.

Học sinh Trường tiểu học Quảng Thạch: Cần lắm một mô hình bán trú

Thứ Năm, 29/06/2017, 10:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Trường tiểu học Quảng Thạch nằm trên địa bàn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Quảng Trạch. Những năm qua, được sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất nhà trường được xây dựng khang trang, xanh-sạch-đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Đặc biệt, với sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giáo dục của nhà trường đang ngày được nâng cao. Tuy nhiên, ngôi trường của vùng chiến khu xưa (chiến khu cách mạng Trung Thuần) đang phải đối mặt với một vấn đề khó khăn mà nhiều năm nay chưa có giải pháp khắc phục, đó là việc bán trú cho các em học sinh vùng sâu vùng xa.

Chúng tôi về Quảng Thạch vào một ngày cuối năm học 2016-2017, đúng giờ tan học buổi trưa. Khi học sinh trở về nhà, sân trường im ắng trở lại, nhưng vẫn thấy một số học sinh tha thẩn trên sân trường, rồi kéo nhau ra quán tạp hóa gần trường ngồi tạm. Em lấy cà mèn cơm mang theo ra ăn, em thì mua gói mì tôm xin nước của chủ quán pha để ăn, còn một số em ngồi nhai trệu trạo những chiếc bánh mì không khô khốc. Khi được hỏi, những cô cậu học trò nhỏ bé, với gương mặt hồn nhiên, vô tư trả lời, vì nhà ở xa, nên các em phải ở lại trường và đây là suất ăn buổi trưa để chiều vào học tiếp, tối mới được ba mẹ đón về nhà.

Buổi trưa của các em học sinh phải ở lại trường vì nhà quá xa.
Buổi trưa của các em học sinh phải ở lại trường vì nhà quá xa.

Mang theo hình ảnh trong trẻo, ngây thơ của các em cùng nỗi niềm day dứt đến tìm thầy Hiệu trưởng Trần Quốc Khánh và được biết, Trường tiểu học Quảng Thạch có 232/232 học sinh học 2 buổi trong ngày, tỷ lệ 100%. Thời gian qua, nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh; triển khai các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh. Đồng thời, trong năm học, nhà trường luôn phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong và ngoài địa phương để làm tốt công tác huy động và duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đến trường đạt tỉ lệ 100% từ đầu cho đến cuối năm.

Đến nay, xã Quảng Thạch đang duy trì và giữ vững được chuẩn giáo dục tiểu học mức độ 3; trẻ 6 tuổi vào lớp 1: 35/35, đạt 100%; huy động trẻ 6 đến 14 tuổi vào trường: 232/232, đạt 100%. Tuy nhiên, do địa bàn xã trải rộng, địa hình phức tạp, đường sá đi lại khó khăn, nhiều khe suối, nhất là vào mùa mưa nước dâng cao, học sinh phải nghỉ học thường xuyên. Nơi xa nhất như thôn 1 cách trường gần 20km, vì vậy, ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã, còn có 1 điểm trường lẻ với 47 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 nhằm giảm bớt đường đến trường xa ngái cho các em nhỏ tuổi, còn từ lớp 4 trở lên đều phải về điểm trường chính để học.

Vì vậy, từ khi học hai một buổi ngày, hàng năm có trên 50 học sinh nhà ở quá xa phải ở lại trường buổi trưa, riêng năm học này có 67 em. Tuy còn nhỏ tuổi, nhưng các em phải tự túc việc ăn uống, em nào có nhà người quen gần trường thì được ba mẹ gửi lại cho ăn bữa trưa, còn các em khác thì mang cơm theo, hoặc ăn mì tôm, bánh mì qua bữa.

Để tạo điều kiện cho các em có chỗ nghỉ lại, nhà trường đã lấy một phòng học chức năng, đóng sạp, mua sắm chăn, chiếu, gối cho các em có chỗ nghỉ ngơi, nhất là vào mùa mưa rét. Nhà trường bầu ra một hội đồng tự quản, mỗi khối 1 em để các em tự quản, bảo ban lẫn nhau khi không có thầy cô ở trường.

