.

Nguyễn Thị Ngọc Yến: Cô gái 'ngược đường, ngược nắng'

Chủ Nhật, 10/12/2017, 14:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi biết Nguyễn Thị Ngọc Yến từ ngày Yến còn là nữ sinh chuyên Văn Trường THPT chuyên Quảng Bình (nay là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp). Khi bạn bè cùng lớp theo đuổi những mơ ước văn chương bay bổng thì cô gái ấy lại “ngược đường, ngược nắng” chọn cho mình một lối đi riêng: theo học ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Giờ, cô nữ sinh năm nào đã là trưởng nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2 (Đồng Phú, TP. Đồng Hới). Bằng tất cả niềm tin và tình yêu thương, Yến và những người đồng nghiệp của mình đang ngày ngày dắt tay những đứa trẻ đặc biệt ấy vững bước trên những nấc thang hòa nhập.

Nhiệt tình, chịu khó và kiên trì

Gần 10 năm trôi qua kể từ ngày tôi gặp và trò chuyện cùng Yến – lúc ấy đang là sinh viên ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt - về những ước mơ, hoài bão của mình. Ngọc Yến đã từng rất hào hứng chia sẻ về con đường mình chọn đi. Trong thâm tâm tôi ngày ấy, vừa ngưỡng mộ nhưng cũng không giấu được sự hoài nghi, bởi thực tế và ước mơ giảng đường đôi khi không cùng chung một màu sắc. Sợ rằng khi bước ra giữa cuộc đời trần trụi, đối diện với bao vất vả mà nghề nghiệp đặc biệt ấy mang đến, Yến sẽ không còn sự hứng thú, nhiệt thành ấy nữa. Vậy mà sau chừng ấy năm gặp lại, tôi biết, mình đã nhầm! Trong đôi mắt của Yến – một phụ nữ tuổi 30 hôm nay vẫn lấp lánh niềm hứng khởi. Ánh mắt ấy tôi đã từng bắt gặp ở cô sinh viên sư phạm năm nào.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Yến – Trưởng nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Yến – Trưởng nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2.

Yến bảo, với nhiều người, lúc còn sinh viên, họ thường tô hồng ước mơ của mình, nên khi đi làm, thực tế “trần trụi” thường khiến họ vỡ mộng. Cô thì khác, khi quyết định theo học ngành giáo dục đặc biệt, nghĩa là đã lường trước được những khó khăn mình phải đối diện khi làm nghề. Cái khác giữa lúc mới ra trường với nay, sau gần 8 năm đó là nhiệt huyết đã tăng lên rất nhiều. “Bởi bạn biết không, khi trước, tôi không có người đồng hành, thì giờ tôi đã có rất nhiều đồng nghiệp, họ cùng có chung niềm đam mê dạy trẻ chuyên biệt, cùng “kề vai, sát cánh” bên tôi. Lúc mới đi thực tập ở các trường chuyên biệt, tôi thấy mình không người ủng hộ, cảm giác đơn độc lắm, cứ luôn nghĩ, rồi liệu mình có trụ được lâu dài với nghề hay không? Giờ thì khác rồi, niềm vui, sự khó khăn, cả những thử thách trong nghề, chúng tôi đều chia sẻ cùng nhau. Và quan trọng, sự hào hứng với nghề còn được nuôi dưỡng bởi chính những niềm vui từ sự tiến bộ của trẻ”, Ngọc Yến chia sẻ.

Tốt nghiệp ra trường, Yến trở về quê, thành lập Nhóm mầm non chuyên biệt Trí Tâm 2, dạy những đứa trẻ chuyên biệt, như: trẻ bị tự kỷ, trẻ bị Down, tăng động giảm chú ý, trẻ chậm nói... Yến bảo, cái khó của nghề này là dạy được cho trẻ những kỹ năng đơn giản nhất mà lẽ ra đứa trẻ bình thường nào cũng biết. Mỗi trẻ nhập học là một bài toán khó và là một thử thách rất lớn đối với thầy cô. Tùy theo mức độ nhận thức của trẻ mà phân ra các lớp theo cấp độ 1, 2 và 3. Hàng ngày, trẻ sẽ được học theo nhóm hoặc học theo lớp cá nhân. Những đứa trẻ đặc biệt như thế này thì mỗi câu nói có khi phải nhắc lại hàng tháng trời, một màu sắc phải dạy đi dạy lại trong vòng nhiều tuần trẻ mới hiểu được.

