Những người miền Nam trên "Đất lửa" Quảng Bình

Kỳ cuối: Lệ Ninh- tình đất, tình người

Cập nhật lúc 16:29, Thứ Hai, 13/06/2011 (GMT+7)

* Kỳ 1: Những người “khai sinh“ tên đất, tên làng

* Kỳ 2: “ Nuôi đất, canh làng“ trên đất lửa

Chiến tranh đã kết thúc tròn 36 năm, chỉ một ít người miền Nam trở về quê củ, số còn lại bám trụ ở Lệ Ninh xây dựng gia đình và lập nên một vùng quê mới. Mỗi người ở mỗi làng quê khác nhau, người ở Bình Định, người Ninh Thuận, người Quảng Ngãi, Quảng Nam… nhưng họ đã đùm bọc, nâng đỡ giúp nhau xây dựng cuộc sống mới ở Lệ Ninh, xem đây như quê hương thứ hai của mình. Nhờ sự cần cù, chịu khó, những con em miền Nam tập kết ra Lệ Ninh đã xây dựng nên một nông trường, một thị trấn trù phú như ngày hôm nay...

Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ kết thúc nhưng những đau thương mất mát vẫn hằn in, đè nặng lên cuộc sống người dân nơi mảnh đất này, nhiều hệ thống cơ sở vật chất của Nông trường Lệ Ninh gần như bị san phẳng. Nhiệm vụ xây dựng, kiến thiết mảnh đất cằn cổi trở thành một vùng đất trù phú của người dân Lệ Ninh gần như phải làm lại từ đầu. Thế nhưng, rừng thiêng nước độc cũng phải khuất phục trước ý chí con người.

Đã 51 năm thăng trầm trôi qua kể từ thời điểm những người miền Nam đặt chân tới vùng đất này và ở lại cho tới bây giờ, hầu hết thế hệ đó đã về nghĩ hưu, ai cũng có gia đình, con cái, nhà cửa khang trang trên quê hương thứ hai này. Những người ngày xưa muốn về miền Nam nhanh nhất bây giờ hãy còn đây. Cụ Nguyễn Cương, quê tỉnh Bình Định tâm sự: “Tình người của mảnh đất này quá sâu nặng với chúng tôi, chúng tôi đã sống hơn hai phần ba cuộc đời nơi đây, nhiều anh em, đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống nơi mảnh đất này, đây chẳng phải là quê hương sao...” 

 

Nuôi ếch một hướng làm giàu mới của người dân Lệ Ninh
Nuôi ếch một hướng làm giàu mới của người dân Lệ Ninh

Khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương đạt khoảng 12,5%/năm. Trong tổng số gần 6.000 nhân khẩu của thị trấn, tỉ lệ hộ nghèo chỉ có 3,1%, mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12 triệu đồng/năm... Để có được kết quả đáng phấn khởi đó, những năm qua, địa phương chúng tôi đã tập trung chỉ đạo bà con đẩy mạnh đầu tư phát triển kinh tế vườn hộ, vườn rừng, vườn đồi, nuôi bò lai sind, lợn siêu nạc, nuôi hươu lấy lộc, ong lấy mật...Thị trấn Lệ Ninh hiện có 1.750 con trâu, bò, gần 1.300 con lợn và trên 11.000 con gia cầm. Nhằm tận dụng và khai thác tốt nguồn nước hồ Cẩm Ly, thị trấn đã chỉ đạo nhân dân tích cực phát triển nuôi trồng thủy sản như nuôi ba ba, cá lóc, rô phi đơn tính... được 15,5 ha, hiệu quả thu lại rất cao. Tổng diện tích  rừng trồng và chăm sóc của toàn thị trấn đến nay  là 423 ha (trong đó có gần 300 ha do Công ty Lệ Ninh quản lý).

Đặc biệt, người dân địa phương đã trồng được chừng 55 ha cây cao su, sắp đến thời kỳ thu hoạch. Hiện tại, trên địa bàn có 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh thu hút trên 300 lao động với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng. Tại thị trấn có Công ty Lệ Ninh, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 700 lao động là người địa phương và 4 công ty TNHH, 2 HTX xây dựng đã giải quyết việc làm cho thêm 150 lao động với mức lương trên 2 triệu đồng/lao động/tháng.

 

Người cao tuổi ở Lệ Ninh luôn là gương sáng để con cháu noi theo
Người cao tuổi ở Lệ Ninh luôn là gương sáng để con cháu noi theo

Điều đáng ghi nhận ở Lệ Ninh là không chỉ phát triển về kinh tế, mà nhiều mặt trong đời sống xã hội như văn hoá, giáo dục, y tế cũng được quan tâm phát triển vượt bậc so với mặt bằng chung ở Quảng Bình. 12/12 thôn ở thị trấn Lệ Ninh đều có đội văn nghệ, trên 1.000 hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa”, gần như toàn bộ các thôn đều có đội bóng chuyền nam và nữ. Nhiều gia đình trở thành gia đình cử nhân như nhà bác Nguyễn Hà, nhà bác Phạm Đình Khương, Nguyễn Đình Khoa…

Từ chổ nghèo khó, đến nay rất nhiều hộ gia đình ở thị trấn đã đều có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/năm trở lên. Gần 100% gia đình có điện thoại, ti vi, xe máy, trẻ em được chăm sóc chu đáo, đến trường đúng độ tuổi, tỷ lệ học sinh giỏi ngày càng cao, an ninh trật tự luôn được giữ vững

Cứ vào đầu năm, con em miền Nam ở Lệ Ninh lại tổ chức họp đồng hương. Trong buổi họp, người lớn tuổi thường khuyên dạy con cháu gắng học thành tài. Những chuyện vui, chuyện buồn lại được bà con ngồi ôn lại rồi động viên, chia sẽ với nhau trong một cách chân tình, cởi mở. Mỗi người ở mỗi làng quê khác nhau, người ở Bình Định, người Ninh Thuận, người Quảng Ngãi, Quảng Nam… nhưng họ đã đùm bọc, nâng đỡ giúp nhau xây dựng cuộc sống mới ở Lệ Ninh. Kỷ niệm 36 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nhiều con em ở Lệ Ninh đang tìm về quê hương với tấm lòng tri ân nguồn cội...
                                                                                                   Văn Minh

 

 

,
.
.
.