.

Nét văn hóa truyền thống mang bản sắc của người Bru-Vân Kiều

.
10:15, Thứ Tư, 31/08/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Kim Thủy là một trong những xã biên giới phía tây của huyện Lệ Thủy. Nơi đây từ lâu đã là địa bàn cư trú bền vững của người Bru-Vân Kiều.

Cả xã có 11 bản trong đó có 3 bản nằm giáp biên giới Việt-Lào bao gồm: Holum, Mít Cát, Trung Đoàn, với địa hình đồi núi, giao thông đi lại khó khăn. Người Bru-Vân Kiều hay còn gọi là người Vân Kiều, người Ma Coong, người Trì hay người Khùa, cùng với nhóm người Chứt là hai dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn tỉnh ta. Người Bru-Vân Kiều sử dụng tiếng Bru, một ngôn ngữ chi Cơ Tu của ngôn ngữ Môn-Khơmer (thuộc ngữ hệ Nam Á).

Dân tộc này, vốn là cư dân nông nghiệp có nền văn minh tương đối phát triển. Theo các nhà dân tộc học thì nguồn gốc xa xưa sinh sống ở vùng Trung Lào. Sau những biến động của lịch sử người Bru phân tán đi các nơi. Một số dạt sang Thái Lan, một số di cư theo hướng Đông tụ cư ở vùng núi phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế của Việt Nam. Người Bru-Vân Kiều có những nét đặc sắc văn hóa riêng tạo nên sự đa dạng trong văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Ở xã Kim Thủy, đa phần đồng bào vẫn cư trú theo lối kiến trúc nhà sàn nhỏ, có quy mô gồm cha, mẹ và các con chưa lập gia đình riêng. Nhà sàn chia thành hai mái, lợp bằng lá mây hoặc lá cọ.  Nhà có hai cửa chính, một cửa dành cho nữ, cửa còn lại dành cho nam và khách nam.

Một số ngôi nhà sàn ở hai bên đầu hồi trang trí bằng gỗ theo kiểu sừng trâu hoặc đôi chim, có tác dụng hạn chế trốc mái lại tạo ra tính thẩm mỹ. Ngay trên sàn nhà được bố trí bếp lửa dùng để đun nấu hoặc là nơi quây quần bên nhau cùng sưởi ấm trong những ngày đông giá rét. Khắp các bản hình ảnh những ngôi nhà sàn vững chãi bên con sông, con suối, trên các bãi đất rộng, bằng phẳng đã khẳng định cho những giá trị truyền thống lâu bền. Bên cạnh đó, về trang phục người Bru-Vân Kiều nơi đây vẫn giữ được nét truyền thống, mang đậm kiểu trang phục Tây Nguyên.

Nếu như trước kia, nam giới Bru-Vân Kiều ở trần đóng khố, chất liệu làm khố thường lấy từ vỏ cây sui, thì nay họ dần mặc quần áo như người miền xuôi. Ngược lại, người phụ nữ Bru-Vân Kiều sử dụng trang phục chủ yếu là váy (xân), mặc áo xẻ ngực, màu chàm cổ. Người có kinh tế khá giả còn đính kim loại bạc tròn ở mép cổ và hai bên nẹp áo. Váy (xân) trang trí theo mảng lớn có bố cục dải ngang. Vải may váy, áo có nguồn gốc từ nước Lào được mua bán, trao đổi thông qua mối quan hệ giao lưu về kinh tế đã có từ lâu.

Khăn đam. Ảnh M. T. T
Khăn đam. Ảnh M. T. T

Trong đó, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Bình một số hiện vật như: Xân của bà Hồ Thị Đăng ở bản Mít Cát; của bà Hồ Thị Cúc ở bản Khe Khế; của bà Hồ Thị Yên, Hồ Thị Mây ở bản Cồn Cùng. Áo (Ada) của bà Hồ Thị Lờ ở bản Ho rum, của bà Hồ Thị Múi ở bản Khe Khế. Ngoài ra, chiếc khăn đam dùng quấn thành nhiều vòng trên đầu rồi thả sau gáy, là trang phục truyền thống của đồng bào. Khăn được dệt bằng vải có dải ngang, hai đầu có xúc tua, dài khoảng gần 1 mét, thường có màu sắc sặc sỡ.

