.

Tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em, học sinh vùng dân tộc thiểu số

Thứ Bảy, 21/10/2017, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục Quảng Bình tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và mạng lưới cơ sở giáo dục phù hợp điều kiện địa phương; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi (DTTS, MN); triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở vùng DTTS, MN.

Theo ông Trương Đình Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, trong năm học này, ngành chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng DTTS, MN; rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương và có lộ trình hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Đối với cấp học mầm non và tiểu học, khi sắp xếp, sáp nhập các điểm lẻ phải hợp lý, bảo đảm yếu tố trẻ phải được theo học ở gần bố mẹ, gia đình; tránh sáp nhập, dồn ghép các điểm lẻ một cách cơ học, không phù hợp gây khó khăn cho các em học sinh và phụ huynh.

Ngành Giáo dục tiếp tục củng cố, duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đi học; chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng xã hội huy động tối đa trẻ em, học sinh người DTTS trong độ tuổi đến trường, duy trì sĩ số học sinh, bảo đảm tỷ lệ học sinh chuyên cần, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ tết, mùa vụ; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN.

Ngành tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN dạy học phù hợp với đối tượng; tổ chức khảo sát, đánh giá về chất lượng, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS của địa phương từ mầm non đến phổ thông, trên cơ sở đó, tăng cường các giải pháp đồng bộ, thiết thực, phù hợp thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS.  

Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa (Minh Hóa) chú trọng tăng cường giao lưu tiếng Việt cho học sinh người Rục.
Trường tiểu học và THCS Thượng Hóa (Minh Hóa) chú trọng tăng cường giao lưu tiếng Việt cho học sinh người Rục.

Việc nâng cao chất lượng dạy và học đang được ngành đặc biệt quan tâm, cụ thể: các trường tổ chức khảo sát phân loại năng lực học tập của học sinh ngay từ đầu năm học để xây dựng kế hoạch dạy học, phụ đạo, bồi dưỡng đúng đối tượng học sinh; đổi mới phương pháp dạy học bộ môn phù hợp đối tượng học sinh DTTS. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc quy chế đánh giá xếp loại học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh trong các cơ sở giáo dục phù hợp đối tượng học sinh DTTS; thực hiện tốt việc phân tích kết quả đánh giá, xếp loại các môn học của học sinh năm học 2016- 2017, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học năm học 2017-2018.

Các cấp học tổ chức và quản lý học sinh trong khu nội trú, hoạt động tự học của học sinh ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tăng cường giáo dục học sinh nâng cao nhận thức, tham gia tuyên truyền trong gia đình, cộng đồng về xóa bỏ các hủ tục lạc hậu (ma chay, cưới xin thời gian dài ngày; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,...); giáo dục kĩ năng hoạt động xã hội với các nội dung thiết thực, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi và đặc điểm văn hóa DTTS cho học sinh...

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hoạt động xã hội... nhằm nâng cao đời sống tinh thần và giáo dục toàn diện cho học sinh; tổ chức các trò chơi dân gian, khuyến khích các trường PTDTNT, PTDTBT dạy nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, đan lát, thêu khăn, trang phục,...), khuyến khích các em học sinh mặc trang phục dân tộc trong các ngày chào cờ đầu tuần, các ngày lễ lớn, các hoạt động sinh hoạt tập thể... để giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc.

Ngoài ra, ngành cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp học sinh trường PTDTNT sau khi tốt nghiệp THPT, có thể lựa chọn ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở trường cá nhân và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, địa phương.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh; khuyến khích triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương; tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bảo đảm cho việc tổ chức các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, bảo đảm giáo dục cơ bản ở THCS, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả.

Đặc biệt, từ năm học này ngành Giáo dục sẽ tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ em, học sinh DTTS trong các cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN. Bằng nhiều hình thức đê xây dựng môi trường giao tiếp, giao lưu tiếng Việt cho trẻ, học sinh DTTS thông qua hoạt động dạy học của môn học và trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; tổ chức hiệu quả chương trình giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cho học sinh DTTS cấp tiểu học. Đồng thời, tăng cường dạy học tiếng DTTS trong trường phổ thông; phối hợp với các cơ quan hữu quan như: phòng Văn hóa - Thông tin, Đài Phát thanh - Truyền hình, Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tổ chức cho học sinh DTTS tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo bằng tiếng DTTS.

Toàn ngành cũng thực hiện nghiêm túc phân cấp quản lí về giáo dục dân tộc theo các quy định hiện hành; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm tới giáo dục ở vùng DTTS, MN.

Nội Hà