.

Con chữ và mưu sinh

Chủ Nhật, 20/08/2017, 09:28 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày mới bắt đầu ở xã biển bãi ngang Hải Ninh, huyện Quảng Ninh rất trong trẻo. Khi mặt trời kịp nhô lên khỏi chân sóng, nhiều ngư dân quen hơi biển mặn mòi lại tìm ra với biển, bắt đầu công việc thường nhật. Trên những chiếc bơ nan chuẩn bị xuất bến, chúng tôi chợt thấy rất nhiều những đứa trẻ theo bố, theo anh, theo bạn bè cùng bám biển mưu sinh.

Quay ngược lại thời gian độ hơn chục năm về trước, khi chưa có con đường cán nhựa thông thoáng chạy từ ngã tư Dinh Mười ra tận trung tâm xã Hải Ninh thì người dân vùng biển bãi ngang gặp muôn ngàn khó khăn. Đời sống nhân dân nghèo, chủ yếu bám biển kiếm con tôm, con cá đắp đổi qua ngày. Câu chuyện lao động trẻ Hải Ninh ly hương vào các tỉnh miền Nam làm thuê, làm mướn bây giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức dân biển. Lao động nam đánh cá trên các tàu xa bờ, lao động nữ đầu quân vào làm công nhân tại các khu chế xuất. Mỗi độ ra Tết, thanh niên, thanh nữ kéo nhau “vượt cát” ra quốc lộ 1A đón xe vào Nam. Hải Ninh chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ con.

Một trong những vấn đề nan giải của Hải Ninh thời điểm đó là tình trạng học sinh bỏ học. Càng lên cấp học cao hơn, số lượng học sinh đến trường càng ít đi. Học sinh xã Hải Ninh “vượt cát” theo học bậc THPT đếm trên đầu ngón tay.

 Em Nguyễn Xuân Ninh quyết định từ giã việc học hành để gắn bó với biển.
Em Nguyễn Xuân Ninh quyết định từ giã việc học hành để gắn bó với biển.

Bây giờ, Hải Ninh đang thay da, đổi thịt từng ngày, giáo dục Hải Ninh cũng khởi sắc với hệ thống cơ sở vật chất trường lớp khang trang ở cả ba cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường bảo đảm đúng, đủ chỉ tiêu, yêu cầu.

Chúng tôi lên với xã Hải Ninh vào những ngày giữa tháng tám. Thời gian cho học sinh các cấp học sau kỳ nghỉ hè chuẩn bị trở lại trường bước vào năm học mới 2017-2018 không còn bao nhiêu. Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Phan Văn Liệu cho biết: “Bằng quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể xã hội, tập thể thầy cô giáo và phụ huynh, những năm học vừa qua, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng ở các cấp học giảm dần. Tuy nhiên, năm học mới này, con em Hải Ninh theo học THPT số lượng rất ít, một số em đăng ký vào học tại trường trung cấp nghề mong muốn tìm hướng xuất khẩu lao động”. Lý giải cho điều này, Chủ tịch xã Hải Ninh nói thêm: “Đối với các xã biển bãi ngang như Hải Ninh, cần có định hướng giáo dục như thế nào đó để khi các em ra trường đều có công ăn việc làm ổn định. Nếu không, con em chúng tôi học cao lên thì cũng quay trở về bám biển, làm ngư nghiệp”.

Theo thống kê, kết thúc năm học 2016-2017, xã Hải Ninh có 115 học sinh tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, theo UBND xã  số lượng hồ sơ học sinh đăng ký theo học THPT và trung cấp nghê trong năm học 2017-2018 chỉ có 88 em. Đây chỉ là con số thể hiện qua hồ sơ đăng ký, còn thực tế, con số học sinh không theo học THPT cao hơn rất nhiều. Đến thời điểm hiện tại, con em Hải Ninh đến trường THPT và trường trung cấp nghề chỉ khoảng hơn một nửa so với số hồ sơ đăng ký. Lý do nghỉ học đối với các em nam là đi biển, còn các em nữ thì lên thành phố làm thuê hoặc ở nhà.

