.

Hiệu quả từ mô hình vườn cổ tích

Thứ Tư, 15/11/2017, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Một trong những điều thú vị nhất trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia của Trường mầm non Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) là hạng mục vườn cổ tích. Đây là hạng mục mang lại nhiều tiện ích, nhất là cho giáo viên thực hiện phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Còn nhớ, trước năm 2014, cơ sở trường còn tạm bợ, khuôn viên thiếu đi không gian vui chơi cho các cháu. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, phương pháp giảng dạy mới.

Được sự chỉ đạo của chuyên môn Phòng Giáo  dục - Đào tạo huyện Quảng Ninh cùng sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được tiến hành gấp rút từ tháng 1-2015. Ban giám hiệu nhà trường đã tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ưu tiên hạng mục vườn cổ tích cho các cháu.

Ngoài việc tham quan học hỏi kinh nghiệm của các trường bạn, nhà trường đã đề xuất chọn một họa sĩ có nhiều tâm huyết để thiết kế hạng mục phù hợp với tâm hồn trẻ thơ. Ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo xã, đại diện Hội phụ huynh học sinh, các tổ chuyên môn đã thảo luận và thiết lập một mô hình thích hợp nhất, cô Tấm từ trong truyện cổ tích bước ra đời thực.

Nhà trường đã tham mưu với UBND xã để chọn địa điểm thuận lợi nhất để xây dựng vườn cổ tích. Trên diện tích khoảng 300m2, hàng chục nhân vật trong truyện cổ tích, những bức tranh, cây cổ thụ... được dựng lên phù hợp và gần gũi với tâm hồn trẻ thơ.

 Các cháu Trường mầm non Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đang học ở vườn cổ tích.
Các cháu Trường mầm non Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) đang học ở vườn cổ tích.

Từ khi có mô hình vườn cổ tích, đội ngũ giáo viên đã có một phương pháp giảng dạy mới. Thay cho việc ngồi trong lớp miệt mài kể chuyện, các cô giáo đã chủ động cho các cháu ra vườn cổ tích để được trực tiếp xem tranh, nghe kể chuyện. Nhìn ánh mắt vui tươi và nụ cười hồn nhiên của các cháu, giáo viên thêm yêu nghề hơn. Các cháu còn mạnh dạn đặt câu hỏi cho cô và háo hức nghe trả lời. Phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.

Cô giáo Hà Thị Thu Thủy tâm sự: “Trước đây, khi nhà trường chưa có vườn cổ tích, việc truyền thụ kiến thức cho các cháu rất khó khăn, lắm khi cô giáo dùng đủ ngôn từ vẫn không làm cho các cháu hiểu một câu chuyện. Giờ đây, nhờ vườn cổ tích, các tranh vẽ, bức tượng... đã khiến việc dạy học của cô trò trở nên dễ dàng hơn”.

Một phụ huynh chia sẻ: “Từ ngày vườn cổ tích hoạt động, con chúng tôi càng hứng thú hơn khi đến trường. Năm học này, các cháu rất tiến bộ, cháu nào cũng muốn đến trường sớm. Khi đón các cháu, nhiều cháu chưa chịu về, còn muốn  đến bên những nhân vật của truyện cổ tích. Bài học như vẫn còn thu hút các cháu mãi...”

Anh Đỗ Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ninh tâm sự: “Nắm được nguyện vọng của nhà trường, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Vĩnh Ninh đã kêu gọi tích cực xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực vào công cuộc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Nhiều con em của địa phương đang sinh sống và làm việc ở mọi miền quê đất nước đã tự nguyện chung tay góp sức vì tương lai các cháu, rất cảm động vì có những người mang cả cây cảnh đến tặng trường, làm phong phú vườn cổ tích”.

Ánh Nguyệt