.

Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình: 50 năm hình thành và phát triển

Thứ Năm, 26/10/2017, 15:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Được thành lập ngày 5-6-1967, trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, Trường cao đẳng kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình trở thành một thương hiệu, sự tin tưởng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, các thế hệ giáo viên và học sinh đã phát huy truyền thống vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để thi đua dạy tốt, học tốt. Nhiều học sinh của trường đã trở thành những ông chủ của cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cán bộ của các ngành, những công nhân lành nghề, thợ giỏi, bổ sung nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Trường cao đẳng kỹ thuật Công- Nông nghiệp Quảng Bình tiền thân là Trường Cơ giới Nông nghiệp Quảng Bình, được thành lập theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12, khóa 3 của Trung ương Đảng với mục tiêu đưa cơ giới vào đồng ruộng, đẩy mạnh sản xuất chi viện cho miền Nam đánh giặc. Khi mới thành lập, trường chỉ có 3 người. Giáo viên của trường chủ yếu là cán bộ, kỹ sư, thợ bậc cao của công ty kiêm nhiệm giảng dạy.

Trong hai năm đầu, với phương châm vừa xây dựng, vừa đào tạo, trường đã tuyển sinh và đào tạo được 4 khóa với 162 học viên học nghề cơ khí nhỏ và vận hành máy kéo nông nghiệp. Do điều kiện chiến tranh, năm 1969, trường chuyển về xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tiếp nhận hậu cứ  Ban B ở đồi 77. Tại đây, trường đã kiện toàn bộ máy, bổ sung kịp thời đội ngũ giáo viên lên 20 người. Ông Mai Văn Tấn  được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, quy mô đào tạo đạt 200 học sinh. Năm 1971, trường chuyển ra thôn Võ Thuận, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, đào tạo khóa 7 với số lượng 150 học sinh. Trong đó, 60 học sinh được điều qua học lái xe bổ sung cho lực lượng vận tải Quảng Bình, còn lại học nghề cơ khí và vận hành máy kéo nông nghiệp. Năm 1973, trường chuyển về xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tổng số cán bộ giáo viên lên 40 người, ông Phạm Bá Trai làm Hiệu trưởng. Đào tạo khóa 8 và 9 được 200 học sinh. Trong đó, 45 học sinh là con em tỉnh Savannakhẹt (Lào) học nghề cơ khí nông nghiệp. Năm 1975, trường tiếp nhận và đào tạo 200 học sinh là bộ đội của quân đoàn 2 và 37 học sinh tỉnh Savannakhẹt (Lào) được tặng Huy hiệu Hữu nghị Việt - Lào.

Phát huy truyền thống quê hương “hai giỏi”, hình thành và phát triển trong chiến tranh, các thế hệ giáo viên và học sinh khắc phục mọi sự tàn phá để giữ vững phong trào học tập của ngôi trường. Mặc dù phải di chuyển nhiều lần, đến nhiều địa điểm khác nhau, nhưng trường vẫn cứ tồn tại vững chãi dưới mưa bom bão đạn, góp phần bổ sung nguồn nhân lực phục vụ cho chiến tranh và công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh.

Năm 1976, khi 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế hợp nhất trường đổi tên thành Trường Công nhân Cơ giới Bình Trị Thiên, trực thuộc Ty Nông nghiệp Bình Trị Thiên, chuyên môn trực thuộc Tổng cục Dạy nghề, ông Lê Hồng Công làm Hiệu trưởng. Thời điểm này, trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để mở rộng quy mô ngành, nghề đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên lên 60 người. Quy mô đào tạo đạt 300 đến 400 học sinh/1 năm. Năm 1979, trường chuyển về đồi Mỹ Cương, xã Nghĩa Ninh và là địa điểm hiện nay. Số lượng cán bộ giáo viên 70 người. Ông Lê Hồng Công làm Hiệu trưởng và ông Ngô Văn Trí, Phó Hiệu trưởng. Trường tập trung đào tạo công nhân vận hành máy kéo nông nghiệp và cơ khí nhỏ; tổ chức bồi dưỡng nâng bậc thợ; phối hợp với Công an tỉnh đào tạo và  sát hạch cấp bằng công nhân vận chuyển máy kéo nông nghiệp; đào tạo công nhân cơ điện và gia công cơ khí, cung cấp đội ngũ công nhân kỹ thuật trên 5.000 người cho các cơ sở sửa chữa, sản xuất cơ khí Bình Trị Thiên.

Sau ngày tách tỉnh, trường trở về với tên gọi cũ Trường Công nhân Cơ giới Nông nghiệp Quảng Bình. Năm 1987, ông Phạm Văn Tựu Trưởng khoa Kinh tế - Chính trị Trường Đảng Bình Trị Thiên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trường đã tiến hành giảm biên chế từ 70 cán bộ giáo viên xuống còn 26 người. Năm 1991, trường chuyển về trực thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới. Quy mô đào tạo hàng năm từ 300 học sinh lên 800 học sinh. Hệ bồi dưỡng ngắn hạn hàng năm đạt 500 đến 700 lượt, hệ công nhân kỹ thuật từ đào tạo 4 nghề lên 8 loại ngành, nghề.

