.

Mô hình Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy: Hoàn thành "sứ mệnh"... thí điểm

Thứ Năm, 18/05/2017, 16:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện chiến lược giáo dục giai đoạn 2001-2010, ngày 17-6-2002, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã có quyết định triển khai thí điểm mô hình Trường THPT Kỹ thuật tại 4 trường của 4 tỉnh, thành phố, bao gồm Đồng Tháp, Cần Thơ, Phú Thọ và Quảng Bình. Ngày 19-2-2004, UBND tỉnh có quyết định thành lập Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy. Tuy nhiên, sau 12 năm thực hiện, mô hình Trường THPT Kỹ thuật đã bộc lộ những bất cập, cần có sự thay đổi để phù hợp với xu thế đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Mô hình hai trong một...

Trường THPT Kỹ thuật được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho học sinh (HS) vừa có trình độ THPT, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, góp phần phân luồng HS sau THCS. Chương trình được thiết kế theo cấu trúc 70% là giáo dục phổ thông theo chương trình - sách giáo khoa chuẩn và 30% cho kỹ thuật nghề.

Với nhiệm vụ được giao, Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, khoa học, linh hoạt; tích cực truyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh thông tin để đội ngũ giáo viên (GV), phụ huynh, HS nhận thức rõ và đầy đủ về mục tiêu mô hình đào tạo, từ đó các em yên tâm học tập và rèn luyện. Nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình thí điểm của Bộ, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học; chủ động đổi mới phương pháp dạy học, xây dựng chương trình, nội dung dạy học, tài liệu phù hợp đối tượng HS.

Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho HS vừa có trình độ THPT, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.
Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho HS vừa có trình độ THPT, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp.

Trong 12 năm qua, mặc dù chất lượng đầu vào HS lớp 10 của trường thấp hơn so với các trường khác trên địa bàn, nhưng trường vẫn bảo đảm việc giáo dục HS có trình độ THPT. HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt tỷ lệ từ 95-100%. HS thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ dao động trong khoảng từ 15-30%, đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, con số đó đã đạt từ 40-50%. Tại các kỳ thi HS giỏi văn hóa, TDTT, HS của trường cũng đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Đội tuyển TDTT của trường đã liên tục lập thành tích cao trong các kỳ thi cấp tỉnh và cấp quốc gia. Từ năm 2011 đến 2013, HS nhà trường đã đoạt 7 HCĐ, 4 HCB, 1 HCV cấp tỉnh. Riêng môn bơi lội, HS Nguyễn Đại Tài đã đoạt 1 HCB, 3 HCĐ giải bơi lội trẻ toàn quốc, 1 HCĐ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc...

Song song với giảng dạy văn hóa, hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp rất được nhà trường chú trọng. Kế thừa từ Trung tâm Kỹ thuật HN-DN của huyện, đội ngũ GV nghề không được biên chế thêm, nhưng nhà trường vẫn bảo đảm thực hiện nghiêm túc công tác dạy nghề kỹ thuật. Nhà trường đã đưa vào giảng dạy 6/7 môn kỹ thuật nghề của Bộ quy định: tin học, điện dân dụng, điện tử, may công nghiệp, thú y và làm vườn. Tỷ lệ HS khá giỏi ở các bộ môn nghề hàng năm đạt trên 55% và trường luôn có HS đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi nghề cấp tỉnh.

Và những bất cập, khó khăn

Ông Trương Đình Châu, Phó giám đốc Sở GD - ĐT chia sẻ, từ năm 2009 đến nay, khi mô hình thí điểm này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng Bộ GD - ĐT không có thêm văn bản chỉ đạo nào; chương trình dạy học chính thức không được xây dựng; biên chế GV, nhân viên đảm nhiệm nội dung dạy nghề kỹ thuật không thực hiện được; cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị phục vụ công tác dạy nghề không được đầu tư, trang cấp thêm... Các tỉnh có thí điểm mô hình đều đã lần lượt chuyển đổi. Hiện cả nước chỉ còn 1 trường THPT Kỹ thuật duy nhất tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Thầy Hà Văn Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thuỷ cho biết: Qua quá trình thực hiện, mô hình đã bộc lộ những hạn chế ngay trong mục tiêu chương trình giáo dục. Mô hình này thực hiện mục tiêu kép: giáo dục cho HS vừa có trình độ THPT, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để có thể học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, góp phần phân luồng HS sau THCS. Tuy nhiên, phần đào tạo nghề không phù hợp và không đáp ứng được nhu cầu thực tế, những kiến thức và kỹ năng nghề mà HS tiếp thu được ở mức độ rất khiêm tốn, các em không thể dùng vốn kiến thức đó để có thể hành nghề trong cuộc sống. Đặc biệt, hiện tại đã có các trường trung cấp, CĐ nghề trên địa bàn đảm nhận công tác dạy nghề kỹ thuật với đầy đủ các trang thiết bị, CSVC đáp ứng yêu cầu chất lượng; do đó, trường khó cạnh tranh về chất lượng đào tạo. Vì vậy, HS, phụ huynh và nhân dân không có nhu cầu học tập theo mô hình này và mục tiêu kép không đạt được.