 

Những xân, Ada, khăn Đam thường được sử dụng trong ngày lễ tết, ma chay, cưới xin. Nó còn hiện diện ngay cả trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hay khi tham gia lao động sản xuất. Trang phục cùng với các trang sức truyền thống  tôn lên vẻ đẹp của những sơn nữ thêm phần rực rỡ giữa màu xanh vô tận của núi rừng. Các vòng hạt cườm đeo cổ làm từ chất liệu đá quý được xâu thành chuỗi, có màu tím hồng, ghè theo hình ô van. Những chuỗi cườm là đồ trang sức mang trong cuộc sống đời thường, đặc biệt không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của gia đình, làng bản. Thêm nữa là những vòng đeo tay, khuyên tai, vòng cổ làm từ một số kim loại sáng màu, không gỉ, đa phần là bằng bạc.

Theo quan niệm của đồng bào vòng bạc vừa có giá trị thẩm mỹ cao, vật làm của hồi môn, vừa dùng để trừ tà, chống lại sự xâm nhập của gió độc gây đau đớn, bệnh tật. Trong đám cưới của người Bru-Vân Kiều nhà trai phải dâng các lễ vật, trong đó luôn có các tấm vải may xân, khăn đam và một số đồ trang sức cho nhà gái. Lễ vật nhà gái trả lại là những chiếc bánh dày, váy xân. Bánh dày dành cho khách nhà trai ăn trên đường khi đi đón dâu về, những tấm váy xân gửi cho phụ nữ nhằm thể hiện cho mối quan hệ tình cảm giữa họ nhà trai và nhà gái. Mặt khác, những đồ trang sức cũng được bố mẹ trao lại cho con gái khi lập gia đình, hay là đồ kỷ niệm khi họ về già . Chính vì thế, những chuỗi cườm, khuyên tai, vòng đeo tay, vòng cổ… được truyền từ đời này sang đời khác, là vật kỷ niệm thiêng liêng của người Bru-Vân kiều ở xã KimThủy.
           
Bên cạnh đó, người Bru-Vân Kiều vốn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, họ yêu đời luôn thiết tha với cuộc sống tươi đẹp. Cũng vì thế, tín ngưỡng dân gian của người Bru có những nét đặc sắc riêng. Tín ngưỡng vạn vật hiển linh, thờ đa thần như thần sông, thần suối, thần núi, thần lúa…trong đó tục thờ thần lúa là quan trọng hơn cả. Ngoài ra, những điệu hát chà chấp là lối vừa hát vừa kể, sim (hát đối nam nữ), ca dao, tục ngữ cũng rất phong phú. Vì vậy, nên âm nhạc của người Bru-Vân Kiều hết sức đa dạng, độc đáo với nhiều loại nhạc cụ như trống, thanh la, chiêng núm, khèn pi, khsui, đàn achung, pơ lua…Những nhạc cụ đó trở thành ngôn ngữ diễn đạt đầy tính biểu cảm về nhạc điệu.

Những chàng trai cô gái trong độ tuổi xuân thì giao duyên qua hát Sim bay bổng cùng tiếng đàn môi, điệu khèn du dương. Nghi lễ cúng trang nghiêm với âm hưởng tiếng trống (Xcơn), tiếng thanh la, chiêng núm, khèn pi. Hay rộn ràng tươi vui cùng cây đàn Achung, tiếng Khsui vi vu giữa núi rừng Trường Sơn trong mùa lễ hội. Ở xã Kim Thủy hiện tồn nhiều loại nhạc cụ độc đáo kể trên như: Cái trống (Xcơn) của ông Hồ Vàng ở bản Holum hiện dang sử dụng trong các dịp cúng tế tại bản. Trống được làm từ khúc gỗ khoét rỗng, hai đầu bịt da con mang già trên núi. Những thanh la, chiêng núm được nhiều hộ dân giữ gìn cẩn thận. Những người già biết làm khsui, làm đàn môi, đàn achung…lại truyền lại cho con cháu như dòng chảy bất tận của con khe, con suối.

Trong kho tàng những giá trị văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến kỹ thuật đan lát và những sản phẩm từ đan lát. Với nền kinh tế làm rẫy, làm ruộng, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm và đánh cá, cùng nguyên liệu mây tre dồi dào là những điều kiện để nghề đan lát phát triển đến trình độ cao. Nghề thủ công đan lát đã tồn tại lâu đời mà những người già khắp các bản không ai còn nhớ có từ bao giờ.

