.

Lối ra nào cho đội viên trí thức trẻ? - Bài 2: Cán bộ trẻ về đâu?

Thứ Bảy, 26/08/2017, 10:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tháng 3-2011, huyện Minh Hóa đã tiếp nhận 47 trí thức trẻ về làm việc tại các xã. Sau 5 năm, dự án kết thúc, hàng chục cán bộ tri thức trẻ đang chưa biết về đâu.

>> Bài 1: Nỗi buồn... Phó chủ tịch xã

Tháng 3-2011, huyện Minh Hóa đã tiếp nhận và bố trí 41 cán bộ trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại 15 xã khó khăn thuộc diện 30a của Chính phủ. Sau đó, UBND huyện đã căn cứ tình hình cụ thể của từng địa phương, bố trí cán bộ trí thức trẻ có chuyên môn phù hợp.

Đến tháng 8-2011, huyện tiếp tục tiếp nhận 6 cán bộ trí thức trẻ tuyển bổ sung đợt hai. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã có 2 cán bộ thuộc dự án bỏ việc giữa chừng. Hầu hết cán bộ trí thức trẻ được tuyển dụng có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.

Trong quá trình công tác, họ luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các địa phương. Qua 5 năm làm việc, những trí thức trẻ này đã cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hòa nhập vào môi trường làm việc mới, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 

Cán bộ trí thức trẻ 30a hướng dẫn bà con xã Tân Hóa chăm sóc ngô.
Cán bộ trí thức trẻ 30a hướng dẫn bà con xã Tân Hóa chăm sóc ngô.

45 trí thức trẻ đã nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực được phân công công tác. Họ chủ động tham mưu cho các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phát huy thế mạnh của từng địa phương, hướng dẫn nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác cũ; quy hoạch vùng và thực nghiệm các giống cây, con mới có năng suất cao vào sản xuất nông nghiệp...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội các địa phương cũng có nhiều chuyển biến tích cực nhờ những đóng góp của đội ngũ cán bộ trí thức trẻ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Diện mạo các địa phương có nhiều đổi thay tích cực, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở cơ sở phát triển, con em đồng bào dân tộc được chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi đến trường, nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa... Những đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ cho huyện Minh Hóa là rất lớn. Tuy nhiên, hợp đồng làm việc của họ đã kết thúc vào cuối tháng 2-2016 nên hàng chục cán bộ trẻ chưa biết phải đi đâu, về đâu.

Anh Đinh Mạnh Dầu, ở xã Hóa Hợp tâm sự: “Từ khi bị thất nghiệp, tôi rất buồn, phải làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống. Nhiều khi cũng nhớ người dân và nhớ công việc lắm nhưng cũng đành phải chấp nhận!”. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ngành Công tác xã hội, Trường đại học Quảng Bình, anh Dầu được nhận vào làm cán bộ văn hóa xã Hóa Hợp. Sau 5 năm công tác, anh đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự nỗ lực đó, hàng năm anh đều được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng hiện tại, anh đang chịu cảnh thất nghiệp và đi làm thuê để nuôi sống gia đình.

Anh Đinh Tiến Hùng, cán bộ trí thức trẻ ở xã Thượng Hóa cho biết: “Từ khi nhận được hợp đồng làm việc tại xã, tôi đã không ngừng nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao như: phối hợp, tham mưu cho xã giám sát các công trình xây dựng trên địa bàn do UBND xã làm chủ đầu tư, tham gia công tác giao đất, giao rừng, quy hoạch đất đai trên địa bàn xã, làm bí thư chi bộ bản Phú Minh... Nhưng giờ đây, tôi lại phải chịu cảnh thất nghiệp sau 5 năm làm cán bộ!”  

Ông Nguyễn Văn Túc, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ cho biết: “Do biên chế của các xã trên địa bàn hết nên huyện không thể bố trí việc làm cho các trí thức trẻ 30a. Qua 5 năm công tác, họ đã có được những trải nghiệm quan trọng về cuộc sống, làm hành trang cho tương lai. Hiện các cán bộ này cũng đã được cấp giấy chứng nhận tri thức trẻ tình nguyện để làm hồ sơ xin việc sau này”.

Có thể khẳng định rằng, qua thời gian công tác, phần lớn các trí thức trẻ tham gia công tác đã chứng minh được khả năng của mình. Họ  là lực lượng cán bộ có chất lượng, một bộ phận không thể thiếu ở những vùng khó khăn, gian khổ. Với những gì họ đã đóng góp và nhu cầu của địa phương, việc thẩm định để tiếp tục gia hạn hợp đồng cần được cấp thẩm quyền xem xét, để không uổng phí một đội ngũ các bộ trẻ đầy tâm huyết và năng lực.

Xuân Vương