.

Xã Trọng Hóa: Nhìn lại việc dạy và học lớp 'đẩy'

Thứ Hai, 27/11/2017, 14:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Để thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục THCS theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2012 đến 2015, hàng trăm học sinh tại xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) đã tham gia học lớp "đẩy". Dẫu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò các cấp học trên địa bàn xã cũng như ngành giáo dục tỉnh nhà đã nỗ lực hết mình để hoàn thành.

Trước năm 2010, xã Trọng Hóa có hàng trăm học sinh đã vượt quá tuổi quy định nhưng vẫn chưa thể hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (TH và THCS). Chỉ tính riêng năm 2011, toàn xã có 469 học sinh từ 11 đến 14 tuổi, nhưng 225 em chưa hoàn thành chương trình tiểu học (chiếm 48%); 223 em độ tuổi từ 15 đến 18, nhưng chỉ có 114 em hoàn thành chương trình THCS (đạt tỷ lệ 51%). Tỷ lệ này còn cách xa so với yêu cầu chuẩn phổ cập giáo dục THCS của Bộ GD-ĐT. Lúc này, cả tỉnh chỉ còn duy nhất xã Trọng Hóa chưa hoàn thành chương trình phổ cập THCS và nếu dạy theo chương trình mỗi năm một lớp thì nhanh nhất đến năm 2018, xã mới hoàn thành.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do điều kiện đi lại trên địa bàn xã còn rất nhiều khó khăn. Điểm trường cách nhà xa nên nhiều học sinh TH phải bỏ giữa chừng. Mặt khác, do nhận thức của người dân còn thấp, chưa quan tâm đến việc học tập của con cái cũng như việc khai sinh, cho nên dẫn đến thực trạng con lớn tuổi mới cho đi học. Cơ sở vật chất trường lớp lúc bấy giờ chưa đáp ứng được nhu cầu học tập cũng như việc xây dựng nhà bán trú, chế độ bán trú cho các em. Trước đó, do xã chưa có chế độ 30a của Chính phủ, nên các em thường bỏ học theo gia đình đi làm rẫy, làm thuê ở các nơi; quá trình điều tra phổ cập THCS còn bất cập nên đã để "lọt" một số lượng lớn học sinh nằm trong độ tuổi (từ 15-18 tuổi) chưa được phổ cập THCS.

Các em học sinh ở xã Trọng Hóa đang theo học lớp “đẩy”
Các em học sinh ở xã Trọng Hóa đang theo học lớp “đẩy”

Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT tỉnh đã chỉ đạo huyện, xã phải triển khai dạy và học lớp “đẩy”. Đây là chương trình do Bộ GD-ĐT quy định đối với 6 xã chưa được phổ cập xong giáo dục THCS trên cả nước, trong đó có xã Trọng Hóa. Theo chương trình học, mỗi lớp “đẩy” sẽ kéo dài 7 tháng và học liên tục cả hè. Các môn học trong chương trình vẫn được triển khai bình thường, không giảm tiết. Ngoài thực hiện việc dạy và học theo chỉ đạo của ngành, các trường học tại xã Trọng Hóa chuyển số học sinh từ lớp 3 đến lớp 6 đang học tại trường đã quá tuổi và vận động số học sinh đã bỏ học quay lại trường học theo chương trình lớp “đẩy”. Lớp "đẩy" được triển khai từ tháng 6 năm 2012 và dự kiến đến năm 2016. Thầy Đinh Đức Nghĩa, một giáo viên từng dạy lớp “đẩy” tại xã Trọng Hóa tâm sự: "Vì sự nghiệp giáo dục chung nên chúng tôi không được nghỉ hè như những đồng nghiệp khác mà phải luôn nỗ lực, cố gắng để giảng dạy hoàn thành chương trình lớp "đẩy". Nhờ đó, việc dạy và học lớp “đẩy” đạt được kết quả tốt đẹp như mong đợi của đội ngũ giáo viên chúng tôi”.

Em Hồ Thị Viên, một học sinh từng học lớp “đẩy” chia sẻ: "Cả bốn mùa hè trước, thay vì lên rẫy giúp ba mẹ, cháu miệt mài học tập. Dù việc học rất vất vả, nhưng chúng cháu đã cố gắng để hoàn thành chương trình”. Nhờ học lớp “đẩy” mà Viên cùng hàng trăm học sinh khác ở xã Trọng Hóa đã “đuổi” kịp chương trình học với các bạn cùng trang lứa. Hiện tại, Viên cùng nhiều bạn trong xã đã được về Hóa Tiến hoặc thành phố Đồng Hới để học lên bậc THPT theo đúng độ tuổi. Ông Lê Văn Tuấn, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa cho biết: “Mặc dù vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chất lượng của học sinh lớp "đẩy" còn thấp so với mặt bằng chung; học sinh, giáo viên phải chịu nhiều vất vả, khó khăn trong quá trình dạy và học, nhưng lớp "đẩy" cũng đã hoàn thành trong năm 2015 (trước 1 năm so với dự kiến). Đây cũng là thời điểm tỉnh ta hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục THCS”.

Sau 4 năm triển khai, học sinh lớp “đẩy” đã học được 6 lớp thay vì 4 lớp như thông thường. Trong năm cuối của lớp “đẩy”, toàn xã Trọng Hoá chỉ còn 86 em học sinh lớp 9 tham gia chương trình học. Trong 4 năm, đã có 64 lượt lớp “đẩy” được tổ chức với 2.006 lượt học sinh, trong đó có 44 học sinh đã bỏ học được nhà trường vận động tham gia học tập lại. Trong 4 năm dạy và học lớp “đẩy”, các thầy cô giáo và học sinh đã được hỗ trợ một phần kinh phí với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng. Ông Hồ Phin, Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa cho biết: "Nhờ triển khai lớp “đẩy”, nên xã Trọng Hóa đã sớm hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Hiện tại, có nhiều em hoàn thành chương trình đã tiếp tục học lên cao và các cháu sẽ là nguồn cán bộ kế cận sau này”...

Xuân Vương