Một góc Trường cao đẳng kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình.Ảnh: M.QUÝ
Một góc Trường cao đẳng kỹ thuật Công - Nông nghiệp Quảng Bình. Ảnh: M. Quý

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Trường trung học kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình được nâng cấp theo quyết định số 168/QĐ-UB ngày 6-3-1997 của UBND tỉnh Quảng Bình. Nhiệm vụ là đào tạo hệ trung học kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyển giao công nghệ cho ngành công nghiệp, nông nghiệp tỉnh nhà. Trường nâng cấp đã mở ra cơ hội mới, vị thế mới trong việc mở rộng quy mô, loại hình đào tạo.

Năm học đầu tiên sau khi trường được nâng cấp (1997-1998), trường đào tạo mã ngành trung học kỹ thuật điện có số lượng 100 học sinh, còn lại là đào tạo công nhân kỹ thuật và lái xe các hạng. Quy mô đạt 558 học sinh/1 năm, hệ bồi dưỡng đạt 1073 lượt. Năm học 1998-1999, trường đã đào tạo được 3 mã ngành trung học kỹ thuật điện, động lực, lâm sinh, quy mô đạt 900 học sinh/1 năm. Hệ bồi dưỡng đạt 1020 lượt. Ngoài ra, trường còn liên kết với Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh đào tạo giáo viên dạy nghề cho các cấp học THCS, THPT và các trung tâm hướng nghiệp - dạy nghề trên địa bàn tỉnh.

Năm 2000 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của trường về quy mô đào tạo, đạt 1.200 học sinh/1 năm với 5 mã ngành hệ trung học và hệ công nhân kỹ thuật từ 8 nghề lên 10 nghề,  hệ bồi dưỡng đạt gần 2.500 lượt. Đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên của trường năm 1997 là 50 người trong đó, giáo viên 26, trình độ đại học 13 người, 5 người có trình độ cao đẳng còn lại là thợ bậc cao. Năm 2000, tổng số cán bộ giáo viên, công nhân viên 68, đội ngũ giáo viên 44 người, trình độ đại học 30, cao đẳng 3 còn lại là thợ bậc cao. Để mở rộng  ngành, nghề đào tạo trường đã chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, trường cử giáo viên đi học, bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy và biên soạn giáo trình ở Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sư phạm Kỹ thuật Vinh. Nội dung chương trình đào tạo hàng năm được chỉnh lý, sửa đổi để phù hợp với tình hình đào tạo của trường. Các hoạt động chuyên môn cũng được trường phát động và tổ chức. Nhiều giáo viên đã có những sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào áp dụng trong giảng dạy và sử dụng trong thực tiễn làm lợi hàng trăm triệu đồng. Hội thi giáo viên dạy giỏi được tổ chức thường xuyên. Năm học 1998-1999, trường có 3 giáo viên dạy gỏi cấp tỉnh, 2 giáo viên dạy gỏi cấp quốc gia được nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi.

Thực hiện nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII và Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy Quảng Bình, năm 2005, trường tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo hướng liên thông gắn bó chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành; ứng dụng và bổ sung kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào nội dung giảng dạy,  biên soạn giáo trình nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Ngoài ra, trường còn tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường lao động nắm bắt nhu cầu để mở rộng ngành, nghề đào tạo phù hợp. Nếu năm 2000 trường có 5 mã ngành đào tạo hệ trung học, thì năm 2005 tăng lên 11 mã ngành, tổng số cán bộ,  giáo viên 77 người. Năm 2007, trường có 82 cán bộ giáo viên, trực tiếp đứng lớp 57 người. Trình độ của giáo viên lúc này đã được trường quan tâm, chú trọng phát triển chiều sâu. Hai giáo viên có trình độ thạc sĩ, 20 giáo viên đã tốt nghiệp lớp bồi dưỡng sau đại học, 35 giáo viên có trình độ đại học. Sau 10 năm nâng cấp, trường ngày càng phát triển về mọi mặt từ quy mô, loại hình đào tạo đến xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Số lượng tuyển sinh năm sau cao hơn năm trước, đào tạo vượt mức chỉ tiêu trên giao. Năm 2015, tổng số cán bộ giáo viên công nhân viên là 197, trình độ thạc sĩ 35, trình độ đại học và sau đại học 91. Quy mô đào tạo đạt 8.098 học sinh trong đó,  liên kết đào tạo 571, trung cấp 309, hệ công  nhân kỹ thuật 3.826, hệ bồi dưỡng 3.392 lượt, đến năm 2016 tổng quy mô đào tạo đạt 7.684.

Hiện nay, trường được mang tên mới, Trường cao đẳng kỹ thuật Công- Nông nghiệp Quảng Bình theo Quyết định số 1123/QĐ-LĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của trường, tạo ra một vị thế mới trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Phát huy truyền thống 50 năm xây dựng và  phát triển của trường, với đội ngũ BGH trẻ, đoàn kết, có tâm huyết, năng động, sáng tạo sẽ đưa ra những quyết sách, những bước đi đúng đắn, cùng với sự quan tâm của các cấp ngành có liên quan, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của UBND tỉnh Quảng Bình giúp trường vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục vững bước đi lên, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu trong tình hình mới xứng tầm với truyền thống.

Trần Thị Liêm