Áo (Ada) của người Bru- Vân Kiều. Ảnh M. T. T
Áo (Ada) của người Bru- Vân Kiều. Ảnh M. T. T

Các sản phẩm từ mây tre vừa có độ bền lại tiện dụng phù hợp với loại hình kinh tế nông nghiệp chiếm vị trí chủ đạo. Công việc đan lát là của người đàn ông, nguyên liệu được khai thác từ rừng về. Lấy tre, mây thường vào mùa khô, thời điểm cây có độ già nhất định, sau đó ngâm tẩm trong các khe, suối, ao hồ tạo ra sự săn chắc lại không bị mối mọt, cho ra những sản phẩm rất bền. Kỷ thuật đan lát đạt tới trình độ điêu luyện phù hợp với tính năng của các loại vật dụng.

 

Sự linh động trong chế tác như sử dụng phương pháp đan lặp lại với các loại lóng đan kết hợp như lóng đơn, lóng hai, lóng ba, lóng bốn, lóng năm. Bố cục hoa văn hài hòa, cân đối, đa dạng, lại có tính thẩm mỹ cao như hoa văn sóng đuổi, hoa văn dây thừng lệch pha trên achói, pa điêng đôi, a dăng, hoa văn xiên chéo trên ađư; hoa văn chữ V trên pa điêng. Ngoài ra còn còn một số sản phẩm là sự sáng tạo của lối kết hợp của các loại hoa văn trên. Ở Bảo tàng tỉnh đang lưu giữ một số hiện vật từ đan lát  của người Bru-Vân kiều ở xã Kim Thủy.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn xã Kim Thủy có vị trí quan trọng. Đây là cửa ngõ vào tiền tuyến lớn miền Nam với các tuyến đường không thể bị chia cắt như đường Hồ Chí Minh, đường 10, đường 16. Chính vì vậy, xã Kim Thủy là một trọng điểm bị đánh phá ác liệt của bom đạn kẻ thù.

Người Bru-Vân kiều cùng nhân dân cả nước đã anh dũng đứng lên chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỷ vật chiến tranh vẫn còn lại để minh chứng cho sự tàn khốc của nó. Những kỷ vật chiến tranh còn thể hiện cho khát vọng sống, trí tuệ sức sáng tạo tuyệt vời của người Bru-Vân Kiều nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Những vũ khí từng gây ra bao tang thương mất mát, dưới bàn tay của những người khát khao hòa bình đã trở thành những vật dụng hữu ích trong cuộc sống đời thường. Một số trong các sản phẩm đó hiện có tại Bảo tàng tỉnh như: cái hộp đựng thuốc làm từ ống pháo sáng của ông Hồ Chùm, từng tham gia du kích trong kháng chiến chống Mỹ, ở bản Khe Khế.

Thùng pháo sáng được gò lại dùng để nấu rượu của anh Hồ Đoàn ở bản Khe Khế; hay như chiếc khay của ông Hồ Văn Yên ở bản Cồn Cùng làm từ ống pháo sáng do bọn giặc lái thả trên bầu trời Kim Thủy; vật dụng đựng nước tái tạo từ thùng bom bi của ông Hồ Văn Tiêu ở bản Cồn Cùng. Ông từng là bí thư Đảng bộ xã Kim Thủy, là du kích tham gia chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước…Tựu chung, những vật dụng, sản phẩm tái tạo đã hóa thân thành sức sống, văn hóa mang tính thời đại của một dân tộc – dân tộc Việt Nam.

 Văn hóa truyền thống của người Bru-Vân Kiều nơi đây có những nét đặc sắc lại vừa phong phú, đa dạng nên rất cần được giữ gìn và phát huy. Tuy vậy, hiện nay  mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến tính bền vững của văn hóa. Những nghệ nhân nắm được kỷ thuật đan lát, chế tác các loại nhạc cụ không còn nhiều, nhiều người đã lớn tuổi. Người Bru-Vân Kiều vẫn luôn tự hào khi diện những bộ Ada, váy (xân) thì nay dần bị thay thế bởi các trang phục hiện đại.

Từ sự mai một đó, cần phải có kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy truền thống văn hóa quý giá này. Những nét văn hóa của người Bru – Vân Kiều phải tạo được sự kế thừa từ quá khứ, tính ứng dụng sáng tạo ở hiện tại và là mạch tiếp nối không ngừng của tương lai. Để làm sao người Bru-Vân Kiều cùng người Kinh, người Êđê, người Thái, người Mông, người Chăm, Khmer…gồm 54 dân tộc mang đậm đà bản sắc văn hóa, vừa thống nhất trong đa dạng như vườn hoa muôn màu rực rỡ.


                                                                                  Mai Thế Trung
                                                                        (Bảo tàng tổng hợp tỉnh)

,