.

Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: Hiến kế vì ngành giáo dục

Thứ Sáu, 10/11/2017, 15:34 [GMT+7]

Chiều 9-11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa tổ chức gặp mặt các tác giả tham gia vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 tại Hà Nội.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa gặp mặt các tác giả lọt vòng chung khảo chương trình
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa gặp mặt các tác giả lọt vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Chương trình do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.

Tham dự buổi gặp mặt có bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn và đại diện 22 tác giả của 10 công trình, sáng kiến tiêu biểu.

Tại buổi gặp mặt, các tác giả chia sẻ những trăn trở về việc dạy và học trong trường, thẳng thắn đề đạt ý kiến, hiến kế với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tác giả Nguyễn Hữu Hải, đại diện nhóm công trình "Nền tảng phát triển giáo dục open classroom" nêu ý kiến việc học hiện nay của học sinh THPT có nội dung khá nhiều, gây ra áp lực cho học sinh. Đồng thời phương pháp giảng dạy của giáo viên thường một chiều, chỉ thông qua hình ảnh, video không kích thích được sáng tạo, tiềm năng của học sinh.

  Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa gặp mặt các tác giả lọt vòng chung khảo chương trình
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa gặp mặt các tác giả lọt vòng chung khảo chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2017 - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

"Có lẽ chăng ở phương pháp dạy chưa đáp ứng được truyền đạt kiến thức cho học sinh nên xảy ra nạn học thêm, dạy thêm khiến học sinh cảm thấy sốc. Với vai trò là nhà nghiên cứu viên, nhà khoa học trẻ, chúng tôi nhận thấy mình có thể đóng góp công sức, mang đến cuộc thi những ý tưởng đóng góp cho nền giáo dục nước nhà", tác giả Nguyễn Hữu Hải chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Trường Vũ tâm huyết với việc học thực hành trong chương trình phổ thông đã thôi thúc anh sáng tạo ra các thiết bị làm thí nghiệm Vật lý.

"Thực nghiệm là điều quan trọng trong học tập nhưng thực tế chưa được chú trọng. Điều quan trọng nhất cần thay đổi về con người, cần có nhiều giáo viên tâm huyết với giáo dục thực nghiệm. Giáo dục thực nghiệm là hướng đi đúng đắn và cần nhân rộng ra học sinh trên toàn quốc", tác giả bày tỏ.

Thầy giáo Nguyễn Trương Quý Trọng (TP. HCM) mang đến đề tài "Xây dựng và đưa hoạt động tư vấn học đường vào các trường THCS" nêu ý kiến rằng ngoài thầy cô, cần có người tư vấn học đường cho học sinh. Ở độ tuổi này, học sinh thường có rất nhiều băn khoăn về tâm sinh lý nhưng rất ngại để trao đổi với thầy cô.

Lắng nghe ý kiến, đề xuất của tri thức trẻ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh đây là những hiến kế sáng tạo của bạn trẻ vì sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo.

"Tôi vui mừng số công trình năm nay tăng lên so với năm ngoái, đa dạng nhưng đều xuất phát từ những vấn đề thực tiễn, là những ý tưởng, hiến kế sáng tạo ở những lĩnh vực khác nhau. Đó là những vấn đề ngành giáo dục quan tâm và tôi nghĩ có những ý tưởng đã ứng dụng trong trường", bà Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương Tập đoàn Thiên Long luôn đồng hành với các hoạt động thanh niên, sự nghiệp giáo dục - Ảnh: PHƯƠNG CHINH
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa biểu dương Tập đoàn Thiên Long luôn đồng hành với các hoạt động thanh niên, sự nghiệp giáo dục - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Đánh giá cao chương trình đã thu hút không chỉ tri thức trẻ trong ngành mà ngoài ngành, tụ hội giáo viên, sinh viên, học sinh, Thứ trưởng mong muốn các công trình đạt giải năm nay được hỗ trợ ứng dụng từ các doanh nghiệp, tập đoàn.

Cũng tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Bộ Giáo dục - Đào tạo biểu dương Tập đoàn Thiên Long luôn đồng hành với các hoạt động thanh niên, đồng hành với sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà.

Ông Nguyễn Long Hải, Bí thư Trung ương Đoàn gửi gắm tâm huyết đến các bạn trẻ có công trình, sáng kiến vì sự nghiệp giáo dục: "Cần tiếp tục nghiên cứu, mài sắt để đem ý tưởng vào giáo dục tốt nhất. Mong càng ngày bộ sưu tập sáng kiến về giáo dục đưa vào thực tiễn càng dày, càng sáng lên, dần dần được đưa vào chính sách của Nhà nước".

Theo Hà Thanh (Tuổi trẻ)