Mặc dù nhà trường đã nỗ lực hết mình để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thí điểm mô hình Trường THPT Kỹ thuật, nhưng trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn. Trước hết là chương trình đào tạo, sách giáo khoa và tài liệu. Theo quy định của Bộ, mô hình trường THPT Kỹ thuật được thiết kết theo cấu trúc: 70% là giáo dục phổ thông theo chương trình, sách giáo khoa chuẩn và 30% cho kỹ thuật nghề. Tuy nhiên, với các môn kỹ thuật (nghề) theo quy định lớp 10: 140 tiết/năm học, lớp 11: 280 tiết/năm học và lớp 12: 192 tiết/năm học, Bộ chỉ có khung chương trình chung, không có tài liệu giảng dạy chính thống, chuyên biệt cho loại hình trường THPT Kỹ thuật. Giáo viên căn cứ trên khung chương trình này, cụ thể hóa lại và biên soạn tài liệu phục vụ công tác dạy học, một số môn có tài liệu nhưng rất sơ sài, khó áp dụng, nên GV gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nội dung chương trình dạy nghề kỹ thuật nặng về lý thuyết, ngành nghề được đào tạo khó đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại địa phương, các ngành nghề địa phương có nhu cầu thì không được đào tạo do không có GV, CSVC, vật tư thiết bị.

Khó khăn tiếp theo là đội ngũ GV. Với biên chế GV được giao hàng năm theo quy mô lớp là 2,25GV/lớp chỉ đủ đáp ứng yêu cầu dạy học văn hóa theo chương trình THPT và dạy nghề phổ thông; chưa đủ biên chế GV dạy nghề kỹ thuật (theo mô hình trường THPT Kỹ thuật, tỷ lệ này là 2,98). Hơn nữa GV dạy các nghề kỹ thuật chưa được đào tạo đúng chuẩn theo quy định; các nghề mà thị trường lao động của địa phương có nhu cầu, như: điện dân dụng, điện tử, thú y, may mặc..., GV không được đào tạo chuyên sâu, trình độ tay nghề chưa cao, nên rất khó khăn trong tổ chức đào tạo nghề cho HS. Hiện tại, GV của trường chỉ đảm nhận được các môn nghề phổ thông, như: làm vườn, trồng rừng, tin học...

Bên cạnh đó, các thiết bị, vật tư phục vụ dạy nghề kỹ thuật ngày càng bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, rất khó để tiếp tục tổ chức dạy học hiệu quả; các nghề được đào tạo tại trường thì xã hội không có nhu cầu, nên việc huy động HS tham gia học đã khó và việc duy trì sĩ số lại càng khó khăn hơn. Vì vậy, hàng năm công tác tuyển sinh chỉ đạt từ 50-60% so với chỉ tiêu được giao và số lượng tuyển sinh giảm mạnh qua hàng năm.

Điều đặc biệt quan tâm đó là rất khó để hoàn thành mục tiêu kép một cách đúng nghĩa về đào tạo để HS khi ra trường vừa có kiến thức văn hóa cơ bản vừa có trình độ tay nghề đáp ứng ngay nhu cầu tìm kiếm việc làm tạo thu nhập cho bản thân và gia đình.

Theo đánh giá của ngành GD - ĐT, có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan từ Bộ đến cơ sở giáo dục, dẫn đến mô hình thí điểm trường THPT Kỹ thuật hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, việc chuyển đổi mô hình Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy sang mô hình trường THPT bình thường là một tất yếu trong xu thế hiện nay. Tất cả các trường thuộc tỉnh Phú Thọ, Đồng Tháp, Cần Thơ được Bộ GD - ĐT giao nhiệm vụ triển khai dạy thí điểm mô hình THPT Kỹ thuật đã tổng kết và chuyển đổi sang thực hiện chương trình THPT hiện hành từ năm 2010. Tin vui với cán bộ, GV, phụ huynh, HS trên địa bàn Trường THPT Lệ Thủy đứng chân, UBND tỉnh đã đồng ý: bắt đầu từ năm học mới 2017-2018, cho phép tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Kỹ thuật Lệ Thủy học chương trình giống như các trường THPT khác. Riêng HS lớp 11 và lớp 12 hiện tại vẫn tiếp tục chương trình thí điểm dành cho trường THPT Kỹ thuật đến khi tốt nghiệp THPT.

Nội Hà