“Ở đây, ngày trước có bé tên là Hải Hằng, thuộc dạng tự kỷ nặng, nhưng giờ, sau 3,5 năm theo học ở đây, bé đã đi học lớp 2 rồi. Vậy là chúng tôi cứ lấy cháu làm “chuẩn” để biết được quãng đường mình cần đi và dạy cho mỗi trẻ khác là bao nhiêu? Khó khăn, đặc thù là vậy nên ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên chuyên biệt phải hội đủ 3 yếu tố: nhiệt tình, chịu khó và kiên trì. Bởi vậy, một khi đã bước qua được những thử thách buổi ban đầu, những giáo viên ở đây đều gắn bó cho đến tận hôm nay”, Yến cho biết thêm.

Cần sự phối hợp của gia đình

Nhiều năm trước, khi tự kỷ và các dạng khuyết tật trí tuệ khác vẫn còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh ta nói riêng, những đứa trẻ này luôn bị mọi người xung quanh nhìn với ánh mắt hoàn toàn xa lạ, e ngại và thiếu thiện chí. Hành trình của những ông bố, bà mẹ có những đứa con không may mắn ấy trở nên gian nan hơn bao giờ hết.

8 năm gắn bó cùng nghề, Ngọc Yến và những người đồng nghiệp của mình phải chứng kiến nhiều cảnh đời con trẻ, nhiều câu chuyện buồn rơi nước mắt. Nhiều bậc làm cha, làm mẹ vừa phải gồng mình trang trải cho cuộc sống gia đình, vừa phải là người bạn, người thầy dạy cho con những điều nhỏ nhất trong sinh hoạt, ứng xử, lại phải đấu tranh để cộng đồng hiểu, cảm thông và giúp đỡ cho đứa con thơ luôn ngờ nghệch về thế giới quanh mình. Khi nhắc đến các dạng khuyết tật này, các bậc cha mẹ trẻ thường có hai xu hướng: lo lắng thái quá hoặc không chịu chấp nhận sự thật là con mình bị mắc bệnh.

“Có nhiều người mang con đến đây với tâm trạng phó mặc vì họ cho rằng bản thân đã hết cách. Trong khi nhiều gia đình lại không đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự tiến bộ của trẻ và tìm đến bói toán, cúng bái mê tín. Thực tế, tại đây cũng đã có vài ba trường hợp phụ huynh mời thầy cúng về để “giải hạn” cho con vì họ nghĩ, con họ mắc như vậy là bị ma nhập. Có những trẻ sau khi bị thầy cúng dùng đòn roi đánh đập để “đuổi con ma ra khỏi người” thì trở nên hoảng loạn và càng bị nặng thêm. Giờ có cháu hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng. Đó là chuyện buồn mà đôi khi chúng tôi không muốn nhắc lại”, Ngọc Yến không giấu được nỗi buồn.

Ngoài chuyên môn, giáo viên dạy trẻ chuyên biệt cần sự nhiệt tình, chịu khó và kiên trì.
Ngoài chuyên môn, giáo viên dạy trẻ chuyên biệt cần sự nhiệt tình, chịu khó và kiên trì.

Hiện nay, nhóm mầm non chuyên biệt của Ngọc Yến đã có hai cơ sở ở TP. Đồng Hới và TX. Ba Đồn. Sau 5 năm thành lập, đã có hơn 50 trẻ ra trường, cũng là chừng ấy trẻ chuyên biệt kém may mắn được hòa nhập với bạn bè và có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ đồng trang lứa khác. Trong cuộc chuyện trò, Ngọc Yến khoe với tôi tấm thiệp chúc mừng 20-11 của học trò tặng mình, ánh mắt không giấu được nỗi tự hào. Bởi, đó là món quà quý giá từ chính cậu bé vốn là một học sinh tự kỷ nặng, giờ đã có thể theo học hòa nhập ở một trường tiểu học. Yến bảo, niềm vui của những giáo viên như Yến đôi khi giản dị lắm, có lúc chỉ là tiếng trẻ bật gọi mình sau nhiều tháng trời trông ngóng, tập luyện, cũng có khi là sự tiến bộ của các em trong việc nhận biết các đồ vật quanh mình. Nhưng hơn tất cả, niềm hạnh phúc của những người làm nghề như Yến là tìm được sự đồng cảm, hỗ trợ từ những bậc phụ huynh để mang đến cho những đứa trẻ kém may mắn một môi trường giáo dục hòa nhập tốt nhất.

“Giờ suy nghĩ của phụ huynh đã tiến bộ hơn rất nhiều. Trong các tiết học, chúng tôi đều livestream (phát trực tiếp) qua facebook để phụ huynh vừa có thể theo dõi, vừa có thể tương tác được với giáo viên. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức ngày hội gia đình để phụ huynh có thể cùng các cháu trải nghiệm, chứng kiến những tiến bộ của con em mình. Nhưng chỉ mong, những bậc làm cha, làm mẹ bớt chút thời gian để có thể trò chuyện, chơi đùa cùng trẻ”, Ngọc Yến bày tỏ.

Diệu Hương