạng và đánh địch. Năm 1947, mặt trận Tây Tiến được thành lập do Hoàng Sâm và Lê Hiến Mai trực tiếp chỉ huy. Các đơn vị vũ trang tuyên truyền Tây tiến đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

         "Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
         Quân xanh màu lá giữ oai hùm
         Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
         Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
         Rải rác biên cương mồ viễn xứ
         Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
         Áo bào thay chiếu anh về đất
         Sông Mã gầm lên khúc độc hành "


                                                    (Tây Tiến - thơ Quang Dũng)

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, Thiếu tướng Hoàng Sâm được giao đảm  nhận nhiều trọng trách chỉ huy khác nhau như: Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304, Chỉ huy trưởng Mặt trận Trung Lào, Tư lệnh Quân khu Tả ngạn, Quân khu III. Giữa năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm được điều vào làm Tư lệnh quân khu Trị Thiên thay đồng chí Trần Văn Quang. Sau một thời gian ngắn, ông bị bệnh nặng, phải đi điều trị. Tháng 12 năm 1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm hy sinh khi đang trên đường ra Bắc.

Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ, ông sinh năm 1915 tại làng Lệ Sơn, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đây là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, là một trong "bát danh hương" của Quảng Bình trước đây (Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim). Ông tham gia cách mạng từ lúc còn nhỏ, rồi được tổ chức cử sang Thái Lan học tập, được chọn làm liên lạc cho Bác Hồ khi Người hoạt động ở đây.

Là một trong số những chiến sĩ Cách mạng thuộc lớp đầu tiên, năm 1933 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được dự lớp tập huấn do Bác Hồ phụ trách ở Tĩnh Tây Trung Quốc. Ông đã từng là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cao Bằng, Đội trưởng Đội vũ trang tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (năm 1941) và tháng 11-1941 ông từng là Đội phó Đội du kích Pắc Bó, Cao Bằng (Lê Quảng Ba làm Đội trưởng) nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang sau này.

Thiếu tướng Hoàng Sâm là người được Bác Hồ đào tạo và quý mến, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tin yêu. Là một trong những cán bộ chính trị, quân sự song toàn của quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông là những trang lịch sử vẻ vang, góp phần làm rạng rỡ  cho truyền thống cách mạng anh hùng của quê hương  Quảng  Bình.

                                                                                 Đinh Hữu Cường                                                                                          

,
.
.
.