“Nhưng nói thật, ở tuổi các em rất hiếu động, không mấy khi tự giác ngủ trưa, chỉ trừ những ngày mưa rét các em mới chịu ngồi yên trong phòng. Không có giáo viên phụ trách bán trú, nên các em tha hồ đùa nghịch. Chăn chiếu chỉ được vài tháng là rách bươm, nhà trường lại phải mua sắm bổ sung, cũng khá tốn kém so với một trường vùng khó như chúng tôi, nhưng không mua sắm lại thì thương học trò... Nhà tôi cũng ở xa, nên thường buổi trưa cùng ở lại và trông chừng các em. Những hôm có việc đột xuất không có mặt ở trường, tôi lo lắng bồn chồn không yên. Vì trước cổng trường là con đường liên thôn, liên xã, xe cộ thường xuyên qua lại, không có ai nhắc nhở, các em chạy ra đường lỡ có chuyện gì thì không biết nói sao với phụ huynh khi đã tin tưởng giao con em mình cả ngày cho nhà trường. Nhưng để tổ chức lớp học bán trú nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh thì không thể thực hiện được, vì điều kiện người dân ở đây còn nhiều khó khăn, không có điều kiện đóng góp để chi phí cho công tác bán trú của con em mình. Toàn trường có 232 học sinh thì có đến 86 em thuộc diện phải trợ cấp và 12 em khuyết tật. Rất quá khó để huy động nguồn lực đóng góp  từ nhân dân...”, thầy Khánh tâm sự.

 Trường tiểu học Quảng Thạch cần có mô hình bán trú để chăm sóc, quản lý học sinh an toàn.
Trường tiểu học Quảng Thạch cần có mô hình bán trú để chăm sóc, quản lý học sinh an toàn.

Trò chuyện cùng cô bé Phạm Thị Kim Oanh nhỏ nhắn với đôi mắt to tròn đầy nghị lực, mới thấy hết nỗi nhọc nhằn, gian nan tìm con chữ của các em. Em vừa nhai bánh mì vừa hồn nhiên kể, “nhà em ở xóm 1, cách trường gần 20km, em thường dậy từ tờ mờ sáng để ba mẹ chở đến trường rồi về kịp lên rẫy. Ngày nắng còn đỡ chứ mùa đông lạnh đến tê cóng cả người, nhưng em không bỏ buổi học nào, chỉ trừ những ngày mưa lũ khe suối bị chia cắt, em mới ở nhà. Vì nhà nghèo, nên mỗi ngày đi học, mẹ mua cho ổ bánh mì, hay gói mì tôm để ăn bữa trưa cùng các bạn. “Dù vất vả đến mấy em cũng cố gắng học thật giỏi để sau này làm cô giáo trở về quê dạy các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như em...”, Oanh nói đầy tự tin.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, có nhà ở gần trường học chia sẻ: “Buổi trưa các em cứ lang thang hết sân trường rồi ra quán tạp hóa, ăn uống thì không có gì, vì nhà em nào cũng nghèo. Các nhà xung quanh trường, nhất là quán tạp hóa cũng tạo mọi điều kiện giúp đỡ các em. Như nhà tôi, vài ngày, con lại dẫn về 5-6 bạn học cùng lớp nhờ mẹ nấu cơm cho các bạn ăn với. Nhưng thực sự là các cháu đông quá, đến mấy chục cháu, nên cũng không thể cưu mang hết được. Nhất là về mùa lạnh, nhìn các cháu thương lắm. Tôi nghĩ cũng như mình, chắc ba mẹ các cháu cũng lo lắng, nhưng vì điều kiện, hoàn cảnh nên đành phải chấp nhận để con lại một mình buổi trưa ở trường”.

Trao đổi về vấn đề bán trú của học sinh Trường tiểu học Quảng Thạch với ông Trần Quốc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục - Đào tạo) được biết, việc tổ chức bán trú cho con em tại trường là do nhà trường - phụ huynh - chính quyền địa phương thỏa thuận, mọi chi phí đều do phụ huynh đóng góp. Nhưng, điều kiện kinh tế người dân nơi đây còn khó khăn, nên chưa tìm ra giải pháp nào. Sở đã biết về vấn đề này, thương học sinh nơi đây nhưng thực sự “lực bất tòng tâm”.

 Là một ngôi trường vùng khó, nhưng thầy và trò Trường tiểu học Quảng Thạch đã không ngừng nỗ lực vươn lên. Năm học 2015-2016, nhà trường có 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh (1 giải ba và 1 giải khuyến khích Olympic tiếng Anh); 1 học sinh đạt huy chương đồng Olympic tiếng Anh cấp quốc gia. Đặc biệt, năm học 2016-2017, em Lê Nguyễn Tuấn Hưng, học sinh lớp 5 đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi Tài năng tiếng Anh (OTE) cấp tỉnh và được chọn vào đội tuyển thi cấp quốc gia.

Nội Hà