Tốt nghiệp THCS, em Nguyễn Xuân Ninh ở thôn Tân Định không đăng ký học tiếp THPT mà xin theo làm bạn trên tàu cá công suất lớn để đi biển. Trong khi các bạn đồng trang, đồng lứa của Ninh chuẩn bị cho ngày tựu trường thì em làm “ngư dân” thực thụ đã 3 tháng, quyết định chọn cho mình con đường bám biển mưu sinh. Nói về lý do nghỉ học, Ninh thực thà: “Học lực của cháu không khá, hơn nữa, sau cháu còn hai em cũng đang tuổi ăn, tuổi học. Gia đình cháu hoàn cảnh quá khó khăn, cháu đi biển kiếm tiền phụ giúp ba mẹ nuôi các em. Mà có học cao lên nữa, sau này rồi cũng quay về với biển”.  “Lớp cháu có 31 bạn, một nửa trong số đó đi học, chủ yếu là con gái. Con trai hầu hết bỏ học đi biển. Riêng thôn Tân Định, 10 đứa con trai bạn cháu học hết lớp 9 đều nghỉ học bám biển. 20 bạn gái thì khoảng 10 bạn đi học, số còn lại ở nhà hoặc ra thành phố làm thuê”-Nguyễn Xuân Ninh cho biết thêm.

Trong rất nhiều ngư dân bãi ngang Hải Ninh bám biển đêm ngày mưu sinh, có những cậu bé vừa mới rời khỏi mái trường THCS.
Trong rất nhiều ngư dân bãi ngang Hải Ninh bám biển đêm ngày mưu sinh, có những cậu bé vừa mới rời khỏi mái trường THCS.

Cũng như Nguyễn Xuân Ninh, Nguyễn Văn Hiệp ở thôn Cừa Thôn học xong lớp 9 thì bỏ ngang, theo bố mẹ bám biển kiếm sống. Hiệp chia sẻ: “Tương lai sống chết chi cũng theo nghề biển. Có học hết cấp ba hay lên đại học sau này vẫn đi biển nên cháu quyết định nghỉ học từ bây giờ”.

Trường hợp em Mai Thị Mận ở thôn Tân Định lại khác với Ninh và Hiêp. Tốt nghiệp THCS, thấy bạn bè nhiều người đăng ký vào học tại trường trung cấp nghề nên Mận cũng đăng ký, nộp hồ sơ vào đó. Khi sắp bước vào năm học mới, mẹ Mận bảo, có người nói học trường nghề xong không lấy được bằng tốt nghiệp, nên cấm không cho Mận học trường này nữa.

Mai Thị Mận muốn tiếp tục đi học nên đến trường nghề xin rút hồ sơ để nộp vào trường THPT. Do vướng mắc trong thủ tục rút hồ sơ, học bạ, hạn đăng ký nhập học tại các trường THPT đã hết, rốt cuộc Mận bị lỡ mất một năm chuyện học hành. Khi được hỏi, năm nay muộn học rồi năm sau Mận có ý định học lại không, thì em trả lời dứt khoát “Không”. “Cháu sẽ nghỉ học luôn, ở nhà phụ giúp mẹ, còn đi đâu, sau này làm gì thì sẽ tính tiếp”.

Ông Hoàng Văn Than, Chủ tịch Hội khuyến học xã Hải Ninh cho biết: “Con em Hải Ninh nghỉ học sau khi tốt nghiệp THCS rất nhiều. Các cháu nam thì đi biển, còn các cháu nữ vào miền Nam làm thuê, hoặc ra TP. Đồng Hới làm người giúp việc gia đình”.

“Năm nào, Hội khuyến học xã; cấp ủy, chính quyền; các tổ chức đoàn thể cũng phải đi vận động học sinh đến trường rất vất vả. Tuy nhiên, số lượng học sinh theo học bậc THPT vẫn thấp, quá thấp!”- Ông Chủ tịch Hội khuyến học day dứt.

Hồ An